Nuôi gà bản địa thả vườn an toàn sinh học

.

Nhằm cung cấp thịt gà sạch, an toàn và thơm ngon cho người dân thành phố, từ năm 2016 đến nay, huyện Hòa Vang và Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình chăn nuôi gà bản địa thả vườn theo hướng an toàn sinh học.

Người nông dân được hỗ trợ máy ấp trứng có công suất cao, giúp nhân giống gà bản địa thả vườn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Người nông dân được hỗ trợ máy ấp trứng có công suất cao, giúp nhân giống gà bản địa thả vườn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Giới thiệu giống gà kiến địa phương và mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ông Thiều Dũng (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) phấn khởi cho biết: “Gà bản địa thả vườn là loại gà kiến địa phương hoặc gà lai giữa mẹ là giống lương phượng, tam hoàng với bố là gà kiến địa phương.

Gà được chăn nuôi thả vườn, đồi và cho ăn lúa, hạt bắp xay nên cho thịt rất ngon, thơm, an toàn sinh học, được người tiêu dùng rất thích. Hơn nữa, giống gà này khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, có thời gian nuôi từ 5-6 tháng và có giá bán cao gấp đôi so với gà công nghiệp nên mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân”.

Tận dụng vườn nhà đang trồng cây ăn quả, ông Thiều Dũng mua lưới sắt về rào bao quanh một góc vườn rộng khoảng 700m2 rồi chăn thả 120 con gà mái và 25 gà trống dưới tán cây. Đây là số gà giống do Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố hỗ trợ ông Dũng để thực hiện mô hình nuôi gà nhân giống địa phương kết hợp an toàn vệ sinh dịch bệnh.

Trung tâm cũng hỗ trợ ông một máy ấp trứng tự động với công suất ấp 500 trứng/lần. “Hiện nay, mỗi ngày gà đẻ được 25 trứng. Để tiết kiệm thời gian cũng như phát huy hiệu quả cao nhất của mô hình, cứ 10 ngày, tôi lấy từ trong máy ra 250 trứng đã ấp 20 ngày để làm kỹ thuật chuẩn bị nở gà con và bỏ vào 250 trứng gà mới để ấp.

Đến nay, đã bán được hơn 300 con gà choai bản địa (khoảng từ 20-30 ngày tuổi) cho các hộ nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học và chuẩn bị xuất bán lứa 200 gà con 10 ngày tuổi với giá bán từ 13.000-14.000 đồng/con, thấp hơn giá thị trường từ 4.000-5.000 đồng/con.

Còn lại 17 con gà choai 30 ngày tuổi bán không hết, tôi đang thả nuôi theo hướng an toàn sinh học để bán gà thịt. Bình quân mỗi tháng cũng lãi ròng nhờ chăn nuôi gà giống từ 2,5-3 triệu đồng”, ông Thiều Dũng nói.

Bà Lê Thị Hòa (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) cho hay: “Gà con mới ít ngày tuổi thì được cho ăn bột với tỉ lệ sống khỏe mạnh gần như 100%. Trong quá trình nuôi, nếu thấy gà có triệu chứng ốm thì liên hệ với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm để họ đến tìm hiểu bệnh, cho uống thuốc hoặc chích ngừa thuốc thú y.

Tuy nhiên, tỉ lệ gà ốm rất ít”. Theo các hộ tham gia nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, đây là phương pháp dễ thực hiện, thời gian nuôi ngắn nên tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, đặc biệt, tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Còn bà Nguyễn Thị Diệu (thôn Nam Thành, xã Hòa Phong) cho biết: “So với nuôi gà nhà theo cách truyền thống, gà nuôi theo hướng an toàn sinh học phát triển nhanh hơn, nuôi khoảng 4 tháng thì gà có cân nặng khoảng 1,5kg/con và chuẩn bị xuất chuồng. Dù có giá bán đắt gấp đôi so với gà công nghiệp và đắt hơn so với gà nhà, nhưng nhiều người ưng mua gà bản địa thả vườn”.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Hòa Vang phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố triển khai thực hiện mô hình nuôi gà nhân giống địa phương theo hướng an toàn sinh học ở nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Phú.

Mô hình đã hỗ trợ khoảng 3.500 con gà giống, thức ăn, máy ấp trứng công suất cao nhằm giúp nông dân từng bước chủ động xây dựng thương hiệu gà bản địa thả vườn và thả đồi của huyện Hòa Vang. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi gà bản địa thả vườn theo hướng an toàn sinh học cho 60 hộ dân ở 3 xã nói trên nhằm cung cấp cho nông dân quy trình chăn nuôi, cách thức chọn lọc gà giống qua các giai đoạn, khẩu phần thức ăn, nhiệt độ chuồng trại, kỹ thuật chọn và ấp trứng để có được cá thể gà đạt chất lượng, giữ vệ sinh chuồng trại và chủ động tiêu diệt mầm bệnh bằng sát trùng...

“Phát triển vật nuôi bản địa phù hợp với các điều kiện tại địa phương và nông hộ là một trong những định hướng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, nhất là các giống vật nuôi bản địa thích nghi tốt và có giá trị thương mại cao.

Cùng với đó là việc tiến hành áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để kiểm soát tốt dịch bệnh và hạn chế các rủi ro cho người chăn nuôi. Không chỉ có con gà, mà các loại vật nuôi bản địa khác như: heo, bò… khi áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ giúp phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Đây cũng là hướng mà ngành quan tâm, triển khai trong thời gian đến”, ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố cho hay.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.
.