Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tra cứu lộ trình tuyến, các tiện ích sử dụng xe buýt..., Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đưa vào sử dụng phần mềm Danabus. Hiện tại, ứng dụng này mang lại kết quả thiết thực.
Giao diện phần mềm khi đã tra cứu lộ trình. |
Đây là phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh, có thể cài đặt trên hệ điều hành Android hoặc iOS. Khách hàng chỉ cần nhập từ khóa Danabus vào app, hoặc tra google để chọn các đường dẫn và làm theo hướng dẫn, thao tác này chỉ mất chừng vài ba phút. Ứng dụng này giúp hành khách dễ dàng tra cứu tuyến xe buýt, lộ trình di chuyển ngắn nhất, vị trí các trạm dừng…
Theo tác giả phần mềm Danabus Mai Đình Huy, ứng dụng này được sử dụng để tra cứu các tuyến xe buýt và lộ trình trong thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, hành khách có thể tra cứu xe buýt và theo dõi vị trí xe buýt theo thời gian thực, biết thêm thông tin chi tiết về các chuyến xe, chính xác thời điểm xe đến trạm, chủ động trong việc sắp xếp thời gian đón xe buýt, giảm thời gian chờ đợi.
Chức năng tìm lộ trình tối ưu giúp người đi xe buýt tìm các tuyến xe phù hợp với điểm đầu, điểm cuối cần đến. Trường hợp phải sử dụng nhiều chuyến xe để đến được điểm cuối, ứng dụng giúp chỉ rõ điểm xuống xe và đổi chuyến.
Với chức năng tìm lộ trình, ứng dụng sẽ hướng dẫn người dùng cách đi để bắt được xe buýt gần nhất: đi bộ bao nhiêu mét, đến trạm số bao nhiêu, bắt xe buýt tuyến nào để được đến điểm cần đến. Ngoài ra, ứng dụng có chức năng bản đồ: xem toàn tuyến xe buýt trên địa bàn, xem được thông tin các trạm lân cận.
Riêng chức năng tra cứu cho phép người dùng thông tin giá vé, lịch trình, tần suất các chuyến; tích hợp ứng dụng “Góp ý Đà Nẵng” để người dùng có thể gửi góp ý đến chính quyền thành phố… Ứng dụng hỗ trợ 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Anh Mai Hữu Thành (làm việc ở Trung tâm Hành chính thành phố) cho biết: “Danabus App rất tốt, rất kịp thời để hỗ trợ người dùng có nhu cầu tra cứu. Tôi dự định đi làm bằng xe buýt nên rất hữu dụng. Tuy nhiên, nếu phần tra tuyến đường có thêm giờ xe buýt sẽ qua trạm thì tuyệt vời hơn nữa. Hiện tại, Đà Nẵng đã triển khai mạng wifi miễn phí nên hành khách rất thuận tiện trong việc tra cứu”.
Nhiều bạn trẻ cũng nhận định, đây là ứng dụng được nhiều người mong đợi, nhất là từ khi có loại hình xe buýt trợ giá. Ứng dụng rất hữu ích, là bước tiến để xây dựng thành phố thông minh.
Còn anh Philip Johnson, một du khách đến từ Anh, nhìn nhận: “Đây là một phần mềm rất tiện lợi cho du khách, bởi không phải lái xe, phụ xe nào cũng thông thạo tiếng Anh. Cài đặt phần mềm, chúng tôi chủ động được lộ trình, biết được giờ xe đến, xe đi, trạm dừng”.
Trên thực tế, sau khi cài đặt ứng dụng, mở Danabus, ứng dụng tự động lấy vị trí hiện tại của khách hàng và điền vào điểm đi. Người dùng chỉ cần nhập điểm đến và tự động hiển thị lộ trình gợi ý, lộ trình xe buýt. Người dùng có thể tìm lộ trình theo các tiêu chí: thời gian ngắn nhất, quãng đường ngắn nhất, đi bộ ngắn nhất, chuyển tuyến ít nhất.
Ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Datramac cho hay, từ khi đưa vào sử dụng ứng dụng đến nay, công việc thường xuyên được thực hiện trên máy với các chức năng cập nhập liên tục lộ trình tuyến, điểm dừng xe buýt, biển kiểm soát xe…
Việc cập nhật khi có thay đổi về lộ trình hoặc bổ sung thêm điểm dừng mới rất thông suốt, thuận tiện. Công tác phối hợp đều được các đơn vị liên quan hỗ trợ nhanh chóng. Tính đến nay, đã có 322.488 lượt người sử dụng ứng dụng Danabus để tra cứu xe buýt.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố khẳng định, ứng dụng Danabus đã nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tra cứu lộ trình tuyến, hướng dẫn các tiện ích sử dụng xe buýt...
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN