Kinh tế
Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
LTS: Từ một thành phố trực thuộc tỉnh với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997; đặc biệt, 15 năm sau khi Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đà Nẵng đã có những thành quả nổi bật và đáng tự hào trên lĩnh vực kinh tế.
Bài 1: Xây dựng đô thị hiện đại và có bản sắc
Theo đánh giá của các ngành chức năng, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh, bền vững với không gian hiện đại, văn minh. Để có được kết quả này là cả một quá trình tạo dựng từ công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị đến quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng sự đồng hành ủng hộ của người dân.
Đô thị Đà Nẵng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: THÀNH LÂN |
Trong 15 năm qua, hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ với hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng…, giúp diện mạo Đà Nẵng ngày càng khang trang cùng năm tháng.
Trước đây, không gian đô thị Đà Nẵng chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Theo đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đà Nẵng đã đạt chỉ tiêu quy mô phát triển đô thị theo quy hoạch chung đến năm 2030 với diện tích đất ở đô thị 20.010ha, trong đó, đất dân dụng chiếm 8.659ha.
Báo cáo giám sát theo chuyên đề quy hoạch của Ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, các khu vực chức năng phát triển đúng hướng, ranh giới đô thị mở rộng gần 4 lần, từ một đô thị với diện tích khu vực nội thành khoảng 5.600ha, đến nay ranh giới nội thành đô thị đã mở rộng đến hơn 21.000ha.
Kết quả chỉnh trang đô thị từ năm 1997 đến tháng 7-2017 đã thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.300 dự án, tổng diện tích hơn 17.000ha; 120.000 hộ dân trên tổng số 200.000 hộ được di dời, giải tỏa để tạo nên những khu dân cư mới; hơn 110.000 hộ dân được bố trí tái định cư…
Theo TS.KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” là cách thức tạo nguồn vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, góp phần mở rộng quy mô đô thị cả về số lượng và chất lượng.
Nhiều khu dân cư, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu du lịch, kết cấu hạ tầng đô thị… đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng, tạo tiền đề cho Đà Nẵng phát triển về không gian đô thị, là “đòn bẩy” đưa thành phố lên tầm cao mới.
Nhiều tuyến đường được xây dựng, mở rộng, nâng cấp, tạo diện mạo mới cho đô thị Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Có lẽ, không khó để nhận thấy, toàn bộ dải bờ biển đã được mở thông để trở thành chuỗi du lịch có giá trị như ngày nay. Các khu vực có cảnh quan đẹp như: Hải Vân, Sơn Trà, Non Nước - Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - núi Chúa, Đồng Xanh... đều được quy hoạch thành những khu trọng điểm du lịch.
Đà Nẵng đã làm được những việc mà nhiều năm trước đó ít ai dám nghĩ: giải tỏa hàng vạn ngôi nhà để mở hàng chục tuyến đường huyết mạch như: đường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…
Trên dòng sông Hàn, sông Cẩm Lệ hiện hữu 9 chiếc cầu hiện đại, độc đáo, mở ra cánh cửa cho một vùng đất mới được khai phá - vùng đất bên kia sông. Nếu như 20 năm trước, Đà Nẵng chỉ có khoảng 100 con đường thì đến nay đã có gần 2.000 con đường.
Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của thành phố, biến nhiều vùng đất cát, hoang hóa, khô cằn trước đây thành những khu đô thị, khu du lịch, công trình văn hóa…
Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng, hoàn thành nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan đô thị như: cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tiên Sơn, nút giao thông ngã ba Huế, đường vành đai phía nam, Trung tâm Hành chính thành phố, nhà ga sân bay quốc tế, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Tiên Sa...
Nếu như năm 1997, thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 412km đường bộ; thì đến nay, chiều dài mạng lưới đường bộ toàn thành phố trên 1.200km; có 41 cầu từ 25m trở lên với tổng chiều dài 10,8km. Cùng với đó, mạng lưới các tuyến vận tải thành phố Đà Nẵng liên tục phát triển không ngừng, tuyến vận tải hành khách cố định có trên 100 tuyến liên tỉnh và gần 10 tuyến đi quốc tế…
Nhìn tổng thể bước chuyển mình mạnh mẽ của Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khẳng định, thành quả lớn nhất của Đà Nẵng là đi đầu cả nước về quy hoạch đô thị. PGS, TS. Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) chia sẻ:
“Bản thân tôi là kiến trúc sư, cũng là người trực tiếp tham gia nghiên cứu quy hoạch cho đô thị Đà Nẵng từ những năm đầu và luôn chứng kiến từ bước đổi thay của thành phố. Đà Nẵng thực hiện quy hoạch nối tiếp quy hoạch, dự án nối tiếp dự án, các không gian đô thị ngày càng có những màu sắc mới, với những cây cầu hiện đại, hình dáng đẹp… Thành phố ngày càng vươn cao hơn với những công trình kiến trúc cao tầng hiện đại, dài rộng hơn với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ”.
TRIỆU TÙNG – THÀNH LÂN