Với mục tiêu tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) luôn theo sát hoạt động của các hợp tác xã (HTX) đóng trên địa bàn, từ đó có sự hỗ trợ, “tiếp sức” kịp thời để người nông dân yên tâm sản xuất.
Tổ hợp làm chổi đót ở phường Hòa Hiệp Nam hoạt động khá hiệu quả. |
Hơn 7 năm nay, ông Nguyễn Pháp (tổ 29, phường Hòa Hiệp Nam) tận dụng gần 10.000m2 mặt nước trong dự án xây dựng cạnh trụ sở UBND phường để nuôi tôm thẻ chân trắng, cua nước lợ, mỗi năm cho thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng.
Thấy ông Pháp ăn nên làm ra, nhiều hộ nông dân bắt đầu tìm hiểu mô hình, kỹ thuật, đầu tư nuôi tôm sú, cua bể trên các phần đất dự án chưa được xây dựng.
Làm chung trên bãi đất hoang hóa, người dân càng ý thức phải bảo vệ môi trường sống của tôm, cua. Ông Nguyễn Pháp cho hay:
“Chúng tôi cùng lên lịch cụ thể cho những lần đắp bờ, nạo vét ao hồ, thời điểm “vỗ béo” tôm, cua trước mỗi vụ thu hoạch. Đồng thời, để hỗ trợ sản xuất cũng như có thêm cơ sở pháp lý vay vốn ngân hàng, tôi và 13 hộ khác cùng thành lập Tổ hợp tác nghề nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho 24 lao động, hằng năm thu về hơn 400 triệu đồng lãi ròng”.
Trong khi đó, ông Mai Hồng Quân, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Hiệp Nam cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, các mô hình kinh tế HTX đóng vai trò quan trọng trong định hướng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều năm qua, ông Quân còn tích cực hỗ trợ khoa học-kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân nuôi cá nước ngọt thương phẩm tại khu vực Bàu Tràm.
Đến nay, HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Hiệp Nam có hơn 25 hộ xã viên tham gia góp vốn làm ăn; mỗi năm xuất hơn 100 tấn cá chép, điêu hồng, rô phi, trắm cỏ cho các chợ trên địa bàn thành phố.
“Những năm gần đây, đất nông nghiệp tại phường Hòa Hiệp Nam tiếp tục bị thu hồi, chưa kể vấn nạn ô nhiễm môi trường ở một số khu vực tiếp giáp với Khu công nghiệp Hòa Khánh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, nhờ sức mạnh tập thể, chúng tôi đã thuyết phục các chủ đầu tư cho mượn đất chưa sử dụng để nuôi cá thương phẩm, ổn định cuộc sống”, ông Quân nói.
Được biết, trong quá trình phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam rất chú trọng vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, có việc làm và thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Tấn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam cho biết, chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 2012-2017), UBND phường Hòa Hiệp Nam đã thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Hiệp Nam, HTX sản xuất, chế biến nước mắm Đông Hải và 2 tổ hợp tác làm chổi đót, nuôi cua nước lợ.
Ngoài ra, ở các chi hội, nông dân thường xuyên hỗ trợ nhau sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện có 390 hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ở phường Hòa Hiệp Nam ngày càng phát triển.
Với phương châm “chung sức cùng thành công”, mô hình HTX mới theo Luật HTX năm 2012 phát triển về số lượng và hiệu quả hoạt động, kết hợp nhiều hình thức kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đơn cử, để xây dựng Tổ hợp tác làm chổi đót, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ máy chà chổi đót cho 3 hộ dân với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Năm (tổ 33, phường Hòa Hiệp Nam) - một trong 3 hộ dân nhận hỗ trợ đợt này khẳng định, từ khi có máy chà chổi đót, năng suất và chất lượng chổi tại cơ sở tăng đáng kể, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động lớn tuổi tại địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng.
Có thể nói, từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, nông dân ở phường Hòa Hiệp Nam đang dần liên kết lại để đạt được những hiệu quả sản xuất, kinh doanh tích cực. Dù vậy, trong tình hình quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp như hiện nay, hoạt động HTX vẫn gặp không ít khó khăn, khiến mỗi thành viên chưa thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