Tăng cường chất lượng cho du lịch

.

Sau một thời gian dài phát triển và định hình được thương hiệu, đã đến lúc ngành du lịch Đà Nẵng cần chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng, tạo bước đột phá và bền vững. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến đề xuất, hiến kế từ các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý để bước chuyển hướng này mang lại sự “lột xác” cho du lịch Đà Nẵng.

Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm.  											                      Ảnh: HOÀNG LINH
Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: HOÀNG LINH

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng:

Doanh nghiệp cần đồng hành để nâng cấp chất lượng, đầu tư sản phẩm

Ngành du lịch Đà Nẵng nhận thức rất rõ việc phải chuyển hướng phát triển, tập trung tăng cường chất lượng, chống thất thu thuế đi cùng với đổi mới hình thức xúc tiến thị trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đầu tư cho sản phẩm mới.

Sở Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp để làm tốt điều này như: đề xuất UBND thành phố xem xét, kiến nghị Chính phủ, Trung ương ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam); lập đại diện du lịch tại một số thị trường mới như châu Âu, Úc, Nhật Bản...; nghiên cứu để mở lại Hội chợ du lịch quốc tế vì đây là con đường nhanh nhất, thiết thực nhất để quảng bá, kết nối và xúc tiến mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, ngoài sự cố gắng của các cơ quan chức năng, còn cần sự chung tay của doanh nghiệp.

Cơ quan Nhà nước chỉ quản lý và hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách cũng như tạo môi trường, điều kiện còn doanh nghiệp phải chủ động trong xúc tiến thị trường, xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, không tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài làm ăn phi pháp, trốn thuế… Các hội, hiệp hội du lịch phải thuê người chuyên trách để làm nhằm phát huy hơn nữa trong xu thế ngành du lịch phải cắt giảm biên chế, lực lượng con người.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng:

Mở rộng và chọn lọc thị trường du khách

Theo báo cáo của Sở Du lịch, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã tăng lên hơn 1,6 triệu khách, là con số rất ấn tượng, khẳng định Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong khu vực châu Á và cả thế giới. Tuy nhiên, số lượng tăng nhưng chất lượng nguồn khách (thể hiện qua mức chi tiêu và số ngày lưu lại Đà Nẵng) còn thấp.

Như vậy, việc chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng trong ngành du lịch của Đà Nẵng chưa thực sự rõ nét, dẫn đến tình trạng khách đông nhưng thu nhập của người dân hưởng lợi từ ngành du lịch còn thấp, hiệu quả đóng góp vào ngân sách địa phương chưa tương xứng với nguồn lực đã đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng đang mất cân đối nghiêm trọng, chủ yếu từ 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế). Đây là dấu hiệu không tốt, cho thấy sự phụ thuộc của cả ngành du lịch vào một vài thị trường khách nhất định.

Theo tôi, đã đến lúc ngành du lịch Đà Nẵng nên mạnh dạn chuyển đổi để bước vào một giai đoạn mới, lựa chọn chất lượng thay vì chạy theo số lượng như thời gian qua, nhất là tránh rơi vào bẫy thu nhập thấp của du lịch Đà Nẵng.

Thành phố, các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch nên có sự lựa chọn thị trường khách tốt hơn, khai thác những thị trường mới như châu Âu, Đông Bắc Á, Nhật Bản, Úc, Mỹ... Nên có cơ chế về casino để góp phần làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt, chất lượng du lịch Đà Nẵng.

Đồng thời, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, cần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Thời gian qua, chúng ta làm chưa tốt điều này khi hằng ngày một lượng nước thải lớn vẫn xả thẳng ra biển gây ảnh hưởng đến chất lượng nước biển.

Đà Nẵng hấp dẫn du khách một phần vì có bãi biển sạch - đẹp, nếu để mất lợi thế này, du lịch sẽ gặp khó. Trong nội thành, dòng sông Hàn đang bị các công trình xây dựng trái quy hoạch che chắn tầm nhìn, làm thay đổi dòng chảy và mất đi vẻ đẹp thơ mộng vốn có.

Bán đảo Sơn Trà đang bị xâm phạm về săn bắt thú, chim, xả rác nhưng chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong quản lý việc này.

Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. 	          Ảnh: HOÀNG LINH
Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG LINH

Tôi cho rằng, quản lý Nhà nước về du lịch đang đi sau tốc độ phát triển của thị trường, chưa kịp thời phát hiện và xử lý những phát sinh trong xu thế mới.

Phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Không chỉ ưu ái các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà phải quan tâm đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Phải tạo sự công bằng đối với các thành phần kinh tế.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vitour:

Kiểm soát thông tin về điểm đến

Thời gian qua, hình ảnh du lịch của Đà Nẵng bị ảnh hưởng không nhỏ từ các thông tin tiêu cực về việc du khách bị mất cắp, hướng dẫn viên bị đánh, nhà hàng “chặt chém” giá cả… Thành phố phải kiểm soát được điều này, bắt đầu từ việc chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ.

Hiện nay, xu hướng sử dụng dịch vụ của khách du lịch thay đổi rất lớn, chủ yếu sử dụng các ứng dụng của cuộc cách mạng 4.0 và giao dịch thông qua các mạng trực tuyến là chính, trong khi đó, tôi nhận thấy sự thay đổi của thành phố chưa bắt kịp với thị trường và xu thế chung.

Đơn cử, thành phố đã triển khai và ứng dụng một số công cụ trực tuyến vào quảng bá, giới thiệu về điểm đến, giải đáp các vướng mắc của du khách tuy nhiên, mức độ quảng bá hiện nay vẫn chưa đủ, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thiết bị, hình thức thực hiện tân tiến hơn nữa.  

Bên cạnh đó, việc xác định thị trường xúc tiến du lịch mở rộng ra các nước châu Âu, Nhật Bản, Đông Bắc Á, Úc… là chính xác; tuy nhiên, hình thức xúc tiến du lịch thời gian qua còn nghèo nàn, chưa cụ thể và chi tiết; chỉ giới hạn trong một bộ phận doanh nghiệp thường xuyên tham gia, chưa tạo được sự lan tỏa rộng.

Chính vì vậy, bên cạnh các đoàn farmship thì thành phố nên tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế, vì đây là con đường xúc tiến nhanh nhất, rộng mở nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố.

Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel, Phó Chủ tịch Hội lữ hành thành phố:

Gấp rút hình thành khu phố đi bộ

Đây là nhu cầu rất bức thiết mà thành phố chưa làm được, trong khi các quốc gia, thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, châu Á như Thái Lan, Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), Hàn Quốc… đều có những khu phố đêm, phố đi bộ hoành tráng.

Đây là nơi để du khách mua sắm và tiêu tiền cũng như tìm hiểu về văn hóa của địa phương. Thành phố Huế đã hình thành được phố đi bộ dọc bờ sông Hương và đang trở thành điểm đến thu hút đông du khách. Không có phố đi bộ, phố đêm hay điểm giải trí, mua sắm về đêm chuyên nghiệp thì du lịch Đà Nẵng khó mà bật lên được.

Chúng ta có nhiều khu vực để hình thành nên phố đi bộ ở vùng lõi của trung tâm thành phố như vệt từ Nhà hát Trưng Vương đến chợ Hàn và vệt từ khu vui chơi giải trí Helio đến các nhánh đường xung quanh. Thành phố cần nhanh chóng quy hoạch và kêu gọi đầu tư để tạo điểm đến hấp dẫn và nâng tính chuyên nghiệp.  

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.