Từ một “sáng kiến” giúp giảm thời gian xếp hàng chờ đợi khi mua trà sữa, nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) giành giải nhất cuộc thi Startup Runway 2018 (tạm dịch: “Đường chạy Khởi nghiệp 2018”) vừa được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua. Điều đặc biệt, những nhà vô địch lại chính là những người nhỏ tuổi nhất của cuộc thi.
Nhóm dự án JustOrder giành giải nhất cuộc thi Startup Runway 2018. Ảnh: NVCC |
Dương Phúc Khánh (SN 1996, SV Khoa Thống kê Tin học, Trường ĐH Kinh tế) kể: “Mỗi lần đi uống trà sữa với bạn bè, em phải xếp hàng rất lâu mới đến được quầy gọi món. Trong lúc chờ đợi, các khách hàng được nhân viên của quán phát cho những bảng menu để lựa chọn thức uống trước, khi đến quầy chỉ việc gọi món và thanh toán là xong”.
Chính trong lúc đứng chờ, Khánh nảy ra ý tưởng sử dụng công nghệ để giảm tối đa thời gian chờ đợi, vừa tăng độ hài lòng của khách hàng, vừa giảm bớt khối lượng công việc không cần thiết cho nhân viên quán.
Dự án JustOrder (tạm dịch: “Chỉ cần gọi món”) ra đời, trở thành một trong hơn 100 dự án tham gia cuộc thi Startup Runway 2018 do Trường ĐH Kinh tế tổ chức. Trong nhóm thực hiện dự án chỉ duy mình Khánh là SV năm cuối, các thành viên còn lại gồm Trương Nguyên Thảo, Huỳnh Thị Tú Uyên và Lưu Thị Quỳnh Nhi đều mới “chân ướt, chân ráo” bước vào giảng đường đại học.
Song, chính 3 tân SV này lại là những người “máu lửa” nhất, quyết tâm đi thi cùng những thí sinh là SV năm 3, năm 4 - vốn đã tích lũy được một vốn kiến thức về kinh tế, khởi nghiệp nhất định.
Trong suốt 4 tháng, Thảo, Uyên, Nhi và Khánh cùng hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại thông minh JustOrder. Vốn là dân kỹ thuật, Khánh nghĩ ra cách tích hợp công nghệ quét mã QR để khách tự động đăng nhập mạng Internet không dây của các cửa hàng ăn uống.
Ngay sau khi đăng nhập thành công, thực đơn của quán sẽ hiện ra ngay trên điện thoại, khách hàng chỉ việc ngồi tại bàn của mình và chọn món. Một khi các món ăn, thức uống đã sẵn sàng để được phục vụ, JustOrder sẽ gửi thông báo đến điện thoại của khách hàng để khách tự tới quầy nhận món. Ứng dụng này cũng cho phép khách để lại cảm nhận, đánh giá về chất lượng dịch vụ, giúp cửa hàng có cơ sở để điều chỉnh.
Để có thể thuyết phục ban giám khảo với ý tưởng này, nhóm dự án JustOrder đã phải bỏ ra nhiều tháng liền để khảo sát thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh, lập các bảng tài chính... Mỗi người một việc, Khánh lo mảng kỹ thuật, Nhi phụ trách thị trường, Uyên làm phần tài chính, còn Thảo là trưởng nhóm - vừa phải bao quát mọi công việc, vừa dịch các tài liệu tiếng Anh cho các bạn tham khảo. Nhi kể, vào thời điểm đó, kiến thức duy nhất về lý thuyết thị trường mà bạn biết là từ môn Marketting căn bản được học ở năm thứ nhất.
Trong khi đó, Uyên hầu như chưa có chuyên môn gì về tài chính. Mỗi ngày, Nhi và Uyên đều tự mượn sách của các khóa trên về đọc và học. Tham gia Startup Runway, các SV cũng có cơ hội được tham gia những buổi tập huấn về kinh doanh do chính các chuyên gia khởi nghiệp và doanh nhân giảng dạy.
