ĐNO - "Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài lực và trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp thông qua những đóng góp, hiến kế, đề xuất, sáng kiến để giúp thành phố cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả hơn, hướng đến sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng và của doanh nghiệp trong tương lai".
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định như vậy tại “Tọa đàm Mùa Xuân 2018” khai mạc sáng 8-3.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chủ trì và phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND Hồ Kỳ Minh cùng hơn 20 đại diện doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiêu biểu đang đầu tư tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, thời gian qua chính quyền thành phố luôn xác định trách nhiệm của mình là tạo ra môi trường thúc đẩy doanh nghiệp phát huy khả năng, nguồn lực, tăng sự tự tin của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực sự trở thành xương sống của tăng trưởng kinh tế, bảo đảm vững chắc cho sự thịnh vượng và phát triển chung của xã hội.
"Đất lành chim đậu", với tiềm năng và lợi thế riêng có của mình, hơn 20 năm qua, Đà Nẵng được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm hiểu cơ hội và tham gia đầu tư.
Tuy nhiên, kết quả đầu tư chưa thực sự đột phá, quy mô của doanh nghiệp chủ yếu nhỏ, vốn đầu tư ban đầu khá khiêm tốn và nhu cầu sử dụng lao động chưa nhiều. Thành phố vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Quang cảnh "Tọa đàm Mùa Xuân 2018" |
Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2018 là "Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư" với mục tiêu rà soát, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035, tầm nhìn 2050, chuẩn bị cơ chế, chính sách và hạ tầng cần thiết làm tiền đề thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo các bước đột phá về kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng.
"Để đạt được những mục tiêu lớn này, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài lực và trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp thông qua những đóng góp, hiến kế, đề xuất, sáng kiến để giúp thành phố cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả hơn, hướng đến sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng và của doanh nghiệp trong tương lai", Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Peter Ryder - Tổng Giám đốc Indochina Capital Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục kiên trì với mục tiêu xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Peter Ryder cho rằng thành phố cần giữ môi trường sạch đẹp để phát triển du lịch. |
Bên cạnh đó, cần hạn chế những dự án, công trình gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển. Tất cả các dự án du lịch phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung của thành phố về bảo vệ môi trường.
Đơn cử, hiện nay, thành phố có 40 cửa xả thải ra biển, một số cửa xả thải đó đang hoạt động quá công suất, chưa xử lý hoàn toàn được nước thải khi đổ ra biển, nếu không khắc phục sớm thì lâu dài sẽ tác động lớn đến môi trường biển của thành phố.
Đi kèm đó, thành phố cần tập trung phát triển các dịch vụ về giáo dục, y tế đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng được nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi họ kết hợp giữa du lịch với nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh.
Theo ông Barroso – Phó Lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng, hiện nay, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch của Đà Nẵng rất tốt nhưng chưa đủ hấp dẫn và phong phú.
Ông Barroso cho rằng Đà Nẵng cần nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tầm quốc tế. |
Thành phố cần thêm nhiều sản phẩm dịch vụ khác như tổ chức các lễ hội và sự kiện quốc tế theo chủ đề: điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hoạt động ngoài trời và thể thao, nên tăng cường trang trí nhà dân theo phong cách riêng để làm đẹp cho thành phố. Đặc biệt, thành phố cần kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm giải trí lành mạnh về đêm để giữ chân du khách.
Ông Ricky Tan - Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Kinderworld: Cần thu hút đầu tư vào giáo dục đạt chuẩn quốc tế Một trong những điểm yếu của Đà Nẵng mà các doanh nghiệp thường nhắc đến là nguồn nhân lực không đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu của các đối tác, các nhà đầu tư đến từ bên ngoài. Đây là hạn chế nhưng cũng là cơ hội để Đà Nẵng đẩy mạnh xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế, không chỉ cho địa phương, mà còn cung cấp cho các vùng lân cận. Giáo dục phải là cái gốc cho sự phát triển của thành phố. Phải đào tạo làm sao để Đà Nẵng có những nhân lực cao cấp, thay vì nhận mức lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng có thể nhận mức lương vài ngàn USD. Đi cùng với thu hút đầu tư, Đà Nẵng phải phát triển giáo dục để đón đầu xu hướng tăng dân số, tăng chất lượng cuộc sống. |
Ông Trần Sĩ Cương, Chủ tịch điều hành Tranivest PTE, LTD: Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị toàn cầu, bền vững và lâu dài Đà Nẵng phải mạnh dạn có quy hoạch 100 năm, hướng đến một đô thị toàn cầu, là nơi đến của bất cứ ai trên toàn thế giới. Việc quy hoạch có tầm nhìn giới hạn 20-30 năm như hiện nay dễ bị rơi vào tình trạng chấp vá khi tốc độ tăng trưởng vượt nhanh hơn tầm nhìn. Thực tế hôm nay cho thấy tấm áo quy hoạch của thành phố bắt đầu có những dấu vết rạn nứt. Nếu không sớm có một tầm nhìn xa hơn và làm bài toán đếm ngược cụ thể để đặt nền móng cho một sự phát triển bền vững, chỉ trong vòng vài năm tới chúng ta sẽ đánh mất cơ hội lịch sử. Đó là xây dựng Đà Nẵng đáng sống của Việt Nam, trở thành một thành phố toàn cầu văn minh. Thành phố phải tạo nên những điều kiện ưu đãi nhất cho các nhà đầu tư đào tạo và sử dụng nhân sự địa phương để về lâu dài Đà Nẵng có một tài sản nhân lực chất lượng cao. Doanh nhân Đà Nẵng cũng cần phải có tư duy của một doanh nhân toàn cầu, nghĩa là phải phấn đấu đặt mục tiêu cung ứng những sản phẩm đạt chuẩn của thế giới cho bất cứ ai ở bất cứ đâu. |
SƠN TRUNG - KHÁNH HÒA - THÀNH LÂN