Kinh tế

15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Đà Nẵng-thành phố động lực của sự phát triển - Bài 3: Du lịch tạo lập vị thế ngành kinh tế mũi nhọn

07:58, 11/08/2018 (GMT+7)

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), ngành du lịch đã có sự tăng tốc và bứt phá ấn tượng, định vị được thương hiệu “du lịch Đà Nẵng” khi trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong nước và châu Á, đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngày càng bền vững của thành phố.

Với sự đầu tư đúng hướng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế.Ảnh: KHÁNH HÒA
Với sự đầu tư đúng hướng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Trên tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-TW, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, ban hành nhiều chương trình hành động, xây dựng các đề án có tầm nhìn dài hạn nhằm triển khai cụ thể hóa từng chính sách, cơ chế ưu đãi.

Đó là Đề án tái cơ cấu kinh tế, Đề án phát triển dịch vụ đến năm 2020, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch chất lượng cao, thành phố sự kiện của khu vực và cả nước…

Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, từ việc định hướng đó, ngành du lịch được đầu tư phát triển mạnh với việc vừa phát huy nội lực, lợi thế từ thiên nhiên và hạ tầng ngày càng hoàn thiện của thành phố đến chính sách thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào ngành “công nghiệp không khói” này. Đặc biệt, sự đồng thuận của người dân Đà Nẵng đã tạo nên một thương hiệu về sự thân thiện, mến khách, điểm đến an toàn…

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về lượng khách du lịch của thành phố trong 15 năm qua (2003-2018) là 19,5%, trong đó khách quốc tế 20%, khách nội địa 19,3%. Số lượng khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng tăng cao mỗi năm, đơn cử năm 2004 thành phố đón 649.106 lượt khách, đến năm 2018 dự kiến đón 7,47 triệu lượt khách (tăng 11,5 lần). Trong đó, khách nội địa: 4,77 triệu lượt; khách nước ngoài: 2,7 triệu lượt

Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng thu du lịch trong 15 năm qua là 25,5% (năm 2004 tổng thu du lịch là 814 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 là 22.500 tỷ đồng, tăng 27,6 lần). Ngành du lịch đã giúp “thay da đổi thịt” diện mạo thành phố cũng như đời sống của người dân, nhất là ở các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu…

Ông Phan Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trước năm 2003, phường Khuê Mỹ là “vùng trồng hoa”, tổng thu ngân sách thời điểm đó chỉ tầm 300 - 400 triệu đồng/năm, kinh tế manh mún, nhỏ lẻ.

Đến nay, có trên 70% hộ dân đã thực hiện di dời giải tỏa để phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố; tổng thu ngân sách trên địa bàn (dự toán năm 2018) là 16 tỷ đồng, trong đó ngành dịch vụ - du lịch chiếm hơn 80%; hơn 70% dân số sống nhờ vào ngành du lịch, dịch vụ. Có thể nói, du lịch chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Điểm đến hấp dẫn, sản phẩm phong phú

Với ngành du lịch, thương hiệu Đà Nẵng ngày càng được khẳng định là điểm đến an toàn, thân thiện, với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, giải trí phong phú, đặc sắc.

Đến nay, toàn thành phố đã hình thành hệ thống các khu vui chơi giải trí lớn, tiệm cận với các công nghệ tân tiến nhất trên thế giới như: Khu vui chơi giải trí đặc biệt dành cho người nước ngoài Crown Plaza, sân golf Hòa Hải, Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Khu vui chơi giải trí Cocobay, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu phức hợp vui chơi giải trí trong nhà Helio Center…

Kéo theo đó là dịch vụ giải trí, ẩm thực về đêm phục vụ khách du lịch tại các điểm như: siêu thị Big C, Co.op Mart, Lotte Mart, Mega Market, VinCom...

