Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều xe mang biển số nước ngoài (chủ yếu là biển số của nước CHDCND Lào) tham gia hoạt động vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, do bất đồng về ngôn ngữ, các lái xe người Lào không nắm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam khiến cho công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Xe mang biển số nước ngoài chở khách du lịch trên địa bàn thành phố. |
Tại các điểm tham quan lớn trên địa bàn thành phố như: Chùa Linh Ứng, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills, nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng… và một số tuyến đường có nhiều khách sạn như Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Hà Bổng, Phạm Văn Đồng, Yên Bái… thường xuyên có các xe chở khách du lịch mang biển số Lào lui tới.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, tình trạng xe chở khách du lịch mang biển số nước ngoài lưu thông trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay khá phổ biến, phần lớn là biển số Lào. Những xe này không có phù hiệu xe du lịch, vi phạm quy định của pháp luật nước sở tại và gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý.
Nhiều năm qua, Nghị định thư 72/2010/SL-LPQT về thực hiện hiệp định ngày 15-2-2010 của Bộ ngoại giao giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHDCND Lào đã tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới hai nước.
Do đó, xe mang biển số Lào xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Đà Nẵng.
Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho hay, xe biển số Lào đang hoạt động ở các tuyến vận tải khách cố định từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng đến các bến xe tại các tỉnh của Lào và ngược lại hoặc chạy đối lưu giữa các doanh nghiệp (DN) vận tải của hai nước.
Các phương tiện hoạt động chở khách du lịch theo những hình thức như: sử dụng xe biển số nước ngoài (Lào) vận chuyển khách hợp đồng trên địa bàn thành phố; sử dụng xe biển số nước ngoài (Lào) vận chuyển khách giữa các địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam (Hội An) - Bình Thuận - Nha Trang. Một số xe khác mang biển số Lào do các DN Việt Nam đưa từ Lào về Việt Nam để hoạt động vận chuyển khách du lịch.
Xe chở khách du lịch mang biển số Lào hoạt động thường xuyên trên địa bàn thành phố. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo Sở GTVT thành phố, hoạt động của loại hình phương tiện vận chuyển này tiềm ẩn nhiều bất cập và gây khó cho công tác quản lý.
Cụ thể, một số xe khách loại 45 chỗ ngồi mang biển số Lào hoạt động thường xuyên, phục vụ các đoàn lữ hành chạy hợp đồng cho các khách sạn với hình thức bán tour giá rẻ. Một số DN thuê xe từ Lào về chạy trong nước hoặc liên kết kinh tế giữa các DN hai nước Việt Nam – Lào. Thế nhưng, công tác kiểm tra và xác minh dấu hiệu vi phạm kinh tế của những DN này gặp nhiều khó khăn.
Các DN chủ yếu đưa xe về Việt Nam hoạt động trá hình, các xe vi phạm không xuất trình được hợp đồng vận chuyển khách Lào sang Việt Nam, không có danh sách vận chuyển khách, không có giấy tạm nhập tái xuất phương tiện, hoặc nếu có thì không đúng quy định. Các giấy tạm nhập tái xuất này được hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày sau đó quay về cửa khẩu để gia hạn.
Năm 2017, Tổ kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và xử phạt 10 trường hợp vi phạm (trong đó tạm giữ 1 xe của nhà xe H.D), chủ yếu xe mang biển số Lào, với số tiền xử phạt hơn 90 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là không có liên vận quốc tế, không có bản dịch, không có hợp đồng vận chuyển khách, không có tập huấn nghiệp vụ du lịch, hết hạn đăng kiểm, vận chuyển khách du lịch không đúng quy định Hiệp định vận tải đường bộ và Nghị định thư, lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn 30 ngày, không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia Lào…
Để tăng cường việc quản lý loại hình xe mang biển số Lào, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2120/QĐ-UBND ngày 19-4-2017 thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý các DN, cá nhân hoạt động xe trá hình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ngày 10-7-2017, UBND thành phố có Văn bản số 5183/UBND-SGTVT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vận tải bằng ô-tô mang biển kiểm soát nước ngoài. Theo đó, chỉ đạo Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị lữ hành không hợp đồng với các ô-tô có nguồn gốc không rõ ràng, ô-tô mang biển số nước ngoài để vận chuyển khách trên lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù vậy, đến nay, công tác quản lý và xử phạt vẫn gặp nhiều vướng mắc. Lý giải về điều này, ông Bùi Thanh Thuận cho biết thêm, các lái xe là người Lào, ít am hiểu về pháp luật Việt Nam nên vi phạm mà không biết. Bên cạnh đó, việc bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản, khiến công tác trao đổi thông tin giữa hai bên gặp nhiều trở ngại.
Đó là khi các giấy tờ xe và giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động vận tải khách do cơ quan chức năng của nước bạn cấp nên rất khó xác minh. Trong khi đó, cơ chế xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP vẫn khó áp dụng do chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể.
Đối với việc xử lý vi phạm, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố cho rằng, việc xử lý, xử phạt gặp khó khăn do chủ phương tiện hoặc DN sở hữu phương tiện vận tải là người nước ngoài; trong khi xe biển số Lào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam dùng vận chuyển khách du lịch cần phải có phù hiệu xe vận chuyển khách du lịch lại chưa quy định cụ thể.
Để quản lý tốt xe vận chuyển, nhất là vận chuyển khách du lịch, Tổ kiểm tra liên ngành đề nghị các sở, ngành liên quan kiến nghị UBND thành phố có văn bản gửi Biên phòng cửa khẩu, Hải quan không gia hạn cho các phương tiện vi phạm nhiều lần trên lãnh thổ Việt Nam.
Sở GTVT cần có văn bản nhắc nhở đối với các DN vận tải khách không hợp đồng chở khách đối với xe mang biển số nước ngoài; đồng thời, gửi báo cáo lên Bộ GTVT để có ý kiến chỉ đạo xử lý.
Tính đến ngày 18-5-2018, Sở Giao thông vận tải đã cấp 984 biển hiệu du lịch đường bộ và 20 biển hiệu vận chuyển khách du lịch đường thủy cho các phương tiện vận tải trên địa bàn thành phố. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA