Sáng 25-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì chương trình gặp mặt các hội, hiệp hội doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn thành phố để trao đổi về các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính; đánh giá tình hình thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” và kết quả, phương hướng xử lý, kiến nghị đề xuất tại Tọa đàm mùa Xuân 2018.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Q.KHẢI |
Cùng dự có Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố cùng đại diện hơn 80 hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhiều lĩnh vực cần cải thiện mạnh mẽ
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đặt vấn đề, bên cạnh những điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2017 đến nay, thành phố đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Môi trường kinh doanh tại Đà Nẵng sau nhiều năm được nhìn nhận là thông thoáng, thuận lợi tại Việt Nam đã có những dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, kết quả Chỉ số quản trị hành chính công của thành phố rơi xuống nhóm trung bình cao, Chỉ số cải cách hành chính sau 4 năm liên tục đứng đầu cả nước đã tụt xuống vị trí thứ 4 và PCI xuống vị trí thứ 2.
“Các ý kiến đóng góp, đề xuất, phản ánh thẳng thắn, chân thực từ góc nhìn của các DN nhằm cải thiện PCI nói riêng và môi trường đầu tư của thành phố nói chung chính là cơ sở, mục tiêu để lãnh đạo thành phố nghiên cứu, đề ra các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển của Đà Nẵng trong quá trình hội nhập và phát triển”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ.
Trên tinh thần cầu thị của lãnh đạo thành phố, đại diện các hội, hiệp hội DN đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan. Theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) thành phố Phạm Bắc Bình, việc Đà Nẵng tụt bậc về PCI, trong đó chỉ số về chi phí không chính thức sụt giảm xuống vị trí thứ 5 (tụt 3 bậc) đã phản ánh một thực tế rằng, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ trong đội ngũ cán bộ, công chức. “Đây là vấn đề nhức nhối, được cộng đồng DN phản ánh rất nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết triệt để”, ông Bình nêu rõ.
Để góp phần cải thiện PCI, ông Phạm Bắc Bình đưa ra một số giải pháp như: thành phố nên ban hành các văn bản pháp luật dễ hiểu, đơn giản nhưng chặt chẽ, tránh những kẽ hở để người thực thi lợi dụng trục lợi; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu 3 giảm: giảm thời gian, thủ tục và chi phí.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng những trang web giới thiệu đầy đủ thông tin về thành phố, phát huy hiệu quả cơ chế một cửa; với các dự án kêu gọi đầu tư hoặc DN tự đầu tư, thành phố cần công khai, minh bạch, đối xử bình đẳng đối với các DN.
Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm các yếu tố liên quan đến con người, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức về đạo đức, chuyên môn, tận tâm, tận lực; rà soát lại hệ thống lương công chức, có giải pháp tăng thu nhập cho đội ngũ công chức để tránh tham nhũng, xử lý nghiêm minh những vi phạm, không từ bất cứ ai.
Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch biển Vinacapital cho hay, các nhà đầu tư vẫn than phiền thời gian thẩm duyệt, cấp phép dự án hiện nay quá lâu, không chỉ ảnh hưởng đến chi phí, sự chờ đợi của nhà đầu tư mà có khi làm mất cơ hội thu hút đầu tư của thành phố. Vì vậy, thành phố cần xây dựng dịch vụ hỗ trợ, tư vấn chuyên nghiệp hơn.
Ở một khía cạnh khác, ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố gợi mở: “Nhà đầu tư đến Đà Nẵng không chỉ để đầu tư mà còn để sinh sống. Chính vì vậy, thành phố nên tiếp tục xây dựng và giữ gìn môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp, môi trường kinh doanh lành mạnh.
Khi thành phố không còn nhiều đất, không gian để mở rộng thì nguồn lực con người, môi trường đầu tư, môi trường sống vẫn còn là dư địa rất lớn để tập trung xây dựng và mở rộng”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân thành phố cho rằng, cải thiện PCI vì mục đích phát triển thành phố, không phải vì giữ vị thế cho thành phố trên bảng xếp hạng. Ở một số sở, ngành, địa phương vẫn tồn tại tình trạng cấp trên rất quyết liệt, nhưng cấp dưới ì ạch, cố tình gây khó cho DN nên có những vướng mắc rất nhỏ, vướng quy trình mãi không giải quyết được.
Ngoài ra, vấn đề chi phí đầu tư, tiếp cận mặt bằng đất đai tại Đà Nẵng hiện nay khá cao, khiến DN khó tiếp cận trong khi thời gian thuê và sử dụng đất còn thiếu sự ổn định. “Muốn cải thiện PCI, trước hết phải cải cách thái độ làm việc của người cán bộ, công chức Nhà nước”, bà Phương đề xuất.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với đại diện cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài tại chương trình. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Đừng để doanh nghiệp khổ vì thủ tục hồ sơ
Trao đổi với các đại biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Đừng để người dân, DN khổ vì thủ tục hồ sơ nữa. Đúng ngày, đúng giờ chúng ta cứ làm cho dân. Tôi nghĩ rằng, với nhiều năm liền đứng vị trí thứ nhất PCI, nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được…
Các khu đất phải được chọn lựa và các dự án được chọn phải xứng đáng, đúng chuẩn theo quy hoạch. Thành phố đang đối mặt với những hậu quả, dẫn tới nhiều công chức, viên chức không dám làm, không dám tham mưu, đây là điều cần phải tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ bây giờ, để từ đó tạo môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn cho các DN”.
