Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư

.

ĐNO - "Các doanh nghiệp cần mở rộng đầu tư, tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, tăng năng suất lao động. Đồng thời, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong liên kết đầu tư và phát triển công nghiệp phụ trợ. Chúng ta tiêu thụ sản phẩm của chính chúng ta để tự lớn lên, tự phát triển. Quan trọng nhất là phát triển nội tại, chính chúng ta quyết định sự phát triển của thành phố”.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhắn nhủ với các doanh nghiệp (DN) như vậy tại hội thảo “Mở rộng đầu tư đối với DN” diễn ra ngày 16-6.

Hội thảo do Cụm Thi đua - Khen thưởng số 3 (Ban Tuyên giáo Thành ủy) tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo 30 DN thuộc các khu công nghiệp (KCN) và khối DN trên địa bàn thành phố. 

Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đặng Việt Dũng chủ trì hội thảo.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) các KCN và Chế xuất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) giới thiệu về tình hình thu hút đầu tư, các khó khăn, thuận lợi của nhà đầu tư trên địa bàn. 

Theo đó, hiện nay, vướng mắc lớn nhất của các KCN là thiếu hụt quỹ đất, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp. Ngoài ra, thị trường của Đà Nẵng và miền Trung có quy mô tương đối nhỏ, sức tiêu thụ không lớn; các thiết chế văn hoá trong các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân.

Đối với Khu CNC, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP, hoạt động thu hút đầu tư đã có nhiều khởi sắc. Hiện có 14 dự án đã được cấp giấy phép đầu tư vào Khu CNC, trong đó 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó ban BQL Khu CNC Đoàn Ngọc Hùng Anh nhìn nhận, hiện các nhà đầu tư tại đây đang được hưởng mức ưu đãi thuộc hạng cao nhất cả nước. Ông Anh nhấn mạnh, việc giải phóng mặt bằng tại Khu CNC đã cơ bản hoàn thành với hơn 400ha đất sạch, trong đó mới chỉ sử dụng hơn 50ha. Như vậy, nơi đây vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư tìm hiểu, phát triển dự án.

Các doanh nghiệp trình bày các vướng mắc, hiến kế trong việc mở rộng đầu tư.
Các doanh nghiệp trình bày các vướng mắc, hiến kế trong việc mở rộng đầu tư.

Nhiều lãnh đạo DN trình bày các vướng mắc, đề xuất trong việc mở rộng đầu tư tại thành phố. Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng Nguyễn Thanh Bình cho rằng cần xem xét lại vấn đề khai thác quỹ đất tại KCN Liên Chiểu, bởi hiện nay tỉ lệ sử dụng đất tại đây rất thấp, mối quan hệ giữa các DN và lãnh đạo KCN Liên Chiểu vẫn có bất cập.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm. Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu Hà Ngọc Thống chia sẻ, năm 2017 là một năm thuận lợi với DN, song vấn đề bức bối nhất trong việc mở rộng sản xuất vẫn là đất đai. Ông Thống mong muốn thành phố có biện pháp hỗ trợ cho DN nội để tăng sức cạnh tranh, tạo cơ hội ngang bằng với các DN có vốn nước ngoài.

Giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hoà Cầm Ngô Giang Nam cho biết, công tác đền bù giải tỏa dự án KCN Hoà Cầm giai đoạn 1 đã hoàn tất 90%, song 10% còn lại vẫn gặp vướng mắc khiến thời gian dứt điểm bị kéo dài, làm tăng chi phí đầu tư của dự án, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và công tác thu hút đầu tư vào KCN.

Ngoài ra, đối với phần diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng bổ sung vào tháng 2-2017, công ty mong muốn thành phố sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm pháp lý cho các DN đã đăng ký đầu tư vào phần diện tích đất này.

Nhiều DN bày tỏ quan tâm đến dự án phát triển cảng Liên Chiểu và hệ thống giao thông quanh khu vực cảng Tiên Sa. Đại diện Công ty CP SaigonShip, Công ty CP Container miền Trung cho rằng cần xem lại phân luồng các loại xe sơ-mi rơ-mooc lưu thông trên trục đường Yết Kiêu-Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn, bởi hiện nay việc cấm lưu thông theo giờ đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho biết, trong 3 năm qua, Cảng Đà Nẵng đã dẫn đầu khu vực miền Trung. Song trong bối cảnh áp lực hàng hoá lên cảng Tiên Sa ngày càng tăng, ông Sia đề nghị thành phố khẩn trương thi công hợp phần A cảng Liên Chiểu (xây đê chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu, kết nối giao thông) và ủng hộ Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư dự án cảng Liên Chiểu, phát triển cảng Liên Chiểu thành cảng tổng hợp và trung chuyển container quốc tế.

Đối với việc phát triển dịch vụ logistics, hiện Cảng Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai dự án Trung tâm logistics 20ha tại xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang. Giám đốc Công ty CP Container miền Trung Đặng Trần Gia Thoại cho biết hiện công ty cũng có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, cần đầu tư 1 trung tâm dịch vụ logisitics tại KCN Liên Chiểu. Bà Thoại đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ, có chính sách ưu đãi cho DN.

Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho biết, DN luôn có nhu cầu hợp tác đầu tư, phát triển. Chủ trương của thành phố là luôn lấy DN, đặc biệt là các DN tư nhân, làm động lực cho tăng trưởng.

Thời gian qua, tốc độ phát triển của DN trên địa bàn thành phố rất nhanh, mạnh và đa dạng ngành nghề. Đóng góp của DN cho GDP của thành phố rất cao. Song đa phần DN Đà Nẵng có quy mô nhỏ, cơ hội vươn ra ngoài còn hạn chế, khả năng cạnh tranh với các DN trong và ngoài nước còn khó khăn.

Ông Đặng Việt Dũng hy vọng các DN không chỉ mở rộng đầu tư tại địa bàn mà còn tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, tăng năng suất lao động của chính bản thân. Đồng thời, hợp tác giúp đỡ lần nhau trong liên kết đầu tư và phát triển công nghiệp phụ trợ.

“Chúng ta tiêu thụ sản phẩm của chính chúng ta để tự lớn lên, tự phát triển. Quan trọng nhất là phát triển nội tại, chính chúng ta quyết định sự phát triển của thành phố”, ông Đặng Việt Dũng nhắn nhủ với các DN.

Tin và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.