Mở rộng thị trường khách du lịch

.

Để khắc phục tính mùa vụ cũng như sự phụ thuộc vào một số nguồn khách nhất định, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, mở rộng nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Khách du lịch tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.  											Ảnh: HOÀNG LINH
Khách du lịch tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG LINH

Khai thác thị trường mới

Ông Hoàng Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố cho biết, ngoài các thị trường quen thuộc như: Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nhật Bản…, thành phố đang hướng đến quảng bá, giới thiệu về du lịch Đà Nẵng tại những điểm đến nổi tiếng trong ngành công nghiệp du lịch của thế giới như Pháp, Ấn Độ, Úc…

Trong đó, có các hoạt động kết nối và tham gia vào những sự kiện, hội chợ du lịch có quy mô hoành tráng, mang tầm quốc tế như: giới thiệu về điểm đến Đà Nẵng tới công chúng Ấn Độ vào tháng 8; tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch với doanh nghiệp châu Âu tại Hội chợ Top Resa tại Paris, Pháp vào cuối tháng 9; tiếp tục tham gia Travel Expo tại Úc vào tháng 10…

Theo các đơn vị kinh doanh lữ hành, việc khai thác các thị trường khách ở Úc, châu Âu, Mỹ, Ấn Độ… là cần thiết nhằm tăng cường nguồn khách có chi tiêu cao cho thành phố, giúp đa dạng nguồn khách, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như hiện nay.

Để công tác xúc tiến hiệu quả hơn, ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần hình thành thêm những đường bay trực tiếp, tạo thuận lợi trong việc di chuyển của du khách; đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới nhằm quảng bá sản phẩm.

Trước mắt, với những thị trường Úc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu… nên khai thác lượng khách tham gia các hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng; chú trọng việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, kích thích nhu cầu mua sắm, chi tiêu của khách.

Song song với việc xúc tiến mở rộng thị trường quốc tế mới, ngành du lịch cần chăm sóc tốt thị trường khách truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nguồn khách có mức chi tiêu lớn, khá ổn định và bảo đảm cho hoạt động du lịch trải dài xuyên suốt trong năm, hạn chế tính thời vụ như trước đây.

Dự kiến trong tháng 1-2019, Vietnam Airline sẽ có đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Osaka (Nhật Bản) với giá tour dao động từ 23-29 triệu đồng/người.

Một hoạt động quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Nhật Bản.                                            (Ảnh Trung tâm Xúc tiến du lịch cung cấp)
Một hoạt động quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Nhật Bản. (Ảnh Trung tâm Xúc tiến du lịch cung cấp)

Liên kết với các điểm đến trong nước

Bên cạnh mở rộng thị trường nước ngoài, thành phố chú trọng thị trường khách trong nước. Đối với các đơn vị lữ hành, dòng khách nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách mà họ đưa đến Đà Nẵng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách nội địa ước đạt hơn 2,4 triệu lượt, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm hơn 50% lượng khách đến Đà Nẵng. Đơn cử, lượng khách nội địa chiếm gần 60%/tổng lượng khách đến Đà Nẵng của Vietravel, Bến Thành Tourist: 30% và có xu hướng tăng lên qua từng năm, Vitour: 50%...

Với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia hoạt động trong ngành du lịch, ông Trần Trà, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, trong 3 năm trở lại đây, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn nhất cả nước đối với dòng khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Số lượng khách nội địa đến và quay lại Đà Nẵng ngày càng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng và thành phố cần quan tâm để duy trì và phát triển dòng khách này.

Ngoài các hoạt động giới thiệu, kết nối với hai địa phương lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tháng 10 tới, Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố sẽ tổ chức đoàn famtrip đến Tây Nguyên nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, các sự kiện nổi bật trong năm 2018 của 3 địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam tại Đà Lạt.

Ngoài ra, thành phố tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương kết nối, quảng bá sản phẩm với các đối tác tại Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc, đưa du khách quốc tế kết nối từ Lào Cai đến miền Trung Việt Nam; tổ chức Ngày hội Du lịch miền Trung năm 2018 làm nơi gặp gỡ, trao đổi, giao dịch giữa đại diện các hãng hàng không, công ty du lịch, hãng lữ hành lớn.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch, hiện nay, Đà Nẵng chú trọng tập trung xây dựng đề án, cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá phát triển du lịch giữa 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm du lịch mới của 4 địa phương Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.

Qua đó, tạo thành một trục xuyên suốt trong quảng bá du lịch của khu vực miền Trung, giữ chân và thu hút dòng khách nội địa trong suốt cả năm.

Ông Hoàng Ngọc Thành cho hay, thời gian gần đây, Trung tâm Xúc tiến du lịch đã chủ động đổi mới cách thức, nội dung hoạt động xúc tiến quảng bá. Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động; ứng dụng công nghệ thông tin E-Marketing vào hoạt động truyền thông du lịch; áp dụng đa dạng các tiện ích công nghệ thông tin vào lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phối hợp với các hãng hàng không Vietnam Airline, VietJet… khai thác nguồn khách đến Đà Nẵng.

HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.
.