Quỹ Đầu tư phát triển địa phương: Nhiều bất cập trong hoạt động sử dụng vốn

.

Chiều 24-7, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị Quỹ Đầu tư phát triển địa phương năm 2018 nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2017; bàn giải pháp phát triển hệ thống quỹ; lấy ý kiến cho dự thảo nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thay thế Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2017/NĐ-CP.

Hiện nay, cả nước có 43 Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập. Tính đến cuối năm 2017, tổng vốn sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp đạt 17.600 tỷ đồng, chiếm 56% tổng vốn.

Nợ xấu của các quỹ đến cuối năm 2017 là trên 770 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng dư nợ cho vay. Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn hoạt động của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương vẫn còn hạn chế so với nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đối với vốn điều lệ, mặc dù quy định vốn điều lệ tối thiểu hiện nay đã rất thấp (ở mức 100 tỷ đồng), tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 3/43 quỹ chưa đủ vốn điều lệ tối thiểu; 19 quỹ có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng…

Hoạt động sử dụng vốn còn một số bất cập như: tỷ lệ nợ xấu ở một số Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ở mức cao, mức lãi suất cho vay tối thiểu chưa phản ánh được đầy đủ chi phí trong lãi suất cho vay...

Do vậy, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định quy định vận hành quỹ trước đó. Dự thảo này đáp ứng được các yêu cầu: xây dựng khuôn khổ pháp lý ổn định; giảm rủi ro trong hoạt động cho vay, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động của quỹ nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động.

Hoàng Linh

;
.
.
.
.
.
.