Thời gian qua, các hội, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến, bày tỏ nguyện vọng để cùng chính quyền địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy quá trình phát triển của doanh nghiệp và thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề cần có tiếng nói chung để giải quyết kịp thời hơn những kiến nghị của doanh nghiệp.
Giám sát đo lường thời gian thực hiện thủ tục hành chính
Thành phố cần ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC cho DN và có cơ chế giám sát, đo lường thời gian thực tế trong việc thực hiện TTHC; giảm thiểu tình trạng cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc DN dễ gây nhũng nhiễu.
Báo cáo PCI 2017 nêu rõ, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” của Đà Nẵng luôn đạt điểm thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần của PCI giai đoạn 2013 - 2017. Cụ thể, có 48% DN Đà Nẵng cho rằng, thành phố ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn là phát triển khu vực tư nhân. 58% cho rằng, việc ưu đãi các DN lớn hoặc DN Nhà nước là trở ngại cho DN nhỏ và vừa.
Sự cải thiện rõ rệt của Đà Nẵng trong chỉ số “Tiếp cận đất đai”, đưa Đà Nẵng vào tốp 5 địa phương đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này là điều phấn khởi. Nhưng trong thực tế, đối tượng DN nhỏ và vừa chưa được quan tâm đúng mức. Không ít DN phản ánh thường phải chi thêm các khoản “không chính thức”, hay nhờ các bộ phận “trung gian” để thực hiện TTHC hoặc tham gia các dự án đầu tư của thành phố; nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng và thủ tục thành lập DN ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
(Trích ý kiến đóng góp của các hội, hiệp hội DN đối với việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) – Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư)
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng: Cần nêu giải pháp cụ thể, sớm trả lời kiến nghị
Trước đây, trong các buổi đối thoại với các hội, hiệp hội và doanh nghiệp (DN), nhiều vấn đề được trả lời ngay, nhưng cũng có vấn đề phải chờ đợi khá lâu chúng tôi mới nhận được phản hồi, thậm chí có câu hỏi không được đáp trả. Cá biệt, tại một số hội thảo, khi DN đặt vấn đề, lãnh đạo sở, ngành đã hứa sẽ giải quyết thấu đáo, nhưng sau đó lại im lặng. Bên cạnh đó, những ý trả lời của các cơ quan chức năng quá chung chung, thường viện dẫn các căn cứ chính sách đã ban hành mà không đưa ra được giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc hoặc hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng theo đề xuất, kiến nghị của DN; khi gặp vấn đề khó lại chuyển lên cấp trên như bộ, ngành liên quan. Việc làm trên đã ảnh hưởng đến niềm tin của DN. Chính vì vậy, những năm sau này, rất ít ý kiến từ DN đề xuất, kiến nghị gửi lên hiệp hội để đề đạt với thành phố giải quyết, hỗ trợ. Nhân sự kiện lần này, chúng tôi kỳ vọng thành phố sẽ có những động thái tích cực hơn trong việc trả lời các đề xuất, vướng mắc của DN.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng: Quan tâm đúng mức đến doanh nghiệp nội địa
Trong 14 kiến nghị của VCCI Đà Nẵng gửi đến lãnh đạo thành phố lần này, chúng tôi mong muốn thành phố cần có sự quan tâm hơn nữa đến cộng đồng DN nội địa. Khó khăn lớn nhất hiện nay của họ vẫn là mặt bằng và vốn. Đại đa số DN của Đà Nẵng quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế, việc có kinh phí để bảo đảm thuê đất ở các khu công nghiệp (KCN) rất khó. Vấn đề này đã được phản ánh rất nhiều trong các buổi đối thoại trước đây, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong khi chủ trương hình thành các cụm công nghiệp được nói nhiều song vẫn chậm triển khai. Thành phố cần có chính sách ổn định và tiến tới giúp DN giảm chi phí đầu vào bằng cách ổn định giá thuê đất, sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp do thành phố đầu tư. Đối với những KCN do tư nhân đầu tư, với chức năng quản lý Nhà nước, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động cho thuê hạ tầng tại các KCN do tư nhân đầu tư nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư hạ tầng cho thuê và DN đi thuê.
Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Giày BQ: Dành nhiều thời gian cho doanh nghiệp phản biện
Những năm gần đây, vai trò của các hội, hiệp hội DN được chú trọng, nâng cao. Các đề án, kế hoạch, chương trình của thành phố liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội đều có văn bản gửi các hội, hiệp hội tham gia đề xuất, hiến kế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất của cộng đồng DN ít được quan tâm, sửa đổi, thậm chí có nhiều kiến nghị gửi lên nhưng không nhận được phản hồi. Điều này làm giảm uy tín và gây khó khăn cho các hội, hiệp hội trong việc lấy ý kiến hội viên. Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố và các cấp quan tâm đến những phản biện mang tính xây dựng từ cộng đồng DN; tạo cơ hội và thời gian nhiều hơn nữa để DN phản biện thay vì chỉ ngồi nghe. Đồng thời, thành phố cần lập tổ giải quyết kiến nghị của DN, theo dõi công tác báo cáo hằng tháng, hằng quý và hậu kiểm việc triển khai.
Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng: Củng cố niềm tin của doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo thành phố đã dành nhiều thời gian xem xét, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách phát triển công nghiệp CNTT nói chung và phần mềm nói riêng. Điển hình, thành phố đã có nhiều nỗ lực xúc tiến đầu tư Khu Công viên Phần mềm (CVPM) số 2, hỗ trợ chủ đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Sembcorp (Singapore) xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ thành lập Khu CNTT tập trung cho Khu CVPM này. Bên cạnh đó, đôn đốc các sở, ngành liên quan giải quyết vướng mắc một số thủ tục hành chính trong đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu CNTT tập trung Đà Nẵng. Chính những nỗ lực này phần nào đã củng cố niềm tin của DN CNTT nói chung đối với lãnh đạo thành phố.
Trong thời gian tới, DN CNTT nói chung và DN phần mềm Đà Nẵng nói riêng rất mong được lãnh đạo thành phố quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của các DN; từ đó, có các chính sách sát, đúng, tháo gỡ những khó khăn hiện nay, tạo lập được môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố.
Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Giang Phước Tường: Tạo quỹ đất cho doanh nghiệp không hoạt động sản xuất ở khu dân cư
Chúng tôi đề nghị thành phố cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho DN nhỏ và vừa. Làm thế nào giao đất cho DN thuê với giá rẻ nhất có thể bởi đầu tư quỹ đất sẽ có những lợi ích như: DN thoát khỏi khu dân cư, không gây ảnh hưởng ô nhiễm đối với người dân. DN có đất sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị mới; ngân hàng yên tâm rót vốn cho DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu… Từ đó, họ có điều kiện trở thành DN công nghiệp hỗ trợ bên cạnh KCN hiện đại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp nhiều vào ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố.
HOÀNG LINH – KHANG NINH thực hiện