Xây dựng chính sách tiền lương công bằng, hợp lý

.

Trước những nội dung quan trọng của đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp” được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của các tầng lớp doanh nhân, công chức, người lao động... của thành phố về vấn đề này.

* Ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh SEATECH: Tiền lương phải là công cụ thúc đẩy năng suất lao động

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn được chủ động chi trả tiền lương trong đơn vị trên cơ sở mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định. Việc cải cách tiền lương cho người lao động trong khối doanh nghiệp cần phải được xem xét kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tiền lương phải là công cụ thúc đẩy năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bởi lẽ, mỗi lần tăng lương là chi phí của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Việc cải cách tiền lương trong thời gian tới sẽ có ý nghĩa nhất định đối với khu vực công, khi mức lương ở khu vực này còn quá thấp, chưa bảo đảm được cuộc sống tối thiểu. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế phần nào tình trạng tham nhũng, góp phần nâng cao trách nhiệm của người cán bộ công nhân viên chức với công việc.

* Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường: Tăng lương nhưng bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp

Việc cải cách tiền lương mang ý nghĩa rất nhân văn, bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhất là lực lượng lao động yếu thế. Với mức lương hiện tại đang áp dụng ở nhiều doanh nghiệp về cơ bản bảo đảm “đủ sống” cho người lao động (trung bình từ 7-9 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, tăng lương luôn đi kèm áp lực tăng chi phí, ảnh hưởng không nhỏ đến sức tái tạo nguồn vốn cũng như doanh thu. Chính vì vậy, cải cách tiền lương ở khối doanh nghiệp cần đi đôi với các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuận lợi và phát triển, nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.

* TS. Võ Duy Nghi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức (Vietrantimex): Cần trả lương theo năng lực

Theo tôi, mức lương hiện nay trong doanh nghiệp Nhà nước là cào bằng, trả theo chức danh và thâm niên công tác, không khuyến khích người có năng lực. Mặt khác, hệ thống thang bảng lương đang triển khai phức tạp, thiếu cơ sở khoa học. Đề án lần này sẽ khả thi nếu trả lương theo năng lực, không quá coi trọng thâm niên công tác.

Chẳng hạn người trẻ có năng lực, dù mới ra trường vẫn có thể hưởng lương cao hơn người có thâm niên mà năng lực kém. Ngoài ra, nên bỏ hệ thống thang bảng lương hiện nay mà trả lương theo giá trị tuyệt đối vì các hệ số, mức lương cơ sở như vậy không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Giá trị lương tuyệt đối đó phải bảo đảm cho người lao động đủ sống, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động thì mới “giữ chân” được người có năng lực, kinh nghiệm.

* Anh Ngô Công Tuấn, công chức UBND xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang: Xây dựng chính sách chung về tiền lương rõ ràng, thống nhất

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), một nội dung mà bản thân tôi rất quan tâm đó là việc thảo luận đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.

Với đề án này, tôi mong rằng hội nghị sẽ tập trung thảo luận vào việc đề xuất, xây dựng luật cơ bản về tiền lương thật rõ ràng, công bằng và hợp lý; quy định rõ và nghiêm cấm một số vấn đề liên quan đến trả lương không có lợi cho người lao động; việc trả lương cũng cần phải công bằng, không phân biệt đối xử và cần xây dựng thành luật hoặc các chính sách mới một cách thống nhất, rõ ràng từ trên xuống.

Tôi tin rằng việc thực hiện công bằng, đúng đắn đối với chính sách về tiền lương sẽ góp phần tạo ra động lực mới đối với những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ cao chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước.

* Chị Trần Thị Bích Hoa, nhân viên Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng: Cần lộ trình trong tự chủ tiền lương ở doanh nghiệp Nhà nước

Có thể thấy, chính sách tiền lương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như: mức lương tối thiểu vẫn chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu; hệ thống thang lương, bảng lương Nhà nước còn rất phức tạp; một số doanh nghiệp trả tiền lương cao nhưng không phải do năng suất và hiệu quả cao mà chủ yếu do lợi thế ngành nghề trong xã hội; mức chênh lệch tiền lương giữa người quản lý doanh nghiệp với người lao động cũng như với mặt bằng chung còn quá cao...