Nhiều tour tuyến, sản phẩm du lịch mới ra đời như: Tour liên kết của Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, các tour “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”; city tour “Khám phá phố biển Đà Nẵng”, tour lặn biển ngắm san hô, câu cá, khám phá Sơn Trà, xích lô du lịch, tour đường thủy nội địa…

Không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách, Đà Nẵng còn khẳng định vị trí thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế khi tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, lễ hội mang tầm quốc tế như: Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc thi Marathon, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á, Đại hội Du lịch Golf Châu Á; Lễ hội Cocofest 2016; Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper; Cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam...

Qua đó, thương hiệu điểm đến du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định với các danh hiệu được bình chọn như: Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á (từ năm 2013 đến 2016); Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới năm 2015; Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016…

Với kinh nghiệm gần 20 năm tham gia hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch biển Vinacapital, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng nhìn nhận, trong thời gian qua, du lịch đã trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Từ chỗ manh mún với một vài thương hiệu, khu nghỉ mát nằm rải rác ven biển, giờ đây, Đà Nẵng đã hội tụ nhiều thương hiệu khách sạn, nhà hàng lớn và đang vươn tầm thế giới. Không chỉ thành phố mà ngay những nhà đầu tư như chúng tôi cũng được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch”, ông Phúc bày tỏ.

Một trong những thành công lớn của ngành du lịch thành phố thời gian qua, đó là thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư hạ tầng du lịch, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát huy được lợi thế của một thành phố “đầu biển, cuối sông”.

Đến nay, có 85 dự án du lịch đã và đang triển khai đầu tư, vốn đầu tư 7,2 tỷ USD, trong đó, 22 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 1,175 tỷ USD với nhiều dự án ven biển đẳng cấp quốc tế, các khách sạn lớn, nâng quy mô phòng lên 29.735 phòng, 712 khách sạn, trong đó có 20 khách sạn 5 sao với 5.466 phòng, 44 khách sạn 4 sao với 6.549 phòng, công suất sử dụng đạt 60-65%/năm; 11 bãi tắm công cộng được đầu tư với tổng vốn 82,2 tỷ đồng.

Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng: InterContinental, Novotel, Hyatt, Pullman, IHG… Bên cạnh đó, hoạt động lữ hành trong 15 năm qua đã có nhiều chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Năm 2004, có 67 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, thì đến nay có 320 đơn vị kinh doanh lữ hành (tăng gần 4,8 lần).

Với sự đầu tư đúng hướng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế.
Với sự đầu tư đúng hướng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW, du lịch Đà Nẵng đã có bước tăng tốc để phát triển ấn tượng, khẳng định được vị thế cũng như thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc gia và thế giới. Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được cũng chính là thách thức để ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục tìm hướng đi mới sáng tạo và đột phá nhằm vươn lên một tầm cao mới.

Ông Ngô Quang Vinh cho biết, trong thời gian đến, ngành du lịch tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố cũng như của Trung ương; trong đó, chú trọng hình thành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng các sản phẩm mới chất lượng cao, nhất là giải trí, mua sắm, du lịch sinh thái, đầu tư phát triển hạ tầng...

 Cụ thể, Đà Nẵng xác định 4 trọng tâm đầu tư du lịch chính là: xây dựng Sơn Trà thành khu du lịch sinh thái cao cấp; gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học; vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; khu trung tâm thành phố (downtown), phố mua sắm và nhà hàng truyền thống và các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng.

Thành phố tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính: du lịch biển với các mô hình nghỉ dưỡng đa dạng; du lịch MICE thúc đẩy bởi việc tổ chức sự kiện quốc tế và môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao và du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng.

“Du lịch phát triển đã góp phần tương hỗ cho các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh, nhất là thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục-đào tạo, y tế...; qua đó, Đà Nẵng từng bước tạo lập vai trò trung tâm về dịch vụ của khu vực và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 33 -NQ/TW của Bộ Chính trị đề cập”, ông Ngô Quang Vinh nói.

Hiện Đà Nẵng có 31 đường bay quốc tế trực tiếp đến thành phố, tăng 3,9 lần so với năm 2012, trong đó, 14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 17 đường bay trực tiếp thuê chuyến với tần suất 269 chuyến/tuần, đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Campuchia...

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

.