“Sau 4 tháng, cả nhóm đã tích cóp được một chút vốn liếng kiến thức, đủ để không... run khi phải thi đấu với những anh, chị SV khác”, Nhi nói.
Song hành trình hoàn thiện dự án không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thời điểm trước khi thi cuối kỳ, Thảo từng có ý định bỏ cuộc.
Cô trưởng nhóm tâm sự: “Nhóm nào ở trên trường, em cũng làm... nhóm trưởng. Đến một lúc, nhiều công việc dồn dập kéo tới. Có đợt không tối nào em ngủ trước 1 giờ sáng, để rồi lại đặt đồng hồ báo thức 5 giờ sáng dậy làm việc tiếp.
Chính em đã định bỏ thi, nhưng nghĩ lại, thấy cả nhóm đã cùng nhau đi đến đây rồi mà bỏ thì... phí quá. Mình cố gắng thu xếp khéo léo thêm chút nữa, rồi cuối cùng mọi việc cũng suôn sẻ”.
TS Nguyễn Xuân Lãn, Phó khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế nhận định: “Dù ý tưởng gọi món bằng điện thoại thông minh không hoàn toàn mới, song cách mà SV đặt vấn đề và giải quyết vấn đề lại khá thú vị. Bên cạnh đó, các em đã sáng tạo trong việc tích hợp nhiều chức năng vào một ứng dụng di động, giúp tăng tiện ích người dùng mà không mất nhiều công đoạn thực hiện. Hơn nữa, với tinh thần quyết tâm học hỏi và làm việc chuyên nghiệp, JustOrder xứng đáng với danh vị quán quân của Startup Runway 2018”.
Đêm chung kết, phần thuyết trình lưu loát hoàn toàn bằng tiếng Anh của JustOrder đã chinh phục trọn vẹn Ban giám khảo. Đội thi nhỏ tuổi nhất, ít kinh nghiệm nhất đã vượt lên các đội khác từ Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Kon Tum để giành giải nhất và một tấm vé đi Ireland để học về khởi nghiệp. Song đối với nhóm dự án JustOrder, đó vẫn chưa phải là phần thưởng lớn nhất.
Thảo chia sẻ: “Sau cuộc thi, em đã học được cách phân bổ thời gian và làm việc hiệu quả. Uyên thì nhận ra tầm quan trọng của các kiến thức sách vở, bởi trước đây bạn thường chỉ chú trọng đến thực hành mà bỏ qua việc học lý thuyết vì cho là ít hữu dụng.
Còn Nhi cho rằng, đã học được kinh nghiệm “không phải lúc nào cũng chỉ có duy nhất một con đường đúng. Chúng ta vẫn luôn có thể vừa đi, vừa dò đường, thậm chí có thể đổi hướng để đi đến đích”. Thảo cho biết, ước mơ của em là sẽ được vừa học, vừa làm, để sau khi tốt nghiệp có thể thỏa sức mình với đam mê khởi nghiệp. Hiện dự án JustOrder đã được một số vườn ươm tạo khởi nghiệp tại Đà Nẵng và ở ngoài nước quan tâm.
Bắt đầu từ năm 2016, cuộc thi Startup Runway được Trường ĐH Kinh tế tổ chức nhằm tạo sân chơi cho các SV trên địa bàn thành phố thỏa sức sáng tạo với các dự án khởi nghiệp. 2018 là năm đầu tiên cuộc thi được mở rộng ra các tỉnh, thành miền Trung như Huế, Quy Nhơn... Trong vòng 4 tháng, các thí sinh được huấn luyện kiến thức kinh doanh cơ bản bởi các giảng viên của Trường ĐH Kinh tế, các doanh nhân tại Đà Nẵng và các chuyên gia khởi nghiệp của Học viện Công nghệ Cork (Ireland). Học viện này cũng tài trợ 4 tuần đào tạo về khởi nghiệp cho các thí sinh của dự án đạt giải Nhất. |
PHONG LAN