Do đó, khi đưa đề án này ra thảo luận, tôi mong rằng các cơ quan Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách về tiền lương cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức Công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp-xã hội; cũng như linh hoạt hơn trong quy định mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động theo thay đổi chung của thị trường, theo kết quả lao động trong tổng thể phát triển của doanh nghiệp.

Trong đó chú trọng, mức tiền lương trả cho người lao động phải căn cứ vào năng suất, kết quả lao động và mức đóng góp của người lao động tại vị trí họ đảm nhận công việc, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp Nhà nước cần phải có lộ trình cụ thể, không nên đưa vào áp dụng ngay để tránh những bất cập về sau.

* Chị Lê Thị Thủy (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà): Thu nhập không đủ sống thì không thể gắn bó với công ty

Cách đây 5 năm, tôi từng là công nhân của một công ty chế biến thủy sản tại KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang. Làm việc từ sáng đến tối, có nhiều thời điểm phải tăng ca đến khuya, về nhà mỏi mệt chỉ muốn lăn ra ngủ để sáng mai đi làm tiếp.

Công việc đặc thù trong nhà máy đông lạnh, mùi tanh nồng của cá tôm... nhưng lương mỗi tháng chỉ được 4-5 triệu đồng (nếu không tăng ca). Số tiền này cả tháng vất vả đi làm mang về chi tiêu được vài khoản chính là hết.

Lương thấp quá, không đủ tiền thuê nhà, nuôi con ăn học, cứ thiếu trước hụt sau khiến tôi phải bỏ việc công nhân để mở tiệm bán bánh mì và nước giải khát nhỏ nhỏ gần nơi mình làm trước đây. Vì vậy, khi nghe báo đài nói nhiều về việc cải cách tiền lương, tôi rất mừng và mong Nhà nước sớm áp dụng để những công nhân có hoàn cảnh giống mình cải thiện đời sống hơn, gắn bó với doanh nghiệp hơn.

* Chị Trần Thị Nhi (công nhân Công ty Keyhinge Toys, KCN Hòa Khánh): Tăng lương để bảo đảm sức khỏe làm việc

Với số tiền lương công nhân mỗi tháng 5-6 triệu đồng, chị em chúng tôi không dám chi tiêu các khoản, kể cả nhu cầu làm đẹp của phụ nữ cũng là xa xỉ. Thực tế, đối với những người chưa có gia đình còn tiết kiệm được chút ít mỗi tháng, còn đã có con cái thì hầu như tháng nào tiêu hết tháng đó, may lắm là không thâm nợ sang tháng sau.

Đời sống công nhân các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, ai muốn tìm hiểu thì cứ đi “chợ công nhân” sẽ rõ. Hầu hết thực phẩm bán trong các khu công nghiệp giá rất rẻ thì lấy đâu ra chất lượng? Nhiều buổi tan ca, chúng tôi đi chợ thì cá, thịt, rau đều đã ôi thiu hết... mà vẫn phải mua để chế biến.

Thậm chí, nhiều công nhân trẻ vì tiết kiệm tiền mà chỉ ăn mì tôm buổi tối hoặc bữa cơm tự nấu chỉ có rau dưa thôi. Số tiền cân đối hằng tháng chỉ có thế, muốn hàng tươi ngon như siêu thị hay bữa cơm đầy đủ chất thì nào dám vì còn phải tiết kiệm cho những lúc đau, ốm. Chúng tôi chỉ mong được tăng lương theo kịp giá thị trường thì mới có điều kiện ăn đủ chất, đảm bảo sức khỏe để làm việc.

Q. KHẢI - HOÀNG LINH - THÀNH LÂN - DUYÊN ANH ghi

;
.
.
.
.
.
.