Cảng Đà Nẵng trên đường hiện đại hóa

.

Sự kiện khánh thành và đưa vào khai thác dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 không chỉ rất quan trọng với Công ty CP Cảng Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là mốc son trên con đường hiện đại hóa và là nền tảng để cảng Tiên Sa trở thành cảng hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.

2 cầu tàu có tổng chiều dài 520m cùng 2 hệ thống cẩu QCC Feeder Server sẵn sàng đón tàu hàng đầu tiên vào ngày 28-7-2018.
2 cầu tàu có tổng chiều dài 520m cùng 2 hệ thống cẩu QCC Feeder Server sẵn sàng đón tàu hàng đầu tiên vào ngày 28-7-2018.

Đà Nẵng là thành phố cảng biển, nằm ở vị trí trung độ đất nước, là địa điểm lý tưởng tiếp nhận nhiều tàu trọng tải lớn, tàu du lịch. Đà Nẵng cũng là cửa ngõ ra biển quan trọng, điểm cuối của Tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC).

Được thừa hưởng ưu thế về địa điểm và cơ sở vật chất từ các thế hệ cha ông đi trước, ngày nay, Cảng Đà Nẵng đầu tư đồng bộ từ cầu bến đến phương tiện thiết bị hiện đại nhằm tiếp tục thực thi sứ mệnh mà hằng trăm năm qua các bậc tiền nhân đã làm, đó là cung cấp các dịch vụ cảng biển hoàn hảo và kết nối các hoạt động trong chuỗi logistics của vùng, quốc gia và thế giới.

Bằng cách đó, cảng Đà Nẵng đóng góp tích cực vào việc tăng vị thế phát triển của địa phương, sự phồn vinh của cộng đồng khu vực và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3) trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29-7-2016 của Bộ Giao thông vận tải), Cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) và nghiên cứu khả năng phát triển để đảm nhận là vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại 1A).

Dự án mở rộng cảng Tiên Sa gồm 2 giai đoạn, là một trong những công trình trọng điểm quốc gia. Giai đoạn 1 của dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản sau khi hoàn tất đưa vào hoạt động, đã được đánh giá cao về tính hiệu quả.

Sản lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa tăng trưởng bình quân 12-13%/năm, riêng số lượng hàng hóa container thông qua cảng Tiên Sa tăng trưởng liên tục khoảng 20% mỗi năm. Nhưng do chiều dài cầu cảng và diện tích kho bãi đã phát huy hết công suất, nên công tác tiếp nhận đang gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc triển khai đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 theo quy hoạch được duyệt để bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hóa và hành khách thông qua cảng tăng là hết sức cấp thiết.

Việc đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của cảng Tiên Sa nhằm đáp ứng được khối lượng hàng hóa thông qua theo các kịch bản dự báo và là nền tảng để cảng Tiên Sa - Đà Nẵng trở thành cảng hiện đại trong khu vực, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 70.000 DWT và tàu khách có trọng tải 100.000GRT, phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu hiện nay.

Dự án đưa vào sử dụng sẽ nâng năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm, giúp bảo đảm tiếp nhận lượng hàng container gia tăng vượt quá khả năng của cảng Tiên Sa hiện hữu từ năm 2018 trở đi.

Quy mô dự án đã được tính toán bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cũng như hành khách dự báo thông qua cảng đến năm 2020. Phần tăng trưởng hàng hóa những năm tiếp theo sẽ chuyển sang các bến cảng khác trong khu vực cảng Liên Chiểu.

Miền Trung có những khó khăn đặc thù riêng, vì vùng hậu phương phát triển rất chậm, việc vươn ra biển để khai thác hết tiềm năng của biển là hướng đi đúng đắn. Với ý nghĩa đó, việc khánh thành dự án nâng cấp và mở rộng cảng Tiên Sa đáp ứng nhu cầu khai thác cảng theo tiêu chuẩn quốc tế và vươn lên cùng các cảng lớn khác.

Đồng thời, thực hiện sứ mệnh phục vụ giao thương hàng hóa sẽ có tác động đến sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

TRẦN LÊ TUẤN

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.