Vẫn lo ngập vào mùa mưa

.

Mặc dù thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công đối với 21 công trình xử lý ngập úng trong năm 2018 nhưng vẫn còn những điểm ngập nặng, khó xử lý.

Điểm ngập úng trên đường Cách mạng Tháng Tám đoạn qua cống Lò Vôi.
Điểm ngập úng trên đường Cách mạng Tháng Tám đoạn qua cống Lò Vôi.

Hiện nay, nhiều hộ dân hai tuyến đường Yên Thế và Bắc Sơn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) lại lo “sống chung với ngập” vào mùa mưa, dù việc sửa chữa lại hệ thống cống dọc theo kênh hở ở đây đã xong. Theo các hộ dân, cống được làm lại nhưng đoạn thông qua đường Tôn Đức Thắng vẫn chưa được mở rộng.

“Nước đổ về nhiều, sinh ra dòng chảy rất mạnh, từng cuốn trôi một sinh viên đi bộ trên đường xuống cống khiến người này tử vong. Mặc dù đã thi công xong cống hộp thay thế kênh cũ, giải quyết ô nhiễm môi trường nhưng người dân vẫn lo xảy ra ngập cao hơn trước đây vì khả năng thoát nước của cống hạn chế hơn so với kênh.

Hơn nữa, nếu có bèo, rác mắc vào các cửa cống thì không thể vớt lên để khơi thông”, ông Đinh Thanh Lộc (một người dân ở đường Yên Thế) bày tỏ lo lắng.

Cũng theo người dân trong khu vực này, hạng mục thi công cải tạo cống qua đường Tôn Đức Thắng đoạn qua cống Yên Thế - Bắc Sơn với 5 cửa cống có kích thước 2,5m x 2m đã được cho phép triển khai từ ngày 4-6 đến ngày 30-10-2018, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

“Trước đây, ở khu vực Phước Lý còn nhiều ao hồ, đồng ruộng để chứa nước, nay đã san lấp gần hết để thi công các khu đô thị. Nếu thoát nước ở hạ lưu không tốt sẽ khiến nước từ cống tràn lên đường kết hợp với nước mưa từ khu dân cư chảy về gây ngập sâu.

Vì thế, việc thi công mở rộng cống qua đường Tôn Đức Thắng là giải pháp cần thiết để tăng năng lực thoát nước ra hồ Trung Nghĩa và kênh Phú Lộc. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa triển khai thi công thì e rằng không kịp chống ngập trong các trận mưa lớn vào tháng 8, 9 và 10 năm nay”, ông Trịnh Văn Long (người dân ở đường Bắc Sơn) bức xúc nói.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay: “Khu vực tam giác đường Tôn Đức Thắng - Yên Thế - Bắc Sơn là một trong những điểm ngập cần đặc biệt quan tâm. Công ty đã đề nghị Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên sớm thi công mở rộng cống này vì nếu trời mưa với cường độ 100mm trong vòng 2 giờ thì toàn khu vực này sẽ ngập nặng”.

Ông Mai Mã cũng cho biết thêm, điểm ngập ở cầu Đa Cô (đường Tôn Đức Thắng) cũng là mối lo lớn do cầu được cải tạo thành cống hộp 2 cửa với kích thước 3,6m x 3,6m. Tại đây, thường xuyên có lượng bèo, rác rất lớn trôi về và mắc lại cửa cống hộp.

Mùa mưa năm 2017, công ty đã phải vớt lượng lớn bèo và rác đoạn từ cầu Bà Xí đến cầu Đa Cô để khơi thông dòng chảy, nếu không sẽ gây ngập nặng ở đường Tôn Đức Thắng với độ sâu lên tới hơn 1m.

Đường Nguyễn Lương Bằng thường xuyên bị ngập sâu nhiều đoạn khi mưa lớn. 					Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đường Nguyễn Lương Bằng thường xuyên bị ngập sâu nhiều đoạn khi mưa lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cũng trên tuyến quốc lộ 1A, khu vực từ đường Phan Văn Định đến số nhà 400 Nguyễn Lương Bằng những năm gần đây thường xuyên bị ngập sâu vì hồ Bàu Mạc bị san lấp, thay bằng cống thoát nước có khẩu độ nhỏ, không đủ thoát nước ra biển.

Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đề nghị sớm hoàn thành thi công tuyến cống thoát nước dọc theo đường kiệt 447 Nguyễn Lương Bằng ra hồ Bàu Tràm để giải quyết điểm ngập này.

“Bên cạnh 3 điểm nói trên, còn có 2 điểm ngập nặng cần đặc biệt quan tâm. Đó là hướng thoát nước từ khu vực đường Núi Thành (quận Hải Châu) ra Hồ Xanh, các đơn vị thi công Công viên Châu Á lắp đặt các cống bi có khẩu độ nhỏ ở cuối nguồn nên không đủ thoát nước, gây tình trạng ngập tại đây.

Ở khu vực đường Cách mạng Tháng Tám đoạn qua cống Lò Vôi, đường Nguyễn Nhàn và khu vực dân cư lân cận, nếu lũ từ sông Vu Gia đổ về, dâng cao kết hợp lượng mưa lớn ở sân bay Đà Nẵng và khu vực xung quanh sẽ gây ngập sâu”, ông Mai Mã nói.

Được biết, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 24 điểm ngập. Riêng điểm ngập ở khu vực Chơn Tâm 2 (phía sau Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) thuộc phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) phải chờ chủ trương triển khai giải tỏa, thi công dự án di dời Ga đường sắt Đà Nẵng.

UBND thành phố đã cho phép gia hạn hoàn thành 21 công trình xử lý ngập úng trong năm 2018 và 2 công trình hoàn thành vào cuối năm 2019.

Để chuẩn bị và ứng phó tình trạng ngập úng trong mùa mưa sắp tới, ông Mai Mã cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, công ty đã nạo vét hơn 3.000m3 bùn, đất tại các tuyến cống dọc đường Dương Trí Thạch, Ngô Thì Sĩ, Hà Bổng, Hồ Xuân Hương, Hoàng Kế Viêm, Dương Đình Nghệ, An Thượng 1, Nguyễn Văn Linh, Triệu Nữ Vương…

Các tuyến đường còn lại đang được triển khai nạo vét cống theo kế hoạch với khối lượng bùn, đất ước tính khoảng 3.500m3, hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2018 để giảm thiểu ngập úng trong đô thị. Công ty cũng đã tiếp nhận thông tin và xử lý 153 vị trí tắc cống, sự cố thoát nước…; đồng thời, duy trì vệ sinh thường xuyên các hồ điều tiết, kênh thoát nước, cửa van, máy bơm để vận hành giảm ngập úng. Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cũng đã xây dựng xong phương án phòng, chống lụt bão năm 2018 và sẵn sàng túc trực, triển khai xử lý chống ngập úng trong đô thị.

Bài và ảnh:  HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.