Lao động phổ thông chạy theo thu nhập

.

Tâm lý chạy theo thu nhập hơn là sự ổn định của người lao động tự do khiến thị trường lao động phổ thông tồn tại nhiều nghịch lý...

Với mức tiền lương từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày, công việc thợ hồ đang thu hút rất nhiều lao động phổ thông.
Với mức tiền lương từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày, công việc thợ hồ đang thu hút rất nhiều lao động phổ thông.

Có thâm niên gần 20 năm trong nghề thầu xây dựng các công trình dân dụng, ông Huỳnh Văn Dũng (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho hay, vài năm gần đây, bắt đầu từ tháng 2 cho đến khoảng tháng 9 là thời điểm nghề xây dựng thiếu thợ trầm trọng.

Nguồn thợ không chỉ ở thành phố, Quảng Nam mà còn đến từ các tỉnh phía Bắc miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh... nhưng thị trường Đà Nẵng vẫn luôn thiếu thợ. Nguyên nhân là thợ có tâm lý “nhảy việc”, cứ chỗ nào trả lương cao hơn vài chục ngàn đồng thì họ sẵn sàng bỏ việc. Trong khi đó, các chủ thầu đã nhận công trình, việc thiếu thợ khiến chủ thầu bị phạt vì công trình chậm tiến độ.

Là một trong những nữ chủ thầu xây dựng khá nổi tiếng tại Đà Nẵng từ hơn 10 năm trước, bà Trần Thị Kim Cúc (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cũng than thở tình trạng thợ “nhảy cóc” quá nhiều.

Trước đây, có lúc bà Cúc nhận đến 10 công trình nhà ở, nhưng nay doanh nghiệp của bà chỉ dám nhận nhiều nhất cùng lúc 3 nhà trở lại, vì bà chỉ có khoảng gần 10 “thợ ruột”, còn số thợ mới dù đã được nâng giá tiền công từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng/ngày cũng không thể giữ chân họ.

Đặc biệt, thông tin từ một chủ thầu vừa có công trình lớn khởi công trên đường Bạch Đằng tuyên bố sẵn sàng chi thưởng từng ngày để bảo đảm cất nóc đúng vào cuối tháng 12 năm nay khiến nhiều chủ thầu nhỏ khác lo lắng.

Theo tiết lộ của những công nhân từng theo làm cho nhà thầu này, vào giai đoạn nước rút, ngoài tiền công mỗi ngày 300.000 đồng, mỗi buổi sáng, từng người sẽ được nhận một phiếu thưởng, đến cuối ngày nộp phiếu để nhận tiền “tươi” 150.000 đồng.

Không riêng thị trường xây dựng, những lĩnh vực có nhu cầu lao động theo mùa cũng chung tình cảnh khát nhân lực. Bà N. T. H., chủ quầy bán hàng lưu niệm và thực phẩm ở chợ Hàn cho biết, do lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc tăng vọt nên bà có nhận sinh viên biết 2 thứ tiếng này vào làm với mức trả công 200.000 đồng/8 tiếng đồng hồ/người, ngoài ra, bà còn thưởng theo doanh số nhưng vẫn không giữ nổi lao động do các cửa hàng, nhà hàng khác thu hút lao động.

Đặc biệt, những ngành nghề trả lương cho người lao động bằng hình thức hưởng theo doanh số thì càng rơi vào tình trạng mất cả người có kinh nghiệm, có quan hệ tốt với khách hàng và nắm giữ vị trí quản lý các đội, nhóm nhỏ.

Ông B.A.T, Giám đốc bán hàng khu vực miền Trung của một hãng cửa nhôm kính, cho hay: Khi tuyển vào, người lao động chấp nhận tất cả điều kiện công ty đặt ra, nhưng khi đạt doanh thu cao thì họ đưa ra điều kiện ngược lại với công ty, nếu không chấp nhận thì sẽ sẵn sàng bỏ việc.

Đây không đơn giản là chuyện mất người lao động, mà mỗi nhân viên có kinh nghiệm bỏ đi sẽ kéo theo khá nhiều khách hàng nên ảnh hưởng lớn về doanh số.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tâm lý “nhảy cóc”, muốn làm ở nơi có tiền công cao hơn thay vì gắn bó lâu dài với một nơi đã khiến thị trường lao động phổ thông luôn trong tình trạng bất ổn, lúc thừa, lúc thiếu.

Điều đáng quan tâm là tâm lý của người lao động trẻ tuổi chỉ chú ý đến tiền công mỗi ngày hơn là điều kiện lao động và sự ổn định lâu dài khiến giá nhân công trên thị trường lao động tự do hiện nay khá cao. Điển hình là thợ xây dựng từ 250.000 đồng/ngày/công vào năm trước, đến nay đã tăng thành 350.000 đồng/ngày/công.

Điều này tạo sự dịch chuyển khá lớn trên thị trường lao động tự do. Qua khảo sát mới đây của Sở LĐ-TB&XH, tính chung chương trình đào tạo nghề cho người dân trong diện giải tỏa, đối tượng chính sách từ đầu năm đến nay cũng chỉ mở được 6 lớp, với 150 người theo học.

Ngay như ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cũng tỏ ra ngạc nhiên: “Không biết người lao động đi đâu mà tại các hội chợ việc làm do sở tổ chức hằng năm, rất nhiều vị trí việc làm phổ thông không có ai đến xin tuyển”.

Đây là sự bất thường của thị trường lao động, nhất là lao động phổ thông. Điều này gây khó khăn với đơn vị tuyển dụng và cả người lao động, cũng như sự can thiệp của các cơ quan chức năng nếu xảy ra tai nạn lao động, hoặc tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.