Chung tay giảm ô nhiễm "trắng"

.

Trong Tháng hành động về môi trường, bên cạnh nhiều hoạt động ra quân rầm rộ về thu gom rác thải, nhất là túi nilon và rác thải nhựa ở ven bờ biển, sông, vịnh, hồ…, các sở, ngành và đơn vị chức năng còn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay làm giảm ô nhiễm “trắng” ngay từ đầu nguồn sử dụng.

Thu gom rác thải nhựa do sóng biển tấp vào bờ vịnh Mân Quang và bờ tây âu thuyền Thọ Quang.
Thu gom rác thải nhựa do sóng biển tấp vào bờ vịnh Mân Quang và bờ tây âu thuyền Thọ Quang.

Thời gian qua, nhiều người đi chợ Quán Hộ (quận Thanh Khê) ngạc nhiên khi mua hàng được các tiểu thương gói trong các túi nilon tự hủy sinh học có màu trắng, in biểu tượng bảo vệ môi trường màu xanh lá với dòng chữ “Túi tự hủy sinh học”.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng được gói hàng trong túi tự hủy sinh học. Giải thích thắc mắc này, một tiểu thương ở chợ Quán Hộ cho biết: “Tuy túi tự hủy sinh học được UBND quận Thanh Khê trợ giá, tiểu thương mua với giá thành rẻ hơn so với thị trường hơn 5.000 đồng/kg và thấp hơn một chút so với túi nilon thông thường, nhưng do chỉ có một số kích cỡ nên chưa hữu dụng nhiều.

Chẳng hạn, khách mua 1 lạng thịt bò thì bỏ vào đựng trong túi nilon nhỏ xíu, nếu bỏ vào túi tự hủy sinh học với kích cỡ 25cm x 40cm thì không hợp lý”. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều tiểu thương ở chợ Quán Hộ vẫn sử dụng xen kẽ túi nilon thông thường và túi tự hủy sinh học.  

Ô nhiễm “trắng” là cụm từ mà giới chuyên gia nói về hiện trạng ô nhiễm môi trường do việc sử dụng tràn lan túi nilon thông thường hiện nay. Nhằm giải quyết vấn nạn này, từ năm 2017, UBND quận Thanh Khê triển khai thí điểm sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường (túi tự hủy sinh học) tại một số chợ và đến đầu năm 2018 đã triển khai đại trà tại 11/11 chợ trên địa bàn quận.

Do giá của túi tự hủy sinh học còn khá cao so với túi nilon thông thường, nên để triển khai hiệu quả, UBND quận Thanh Khê thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng băng-rôn, phướn, loa truyền thanh ở chợ và thực hiện chính sách trợ giá cho các tiểu thương. Túi tự hủy sinh học đến tay tiểu thương có giá từ 25.000 đồng/kg trở xuống, thấp hơn giá túi nilon thông thường khoảng 5% nên nhiều tiểu thương ủng hộ.

Riêng chợ Phú Lộc là chợ trực thuộc UBND quận Thanh Khê quản lý nên số tiền trợ giá ít hơn, nhưng tiểu thương cũng đón nhận tích cực. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn quận đã bán trợ giá được gần 4.000kg túi tự hủy sinh học tại 11/11 chợ, đạt khoảng 45% so với kế hoạch.

Trong đó, một số chợ có lượng tiểu thương sử dụng nhiều như: chợ Phú Lộc 1,1 tấn, chợ Tân An 3,8 tạ, chợ Quán Hộ 3,6 tạ... Số hộ tiểu thương sử dụng túi tự hủy sinh học đã đạt khoảng 25%, dự kiến đến cuối năm 2018 là 50%.

Nhằm giảm ô nhiễm “trắng” ngay đầu nguồn sử dụng, đầu tháng 6-2018, Sở Công thương tổ chức phát động hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, vận động lãnh đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương kinh doanh ở các chợ hạn chế sử dụng túi nilon; qua đó, vận động người thân, gia đình mang theo túi đựng, giỏ nhựa khi đi chợ, siêu thị.

Ông Trần Văn Phú, Phó ban quản lý các chợ quận Cẩm Lệ cho hay: “Qua một thời gian tuyên truyền và vận động cho thấy, một hộ tiểu thương sử dụng nhiều túi đựng nilon thông thường đã giảm sử dụng hơn 30% so với trước đây.

Tính cả 2.000 hộ tiểu thương ở 5 chợ trên địa bàn quận (Cẩm Lệ, Hòa An, Hòa Phát, Hòa Cầm, Hòa Xuân) thì khối lượng túi nilon thông thường đã giảm rất lớn. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon thông thường để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng và giảm ô nhiễm môi trường”.

Đến nay, có hơn 5.000 hội viên phụ nữ của các chợ lớn trên địa bàn thành phố được tuyên truyền và thực hiện việc đựng hàng hóa cho khách trong 1 túi đựng, tái sử dụng túi nilon, thay túi nilon thông thường bằng túi đựng giấy hoặc túi tự hủy sinh học…; đồng thời, thường xuyên thu gom rác thải để giảm thiểu túi nilon thông thường vương vãi ra môi trường. 

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: “Hiện nay, nhiều tiểu thương ở các chợ và các siêu thị đã chuyển sang sử dụng túi tự hủy sinh học và các túi khác thay thế túi nilon thông thường.

Ngành Công thương thành phố phấn đấu đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ trên địa bàn thành phố”.

Theo ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ cần những hành động nhỏ như bán hàng không sử dụng túi nilon thông thường, mang theo túi đựng khi đi siêu thị, hạn chế sử dụng đồ dùng và vật liệu nhựa dùng một lần… là những cách chống lại ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Với ý nghĩa đó, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cần chung thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.