Cải thiện vì sự phát triển doanh nghiệp

.

Thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, 6 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng có nhiều cải thiện trong tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp (DN), tạo đà cho thu hút đầu tư và phát triển mới cho thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp cận và giải quyết tốt hơn nữa, để thúc đẩy sự phát triển bền vững cho DN và thành phố...

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2018 đều đạt mức tăng trưởng.  Trong ảnh: Lắp ráp ô-tô ở Nhà máy Nissan – KCN Hòa Khánh.                            Ảnh: THÀNH LÂN
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2018 đều đạt mức tăng trưởng. Trong ảnh: Lắp ráp ô-tô ở Nhà máy Nissan – KCN Hòa Khánh. Ảnh: THÀNH LÂN

Báo cáo của các ngành chức năng cho biết, tổng sản phẩm xã hội địa phương (GRDP) trên địa bàn thành phố 6 tháng qua ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước 7,11%. Trong đó, dịch vụ tăng 8,24%, đóng góp 4,97 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP chung của thành phố; công nghiệp - xây dựng tăng 6,59%, đóng góp 1,85 điểm; nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,79%, đóng góp 0,05 điểm.

Mức đóng góp vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ tăng 1,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ, trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,76 điểm. So với các thành phố lớn, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 2 sau Hải Phòng, còn nếu so với 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng xếp thứ 2 sau Quảng Ngãi.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.096 tỷ đồng; 61 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 76,1 triệu USD, tăng 150% về dự án và tăng 237,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Tổng vốn FDI thu hút trong 6 tháng qua đạt 127,24 triệu USD.

Đến nay, thành phố có 320 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 94.659 tỷ đồng và 609 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,136 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, kết quả trên cho thấy công tác thực hiện thu hút đầu tư được triển khai tích cực, đem lại kết quả tăng trưởng đáng khích lệ so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là nỗ lực của các cấp ngành, thành phố. Bên cạnh đó, việc tiếp tục khắc phục những hạn chế để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lãnh đạo thành phố cũng như các sở, ngành đã tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Theo Sở Nội vụ, thành phố tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương có chỉ số tốt theo kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh (5 năm dẫn đầu cả nước từ 2012-2016, đứng thứ 4 năm 2017).

“Công tác CCHC của thành phố luôn hướng đến cách làm mới, hiệu quả, lấy chất lượng làm trọng tâm nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn; đồng thời, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tầng lớp nhân dân”, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2018 đều đạt mức tăng trưởng. TRONG ẢNH: Sản xuất ở Công ty CP Dệt may Vinatex.  				Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2018 đều đạt mức tăng trưởng. TRONG ẢNH: Sản xuất ở Công ty CP Dệt may Vinatex. Ảnh: KHÁNH HÒA

Công tác CCHC của Đà Nẵng tuy đứng thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng năm 2017 vừa qua đã có sự sụt giảm và còn nhiều bất cập cần khắc phục để cải thiện thứ hạng. Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh địa phương, các DN đề xuất nhiều giải pháp gồm: tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn vay; cải cách và hỗ trợ thủ tục hành chính; thông tin nhanh chóng và kịp thời, thường xuyên các chính sách ưu đãi cho DN tư nhân; cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch, chống tham những; chính sách thuế, hỗ trợ mặt bằng...

Trong đó, giải pháp cho vấn đề thiếu vốn của DN luôn nằm trong danh sách 5 giải pháp ưu tiên hàng đầu được đề xuất. Có 34,15% DN đề xuất giải pháp ưu tiên nguồn vốn vay. Các DN gặp rào cản bởi lãi suất vay và quy trình cho vay thế chấp, do đó mong muốn thủ tục vay vốn được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho DN nhỏ mở rộng đầu tư kinh doanh.

Có 12,2% DN đề xuất giải pháp ưu tiên thực hiện CCHC và thủ tục hành chính. Trên thực tế, có nhiều văn bản, quy định, chính sách mới cần được hướng dẫn cụ thể để người dân, DN hiểu rõ và thực hiện.

Có 12,2% DN đề xuất muốn được hỗ trợ thông tin, chính sách ưu đãi, thường xuyên, nhanh chóng và tư vấn giải đáp chính sách pháp luật. Ngoài ra, duy trì tính minh bạch, bình đẳng cho tất cả các DN trên thị trường là một trong những giải pháp cần thiết. Để duy trì cạnh tranh công bằng, chính quyền cần kiên quyết xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, tình trạng “chi phí không chính thức”; đồng thời, tăng cường lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Mặc dù các DN đánh giá cao những cải cách trong chính sách pháp luật về thuế, song, thời gian gần đây, chính sự thay đổi liên tục trên lĩnh vực này gây ra không ít khó khăn trong việc cập nhật thông tin để DN thực hiện.

Nhiều DN không kịp nắm bắt những thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung. Theo đó, các hiệp hội DN đề nghị Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương cần bảo đảm sự ổn định hơn về chính sách, quy định, hạn chế tối đa thay đổi, điều chỉnh thường xuyên, tạo sự an tâm cho DN...

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nhân trẻ thành phố, ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, đến nay các chỉ số tiếp cận, đặc biệt là chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai, còn quá thấp.

Việc cấp giấy phép kéo dài thời gian, thủ tục nhiêu khê (chẳng hạn việc cấp phép cho nhà cao tầng bình quân là một năm rưỡi). Bên cạnh đó, việc giải quyết kiến nghị của DN còn quá chậm, thậm chí một số kiến nghị không có phản hồi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng, bày tỏ: “Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ đặt mục tiêu tốt nhất Việt Nam mà còn sớm xác lập môi trường đạt chuẩn mực cao trong khu vực ASEAN để tăng sức hấp dẫn…”.

Mặc dù trong thời gian qua, các sở, ngành đã quyết liệt triển khai một số giải pháp mà thành phố đề ra nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của DN, nhu cầu phát triển của thành phố trong thời đại công nghệ 4.0. Do đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục sâu sát, quyết liệt hơn nữa để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên.

Theo Văn phòng UBND thành phố, trước chương trình Thường trực Thành ủy gặp mặt các hội, hiệp hội, doanh nhân - doanh nghiệp vào hôm nay 25-7, đã có 9 hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp ý kiến về các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Các góp ý đã thể hiện sự tâm huyết cũng như đề xuất các ý tưởng, giải pháp để lãnh đạo thành phố xem xét, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của thành phố.

Những đóng góp của cộng đồng DN trong và ngoài nước là một trong những giải pháp căn cơ thành phố cần thực hiện nhằm khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt còn vướng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và cộng đồng DN.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA - DIỆP NHƯ

;
.
.
.
.
.
.