Phát biểu kết thúc buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý, UBND thành phố cần tiếp tục công tác cải cách hành chính, phát huy tính năng động sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức ở tất cả các vị trí công tác.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, có trách nhiệm trong công việc lấy DN làm đối tượng phục vụ, thực hiện nhất quán chủ trương của lãnh đạo thành phố trong chỉ đạo, lãnh đạo điều hành phát triển kinh tế.
Đối với các hội, hiệp hội DN, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị, cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, trở thành “cánh tay nối dài” của thành phố, là “bệ đỡ” cho các DN. Qua đó, các hiệp hội phối hợp với sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của thành phố đối với DN; chủ động góp ý vào các cơ chế, chính sách, đề án, quy hoạch của thành phố.
Đồng thời, cộng đồng doanh nhân thành phố cần đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức và nắm bắt thông tin về các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, tìm hiểu và mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới.
Cùng với đó, thành phố và các DN, nhà đầu tư hưởng ứng tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật, không tạo ra chi phí không chính thức và không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà tạo ra tiêu cực, tham nhũng.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, đối với những công việc còn tồn đọng, chậm, lãnh đạo UBND thành phố phải đủ nhạy bén và bản lĩnh để đánh giá đầy đủ, toàn diện về chức trách, nhiệm vụ của các sở, ngành.
Đây là trách nhiệm chung, không nên gắn trách nhiệm riêng vào bất cứ sở, ngành nào. Thời gian tới, cần thẳng thắn hơn trong phối hợp thực hiện ở các sở, ngành với DN để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Để phát triển hơn nữa, cần phải tạo được áp lực thay đổi, đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
"Tôi luôn cho rằng một thành phố không thể phát triển giàu đẹp nếu cộng đồng DN không mạnh. Chính vì vậy, thành phố Đà Nẵng luôn xác định DN phát triển chính là thước đo sự phát triển của Đà Nẵng, sự phát triển lớn mạnh và thành công của các DN cũng là thành tựu của chính quyền thành phố. Chính quyền thành phố cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp và quyết tâm cao để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành, sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững”. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa |
Ông Takizawa Satoru, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng: Nâng cao tính minh bạch, tiếp cận thông tin Tôi rất vui khi thành phố đã giữ được lời hứa trả lời chi tiết, công khai các kiến nghị mà cộng đồng DN Nhật Bản tại Đà Nẵng đã nêu lên trong Tọa đàm mùa Xuân vào tháng 3-2018. Việc giữ lời hứa chính là nền tảng xây dựng lòng tin của đôi bên. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận thông tin của DN về kế hoạch phát triển của thành phố vẫn còn khó khăn, Đà Nẵng cần khắc phục điều này. Về lâu dài, cộng đồng DN nhỏ và vừa (NVV) chính là bệ đỡ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, do đó, thành phố cần có sự quan tâm hợp lý nhằm giúp DN dễ dàng đầu tư và có môi trường thuận lợi hơn để phát triển. Cộng đồng DN Nhật Bản mong muốn nhận được sự hỗ trợ hơn nữa từ chính quyền thành phố. Bà Huỳnh Khánh Vân, Phó Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng: Đất đai phải giao cho nhà đầu tư chứ không nên giao cho nhà đầu cơ “Việc cải thiện PCI cần đặt lên hàng đầu, trong đó, có việc cải thiện các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng ở năm 2017 gồm: “tính minh bạch và tiếp cận thông tin” và “môi trường cạnh tranh bình đẳng”. Để cải thiện chỉ số thành phần trên, chính quyền thành phố cần rà soát quỹ đất công, các kế hoạch sử dụng đất cần được công bố thông tin đến người dân và DN. Tài nguyên đất đai được quy hoạch, đấu giá… phải giao cho nhà đầu tư chứ không nên giao cho nhà đầu cơ. Thành phố cần thực hiện chế độ về công bố, giám sát việc công bố thông tin để tránh tình trạng công bố đối phó, “ém” thông tin có liên quan đến cơ hội đầu tư của DN; khắc phục tình trạng công bố thông tin tản mạn ở nhiều địa chỉ, nhiều cơ quan truyền thông gây khó khăn cho DN. Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng: Phải có tham vọng trong việc quy hoạch, xây dựng cảng biển Đà Nẵng có lợi thế về cảng biển, phát triển lĩnh vực logistics, tuy nhiên, thành phố thiếu những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này. Việc quy hoạch, xây dựng và phát triển cảng biển Liên Chiểu cần giải quyết tốt bài toán về xung đột với giao thông, dân cư. Chính quyền cảng chỉ chuyên về quản lý vấn đề hàng hải, không phải một chính quyền đô thị. Hiện nay, nhiều địa phương có cảng biển đang tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cảng biển với quy mô rất lớn, vượt xa quy mô các cảng biển tại Đà Nẵng, nếu chúng ta không có tham vọng mà tự gò bó mình thì sẽ đánh mất vị thế tại khu vực. Thành phố cần có một định hướng, sứ mệnh, một câu khẩu hiệu để Đà Nẵng bước đến một đích cao hơn, xa hơn. TRIỆU TÙNG - KHÁNH HÒA ghi |
KHÁNH HÒA - QUỐC KHẢI - TRIỆU TÙNG