Thời gian qua, người dân ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố bức xúc về tình trạng chậm thu gom rác thải và phát sinh nhiều điểm tập kết đầy ngộn rác gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hướng đến vệ sinh môi trường.
Tình trạng này đòi hỏi Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng phải sớm đầu tư thêm các phương tiện cơ giới và trạm trung chuyển rác có công nghệ xử lý hiện đại để nâng cao công suất thu gom rác, giảm thời gian tồn đọng rác trên đường phố.
Công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà thu gom rác trên đường Trần Thánh Tông. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm
Hai năm nay, nhiều hộ dân ở đường Trần Thánh Tông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) phải chịu cảnh “sống chung” với 3 điểm tập kết rác trên đoạn đường dài chưa tới 700m và thêm 1 điểm tập kết khác nằm ngay đầu đường Phạm Huy Thông giao với đường Trần Thánh Tông.
Đây là những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường khi các thùng rác thường xuyên đầy ứ, tràn xuống đường, bốc mùi hôi thối.
Cũng trên đoạn đường Trần Thánh Tông, tại khu vực chung cư 12T1 và 12T2, mỗi khi có cơn gió thổi qua, nhiều loại rác lại bị cuốn tấp vào tiền sảnh gây ô nhiễm nặng nề. “Trước đây, khi mua nhà ở xã hội, chúng tôi được giới thiệu khu đất giữa 2 tòa chung được thiết kế thành vườn cây xanh, có thảm cỏ, làm nơi sinh hoạt và giải trí.
Nhưng 2 năm nay, khu vực này bị trưng dụng một phần diện tích để tập kết thùng rác và rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi “khổ sở” vì không biết làm cách nào để xử lý tình trạng trên. Vừa qua, đại diện tổ dân phố có thông tin đang đưa điểm tập kết này vào quy hoạch thu gom rác thải theo giờ, không biết phải chờ đợi đến khi nào nó mới dời đi”, bà Trần Thị Anh (hộ dân sinh sống ở chung cư 12T1) bức xúc cho biết.
Theo ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, trên địa bàn quận Sơn Trà đang “nhức nhối” tình trạng rác thải với 37 điểm tập kết từ 10 - 20 thùng rác/điểm; bức xúc nhất là ở 3 phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang.
Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều khu dân cư khi tổng lượng rác thải trong các kiệt, hẻm chiếm đến 60% lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn thành phố, nhưng việc phải xóa bỏ các trạm trung chuyển rác như Chi Lăng, Đống Đa, Nguyễn Tri Phương, Hòa Khánh, Đò Xu, chợ Hòa An… đã gây nhiều khó khăn cho việc tập kết rác.
Công ty đã bố trí khoảng 280 công nhân phục vụ thu gom rác trong các kiệt, hẻm nhưng chưa thực sự hiệu quả, do khối lượng công việc quá nhiều. Trong khi đó, nguồn kinh phí trả cho công nhân thu gom rác chưa tương xứng, mới chỉ trung bình 200.000 đồng/người/ngày trong khi họ phải đạp xe để chở thùng đến 40km/ngày.
Nhiều công nhân đã bỏ việc để đi làm ở những khu nghỉ dưỡng với tiền công cao hơn và công việc nhẹ nhàng hơn. Có ngày, ở quận Cẩm Lệ có đến 10 người cùng nộp đơn xin nghỉ việc nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thu gom rác trên địa bàn.
Điểm tập kết rác quá lớn ở giữa các tòa nhà chung cư trên đường Trần Thánh Tông gây ô nhiễm môi trường. |
Đầu tư phương tiện cơ giới, giảm công thu rác
Để giải quyết tình trạng rác thải dồn ứ, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Sơn Trà, ông Trần Văn Tiên cho rằng, phải đầu tư xây dựng tại quận Sơn Trà một trạm trung chuyển rác thải rộng khoảng 700m² với công nghệ xử lý tiên tiến có công suất khoảng 150 tấn rác/ngày, cùng với các xe cơ giới thu gom rác, kinh phí đầu tư khoảng 42 tỷ đồng.
Về phía thành phố, giải pháp căn cơ nhất là nên đầu tư các trạm trung chuyển rác có công nghệ xử lý hiện đại và mua sắm thêm phương tiện cơ giới thu gom rác. Một doanh nghiệp sẵn sàng kết hợp với công ty đầu tư 80 tỷ đồng cho trạm trung chuyển rác tại khu vực rộng 1.000m² ở đường Lê Thanh Nghị và một số xe thu gom rác.
Nếu UBND thành phố chấp thuận việc đầu tư này thì sẽ giảm rất đáng kể thời gian rác thải tồn đọng ở trên đường phố, nhất là khu vực trung tâm thành phố.
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, trong năm 2017, đơn vị hoàn thành mua sắm và đưa vào phục vụ 4 xe ép rác loại 4,5 tấn, 4 xe tải thu gom rác phục vụ cơ giới hóa loại từ 400 đến 800kg, 15 xe ba gác thu gom rác hoạt động bằng điện, 1.000 thùng rác 240 lít, 200 thùng rác 660 lít, 100 xe thu rác loại 3 bánh có dung tích thùng 660 lít.
Trong năm 2018, công ty đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng yếu như: thực hiện công tác cơ giới hóa thu gom rác thải đạt 50% tổng lượng rác thải thu gom trên toàn địa bàn thành phố (hiện tại đạt khoảng 30%); tập trung phục vụ tốt công tác vệ sinh tại các sự kiện lễ hội được tổ chức trên địa bàn thành phố trong năm; duy trì và bảo đảm tốt an ninh môi trường bãi rác Khánh Sơn…
Ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay, để công tác vệ sinh trên địa bàn thành phố ngày càng bền vững và sạch đẹp, thành phố cần quy hoạch các vị trí tập kết rác thải, vật cồng kềnh bảo đảm đủ điều kiện tập kết chờ trung chuyển lên bãi rác xử lý; đồng thời chỉ đạo các địa phương quy hoạch các điểm tập kết rác tạm thời để chuyển rác ra khỏi địa bàn dân cư một cách hợp lý và nhanh chóng.
“Cần cho phép công ty triển khai mở rộng cơ giới hóa công tác thu gom, đồng thời quy hoạch và đầu tư trạm trung chuyển với công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, bảo đảm môi trường du lịch …”, ông Vũ kiến nghị.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng lập phương án cụ thể về đầu tư trạm trung chuyển rác và các phương tiện cơ giới thu gom rác để trình UBND thành phố. Hiện công ty đang tiến hành lập phương án đầu tư.
Bài và ảnh: NAM TRÂN