Chiều 15-5, UBND thành phố tổ chức hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng”.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì hội thảo với sự có mặt của các chuyên gia, đại diện sở, ban, ngành, quận, huyện và doanh nghiệp trên địa bàn.
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định, chính quyền thành phố luôn xem việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững.
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể và hiệu quả, tạo được niềm tin giữa chính quyền với cộng đồng DN; khuyến khích DN mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng. Nổi bật là việc ban hành cơ chế phối hợp, một cửa liên thông trong các lĩnh vực đầu tư, đăng ký DN, xây dựng và quản lý đô thị. Bên cạnh đó, các thủ tục đất đai, xây dựng, thuế, hải quan... được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện. Hoạt động khởi nghiệp cũng được tập trung đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhận định, năm 2017 chứng kiến nhiều biến động của Đà Nẵng, trong đó có việc môi trường kinh doanh xuất hiện những dấu hiệu suy giảm, cho thấy có vấn đề trong chất lượng điều hành.
Nếu không sớm nhìn nhận và có giải pháp khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị trong thời gian tới, cần tận dụng tốt những cơ hội – đặc biệt là các cơ hội từ APEC 2017 để vượt qua khó khăn, tạo ra những cơ chế, chính sách phù hơp, hiệu quả, nhằm xây dựng cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững. Mục tiêu của thành phố là nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến thành phố năng động, sáng tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng xem sự phát triển của doanh nghiệp là thước đo cho sự phát triển của thành phố. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tokyo Keiki, Khu Công nghệ cao. Ảnh: KHANG NINH |
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI của Đà Nẵng luôn được xếp trong nhóm “Rất tốt”. Nhưng sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước, năm 2017 chỉ số này của Đà Nẵng tụt hạng xuống vị trí thứ 2 (70,11/100 điểm), sau Quảng Ninh.
Trong đó, có 5 chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng (“Chi phí gia nhập thị trường”, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, “Chi phí không chính thức”, “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố”, “Cạnh tranh bình đẳng”); 2 chỉ số thành phần tăng điểm và tụt hạng (“Chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước”, “Đào tạo lao động”); 3 chỉ số tăng điểm và tăng hạng (“Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “Dịch vụ hỗ trợ DN”; “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”).
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã phân tích về sự tương quan chặt chẽ giữa PCI và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Theo đó, Đà Nẵng vẫn “đi đều 2 chân” so với các tỉnh, thành phố khác, nghĩa là vẫn cân bằng giữa việc phục vụ người dân và DN. Song, thành phố đang có chiều hướng đi xuống trong PAPI và sự chững lại trong PCI.
Theo các chuyên gia, đây cũng là xu hướng chung của các địa phương có truyền thống đi đầu về môi trường kinh doanh hiện nay. Điều này thể hiện, vẫn có những “khúc xương” của cải cách, hay những “điểm tối” trong môi trường kinh doanh.
Tại hội thảo, nhiều DN cho rằng 2 vấn đề hiện nay đang ảnh hưởng đến PCI của Đà Nẵng là việc tiếp cận đất đai và rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất; tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao.
Ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho rằng, chính quyền cần tăng cường tính năng động hơn nữa. Thành phố đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, nhưng đến khi triển khai lại có sự “hụt hơi”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đề nghị, cần công khai minh bạch các thông tin đấu thầu, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội trong cầu nối giúp chính quyền hiểu được những khó khăn, vướng mắc của DN.
Các DN kiến nghị thành phố nên tập trung vào các giải pháp như: tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay; cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ thủ tục hành chính cho DN; thông tin nhanh chóng và thường xuyên về các chính sách ưu đãi cho DN tư nhân, tư vấn giải đáp chính sách, pháp luật; cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch, chống tham nhũng; chính sách thuế; hỗ trợ cho thuê mặt bằng kinh doanh phù hợp với DN và mở rộng quỹ đất cho DN.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Phạm Bắc Bình đề cập, thành phố cần quan tâm cải thiện tính minh bạch và tiếp cận thông tin vì đây là chỉ số đạt điểm thấp trong 5 năm qua. “Theo báo cáo tỷ lệ DN nhận được thông tin văn bản sau khi yêu cầu chỉ là 52%.
Đây là một con số quá thấp. Đáng lẽ chính quyền cần phải cung cấp 100% các văn bản chính sách mà DN yêu cầu”, ông Bình nói.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, liên tục nhiều năm nay Đà Nẵng nằm trong tốp đầu PCI cả nước, nhưng lại có mức độ cải thiện qua các năm thấp. Trên thực tế, dư địa phát triển của Đà Nẵng vẫn còn rất lớn, đặc biệt về tính minh bạch, khả năng tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền…
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Cần cải thiện thế nào cho thực chất, chứ không phải chỉ làm đối phó, bởi sự đối phó này người dân và DN sẽ cảm nhận được”.
Do đó, trước mắt cần tập trung đẩy mạnh những chương trình cải cách hành chính, làm cơ sở để giải quyết rất nhiều vấn đề hiện nay của thành phố. Ngoài ra, tập trung chỉ đạo để tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền, đặc biệt là tại một số cơ quan “nhạy cảm” như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư…
Đối với việc triển khai thực hiện các chính sách, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng vẫn chưa đạt yêu cầu. Điển hình như việc công bố tài liệu nhưng thiếu độ mở, thiếu tính công khai, toàn cục, khiến DN rất khó ra quyết định trong việc kinh doanh.
Chủ tịch thành phố đề nghị các cơ quan tham mưu cần đặc biệt chủ động, tiên phong xử lý vướng mắc của người dân, DN khi thực thi công vụ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đặt vấn đề, cần làm sao để kết quả của PCI ngày càng thực chất. Bí thư đặt câu hỏi: “PCI năm 2016 của chúng ta đứng số 1. Nhưng nếu con số này là thực chất, thì liệu Đà Nẵng có xảy ra một số vụ việc như vừa rồi không?”.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý, cần tập trung vào 3 chỉ số thành phần của PCI, gồm: tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; tính cạnh tranh bình đẳng. Chi phí không chính thức liên quan trực tiếp đến sự nhũng nhiễu của chính quyền, nếu điểm số này xấu thì không thể xem việc cải cách hành chính là thành công.
Bên cạnh đó, việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng là mong ước của tất cả DN, chỉ trừ các “nhóm lợi ích”, hoặc DN “sân sau” của lãnh đạo. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo cần xem 3 chỉ số này là dư địa để phát triển, nếu làm tốt sẽ cải thiện được mọi khía cạnh khác.
Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, sắp tới thành phố sẽ có một buổi thảo luận tập trung vào 3 nội dung chỉ số trên. Năm 2018 được chọn làm “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tập trung điều chỉnh toàn bộ chính sách, cách làm việc, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.
“Thành phố xem sự phát triển của DN là thước đo cho sự phát triển của địa phương. Đã qua rồi thời kỳ bán tài nguyên, bây giờ nếu không tập trung hỗ trợ DN thì sẽ không bao giờ phát triển được. Đây chắc chắn là một quá trình hết sức khó khăn, thành phố mong có được sự chia sẻ, đồng hành của các DN”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Bài và ảnh: KHANG NINH