Bất cập trong bố trí, quản lý nhà chung cư

.

Thực hiện chủ trương xây dựng “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, chung cư để bố trí cho những trường hợp bức bách về nhà ở. Tuy nhiên, vấn đề bố trí và sử dụng các chung cư chưa thực sự mang lại hiệu quả, nhất là khâu quản lý còn nhiều bất cập. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng phải có những giải pháp mang tính lâu dài.

Trong hơn 20 năm qua, Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chung cư cho các đối tượng ưu tiên. Ảnh: QUÝ NƯƠNG
Trong hơn 20 năm qua, Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chung cư cho các đối tượng ưu tiên. Ảnh: QUÝ NƯƠNG

Bài 1: Giải quyết nhà ở cho các đối tượng ưu tiên

Sau hơn 20 năm đẩy nhanh kiến thiết đô thị, từ năm 1997 đến nay, Đà Nẵng đã đầu tư tổng kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để tạo ra quỹ nhà ở xã hội với trên 10.600 căn hộ chủ yếu dùng bố trí cho thuê cho các đối tượng theo quy định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Năm 2005, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án “Có nhà ở” cho nhân dân trên địa bàn thành phố và bắt tay vào triển khai với mục tiêu chính là đến năm 2010 xóa toàn bộ nhà tạm, giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho các đối tượng ưu tiên là gia đình chính sách, hộ nghèo có chỗ ở chưa ổn định và các hộ được bố trí tái định cư.

Đến năm 2009, UBND thành phố phê duyệt đề án xây dựng thêm 7.000 căn hộ chung cư để giải quyết nhu cầu cần thiết về nhà ở cho các đối tượng khó khăn về chỗ ở (các hộ chính sách, hộ nghèo chưa có chỗ ở ổn định, các hộ tái định cư…) và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…).

Cũng trong năm này, UBND thành phố phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê với mục tiêu từ năm 2009 đến 2015, giải quyết chỗ ở cho khoảng 80.000 học sinh, sinh viên…

Đặc biệt, vào năm 2011, UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình chung cư cho cán bộ, công nhân viên với tổng số 52 khối nhà gồm 5.203 căn hộ. Tiếp đó, vào năm 2012, UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp với quy mô 15 khối nhà gồm 2.112 căn hộ.

Cùng với đó, thành phố đã quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội tương đối lớn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các hộ thuộc diện gia đình chính sách, hộ thuộc diện giải tỏa, hộ nghèo, cán bộ, viên chức, công chức…, nhằm góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu có nhà ở trong chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”.

“An cư, lạc nghiệp”

Trước sự quan tâm của chính quyền thành phố về chính sách nhà ở, rất nhiều hộ dân thuộc các đối tượng ưu tiên đã được bố trí nơi “an cư” để “lạc nghiệp”. Bà Trần Thị Nga (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là một trong những hộ kinh tế khó khăn, bản thân bị mắc bệnh tim, phải đưa 2 con nhỏ về  ngoại chung sống trong một căn nhà cấp 4 ở đường Nguyễn Như Hạnh.

Năm 2015, khi thành phố có chủ trương giải tỏa để thi công tuyến đường trục 1 – Tây Bắc (đường Hoàng Thị Loan hiện nay), bên cạnh đền bù theo quy định và bố trí cho gia đình 1 lô đất tái định cư, riêng hộ phụ Trần Thị Nga được thành phố bố trí 1 căn hộ chung cư ở đường Kinh Dương Vương. Gia đình bà Nga đã tháo dỡ căn nhà nhỏ để bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công đường.

“Thật sự tôi rất may mắn khi chính quyền và các cơ quan chức năng lưu tâm đến hoàn cảnh khó khăn của tôi. Hơn thế nữa, chúng tôi không phải nộp tiền thuê căn hộ chung cư trong 3 năm do thuộc diện hộ giải tỏa. Có được chỗ ở khang trang như thế này, tôi yên tâm chữa bệnh và con cái cũng ổn định chỗ ăn ở, học hành”, bà Nga chia sẻ.

Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, nơi bố trí chỗ ở cho các hộ giải tỏa nhà chồ, hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.
Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, nơi bố trí chỗ ở cho các hộ giải tỏa nhà chồ, hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.

Còn ông Trần Văn Cưng (khu chung cư Thuận Phước, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) bày tỏ: “Gia đình tôi thuộc diện giải tỏa thi công đường Liên Chiểu – Thuận Phước (nay là đường Nguyễn Tất Thành) được bố trí về khu chung cư Thuận Phước này đã hơn 15 năm.

Mặc dù gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và là hộ nghèo của phường, nhưng gia đình tôi vẫn dứt khoát không bán căn hộ này để cho con cái có chỗ ở và học hành ổn định ở trung tâm thành phố nhằm có điều kiện vươn lên thoát nghèo”.

Ông Lê Văn Tâm (khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng cho hay:

“Trước đây, chúng tôi dựng nhà chồ sát bờ sông Hàn để sống, rất nhiều lần muốn lên bờ để dựng nhà ở cho an toàn và đầy đủ điều kiện mà chịu vì không có tiền. Khi thành phố giải tỏa nhà chồ, chúng tôi được tái định cư trên bờ và sau đó được đưa lên ở khu chung cư 7 tầng rất khang trang và tiện nghi.

Những hộ nhà chồ đều đông con, bây giờ thì nhiều đứa trẻ trước đây đã lập gia đình và cùng chung sống trong căn hộ chung cư. Ở nhiều người, chật chội, nhưng tất cả quyết không bán căn hộ dù có người đến trả giá từ 600 - 700 triệu đồng”.

Tính đến nay, tổng số căn hộ chung cư nhà ở xã hội được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố là 10.636 căn hộ (190 khối nhà) và 2 ký túc xá sinh viên với 1.146 phòng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 21 khối nhà ở xã hội với 2.134 căn hộ, đang xây dựng 3 khối nhà với 874 căn hộ và còn 9 khối nhà với 1.900 căn hộ chưa xây dựng; ngoài ra, đang triển khai xây dựng 2 khu ký túc xá tập trung ở phía tây thành phố với 1.272 phòng.

Mặt khác, trên địa bàn thành phố hiện cũng có 56 dự án nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng với khoảng 50.000 căn hộ, nhà ở.

Thành phố đã giải quyết cho thuê căn hộ chung cư cho 4.200 hộ dân có hồ sơ giải tỏa; 1.300 hộ cán bộ, công chức, viên chức khó khăn về chỗ ở; 200 hộ gia đình chính sách và khoảng 2.400 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn…

Cách đây 1 năm, tại Báo cáo số 09/BC-HĐND ban hành ngày 3-5-2017 về giám sát chuyên đề về công tác xây dựng, bố trí, quản lý và sử dụng chung cư trên địa bàn thành phố, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố nhìn nhận:

“Trong 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là những chính sách mang tính nhân văn về an sinh xã hội, nhất là mục tiêu “có nhà ở” trong chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”.

Đặc biệt là việc xét, cấp nhà cho cán bộ, công chức, viên chức công tác lâu năm chưa có chỗ ở ổn định, cho các đối tượng thuộc diện thu hút được thuê với giá ưu đãi”.

Tại Báo cáo số 288/BC-UBND ngày 15-11-2017 về tổng kết công tác đầu tư xây dựng, bố trí, quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố (trong 20 năm qua), Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá:

“Việc thành phố tạo ra quỹ nhà ở xã hội với hơn 10.000 căn hộ, chủ yếu dùng để bố trí cho thuê đối với các đối tượng theo quy định của thành phố, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân trong thời gian qua là chủ trương đúng đắn, góp phần đẩy nhanh tiến trình tái thiết đô thị.

Việc bố trí cho thuê, mua căn hộ chung cư cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, người được bố trí chung cư có ý thức chấp hành các quy định trong việc sử dụng căn hộ chung cư. Tuy nhiên, một số ít người dân chưa thực hiện tốt quy định sử dụng chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước”.

Bài và ảnh: QUÝ NƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.