Nước mắm Nam Ô vươn xa

.

Sau gần 10 năm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn mác tập thể cho nước mắm Nam Ô, làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đã có những bước đi vững chãi. Các hộ nông dân sản xuất nước mắm ăn nên làm ra, thu nhập ổn định hơn nhiều so với trước.

Bà Trần Thị Ngưng kiểm tra chất lượng thùng nước mắm trước khi lọc.
Bà Trần Thị Ngưng kiểm tra chất lượng thùng nước mắm trước khi lọc.

Thu nhập ổn định

Là thầy giáo, sinh ra và lớn lên ở ngay làng nước mắm Nam Ô, năm 2016, anh Bùi Thanh Phú thành lập Công ty TNHH mắm Hồng Hương để giữ nghề truyền thống của cha ông, cũng như kiếm thêm thu nhập, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Sản phẩm nước nắm Hồng Hương có kiểu dáng bắt mắt, chất lượng tốt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, công ty anh xuất ra thị trường hơn 3.000 lít nước mắm, phân phối cho các đại lý trong và ngoài thành phố, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng và 3 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/ngày.

Bà Trần Thị Ngưng (trú Nam Ô 2) có thâm niên làm nước mắm gần 60 năm, năm nào gia đình bà cũng muối khoảng 3 tấn cá (tương đương 1.200 lít). Theo bà Ngưng, sau khi nước mắm Nam Ô có thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài thành phố ưa chuộng, nước mắm của gia đình bà đã ra thị trường, chứ không còn tiêu thụ quanh quẩn trong làng xóm.

“Gặp những mùa cá ngon và nhiều, gia đình tôi muối nhiều hơn mọi năm. So với trước đây, nghề làm mắm bây giờ có thu nhập ổn định hơn”, bà Ngưng nói thêm.

Ở gần đó, hộ bà Nguyễn Thị Lự cũng nổi tiếng với nghề nước mắm gia truyền nhiều đời. Bà Lự cho biết, mấy năm trước, gia đình bà muối khoảng 10 tấn cá cơm, sản phẩm được tiêu thụ nhanh nhờ hợp tác xã quảng bá, tiếp thị tốt. Sản phẩm nước mắm Nam Ô được trưng bày ở các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố. Thời gian gần đây, diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng do di dời, giải tỏa, nên nhà bà Lự muối giảm xuống còn 5 tấn cá.

Thương hiệu nước mắm Ba Đủ cũng nổi tiếng thơm ngon tại làng nước mắm Nam Ô. Ngoài việc tiêu thụ ở các mối quen, chị Trần Thị Mừng (nhà cạnh chợ Nam Ô), chủ cơ sở nước mắm Ba Đủ cũng chịu khó mang sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa… Để ổn định đầu ra, chị Mừng ký hợp đồng cung cấp thường xuyên cho các doanh nghiệp ở địa bàn Đà Nẵng. Nhờ vậy, đầu ra ổn định với hàng trăm lít nước mắm mỗi tháng, với giá dao động 50.000 - 70.000 đồng/lít, tùy theo loại.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho làng nghề

Theo ông Trần Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, sau thời gian vực dậy làng nghề, đến nay, Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô có hơn 100 hội viên sản xuất ổn định. Ngoài các hợp tác xã, một số hộ gia đình đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, đầu tư máy móc, công nghệ, nhãn mác để làm ăn với quy mô lớn. Đáng mừng hơn, sản phẩm nước mắm Nam Ô giờ đây đã “bay” ra khỏi địa bàn Đà Nẵng; nhiều thương hiệu đăng ký mã vạch để đưa vào hệ thống siêu thị bày bán.

Cứ mỗi lần tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, ông Vinh và các thành viên Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô mang sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Nhờ vậy, nước mắm Nam Ô dần trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng trong cả nước.

“Điều đáng lo nhất hiện nay là cơ sở sản xuất của một số hội viên đang bị bó hẹp do ảnh hưởng các dự án di dời, giải tỏa. Mong sao các cơ quan chức năng thành phố sớm xây dựng khu tập trung các hộ sản xuất ổn định, tiếp tục hoạt động hiệu quả”, ông Vinh trăn trở.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, những năm qua, các cấp chính quyền quận Liên Chiểu luôn tạo điều kiện, khuyến khích các hộ làm mắm Nam Ô vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, bảo tồn làng nghề truyền thống cha ông để lại. Lãnh đạo quận đã tích cực phối hợp tham mưu cho các ngành chức năng thành phố tìm kiếm mặt bằng, quảng bá sản phẩm, xúc tiến các thủ tục pháp lý, hỗ trợ điều kiện về vật chất và tinh thần cho các hộ làm nước mắm.

Chủ trương của quận Liên Chiểu là hỗ trợ tối đa những gì có thể để cùng chia sẻ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người dân an tâm sản xuất sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cũng nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, từ những hộ cá thể, một số trường hợp đã mạnh dạn đầu tư, đứng ra thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng và mẫu mã đẹp mắt.

Ngoài ra, ông Thiết cũng cho biết thêm, theo đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Sở Công thương, thành phố sẽ đầu tư xây dựng một khu sản xuất tập trung cho những sản phẩm của làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô.

"Chủ trương của quận Liên Chiểu là hỗ trợ tối đa những gì có thể để cùng chia sẻ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để người dân an tâm sản xuất sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường”

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.
.