Hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa

.

Gần 30 năm theo cái nghề “hồn treo cột buồm”, có hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa, với anh Đào Ngọc Minh Tâm (42 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), ngư trường Hoàng Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc…

Anh Minh Tâm hạ thủy tàu vỏ thép để vươn khơi bám biển Hoàng Sa.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Minh Tâm hạ thủy tàu vỏ thép để vươn khơi bám biển Hoàng Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhắc đến những năm tháng làm nghề biển, đôi mắt anh Đào Ngọc Minh Tâm lấp lánh niềm tự hào: “Gia đình tôi đã qua 4 đời làm biển. Thời ấy, ông cố rồi ông nội tôi đi biển chỉ với chiếc ghe nhỏ, đánh bắt gần bờ, đủ sống qua ngày. Đến thời cha tôi thì bắt đầu thay đổi tư duy làm biển, đổi tàu lớn hơn, vươn khơi xa hơn”.

Cũng như nhiều ngư dân cùng lứa khác trong vùng, từ khi tóc còn để chỏm, cậu bé Tâm đã được nghe những câu chuyện hấp dẫn về vùng biển Hoàng Sa trù phú, giàu tôm cá và thuộc làu những câu chuyện về các thế hệ đi trước đã vươn mình, chinh phục vùng biển lộng. 10 tuổi, Tâm theo cha tập tành đi biển. Mỗi chuyến tàu về, Tâm thường xuyên đến cảng phụ cha bốc cá và bán cá. Nghỉ hè, Tâm lại theo cha ra biển đánh cá. Đi riết thành quen, thế là cậu bé Tâm nuôi ước mơ, khao khát chinh phục vùng biển này.

Năm học lớp 9, cậu học sinh mê biển ấy quyết bỏ học giữa chừng theo cha bám biển. Trên chiếc tàu nhỏ đơn sơ, chưa có động cơ, máy móc hiện đại như bây giờ, hai cha con cùng vài lao động cứ thế vươn khơi, mưu sinh.

Nhận thấy không thể đánh bắt mãi ở con tàu nhỏ, năm 1997, khi Quyết định 393/TTg của Chính phủ về việc đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ được ban hành, gia đình anh Tâm đóng con tàu có công suất hơn 166CV.

Đây được xem là “cột mốc” với gia đình anh Tâm. Anh cũng đã thay cha làm nghề biển trên con tàu ấy, rồi bắt đầu nghĩ đến ngư trường Hoàng Sa nhiều cá mực. Với kinh nghiệm tích lũy được khi đi biển cùng cha, anh Tâm có thể tự tin vươn khơi với những chuyến biển dài ngày luôn đầy ắp cá mực, cuộc sống từng ngày được thay đổi.

Tuy nhiên, nghề biển luôn phải đối mặt với sóng to, gió lớn và rất nhiều thử thách hiểm nguy khác. Đến bây giờ, anh Tâm vẫn còn nhớ mãi cơn bão Chanchu càn quét ở Biển Đông vào năm 2006, khiến ngư dân Đà Nẵng thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

“Hồi đó, nghe tin dự báo bão, tàu chúng tôi vào đảo neo trú. Nhưng cơn bão diễn biến phức tạp, không ai nghĩ nó đã chuyển hướng. Gió càng lúc càng mạnh, sóng biển đập vào mạn hàng chục con tàu đang neo đậu. Hệ thống liên lạc của các tàu đều không hoạt động, chúng tôi không hay biết bão đang tới gần. Các tàu dần dần bị đánh chìm, tàu chúng tôi chống cự được gần 12 giờ thì bị đứt neo, may mắn chúng tôi đều thoát nạn”.

Sau bão, nhận thấy tàu nhỏ quá nguy hiểm, không đủ sức chống chọi với gió bão, anh Tâm vay mượn, nâng cấp tàu gỗ lên 400 CV. Nhờ những chuyến biển thành công, sau 4 năm, anh Tâm trả hết nợ và bắt đầu tích góp, đóng mới và hạ thủy con tàu có công suất hơn 700 CV, tiếp tục hành nghề lưới vây ở Hoàng Sa.

Thời nay, biển giã càng ngày càng khó khăn không chỉ từ thiên tai mà còn từ những cú rượt đuổi, đâm va trái phép, những tàu “lạ” ngăn cản tàu ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền của mình. Nhưng sóng gió Biển Đông và những hoạt động trái phép đó không thể làm những ngư dân như anh Tâm nản lòng bám ngư trường truyền thống…

Để tiếp tục phát triển kinh tế biển kết hợp bảo vệ chủ quyền, đầu năm 2017, anh Đào Ngọc Minh Tâm đăng ký đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Giữa năm 2017, tàu vỏ thép ĐNa 90945 trị giá hơn 17 tỷ đồng đã hạ thủy vươn khơi.

“Tôi tâm niệm dù có khó khăn thế nào cũng không bỏ biển. Do đó, khi có chính sách hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tôi đã bàn bạc cùng gia đình để đăng ký đóng mới. Con tàu hiện đại có thể chịu đựng sóng gió cao, cũng như không sợ tàu nước ngoài va đâm; qua đó giúp Hoàng Sa có thêm một “cột mốc sống”, anh Tâm chia sẻ.

Thời gian qua, tàu vỏ thép của miền Trung gặp một số trục trặc về kỹ thuật nên nhiều tàu phải “nằm bờ”, nhưng tàu của anh Tâm vẫn ra khơi và hoạt động hiệu quả. Giờ đây, với hai con tàu công suất lớn, mỗi tháng hơn 3 chuyến biển trên vùng biển Hoàng Sa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh.

Tuy nhiên, điều anh tâm đắc nhất chính là đã góp sức cùng với các ngư dân hiện diện thường xuyên trên vùng biển Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.