"Biệt đội" dọn vệ sinh

.

Đồng cảm với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bà Đỗ Thị Một, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KDC Nại Hưng 2A (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nảy ra sáng kiến lập đội dịch vụ vệ sinh “Sạch và Gọn”, tạo sinh kế bền vững cho chị em trên địa bàn. Thấy được tính thiết thực của sáng kiến này, tổ chức Tầm nhìn Thế giới quyết định tài trợ kinh phí, tổ chức huấn luyện hoạt động ban đầu cho đội; từ đó góp phần vào thực hiện an sinh xã hội tại địa phương.

Công việc vất vả, song đối với các thành viên của biệt đội dịch vụ vệ sinh “Sạch và Gọn”, đó là niềm vui.
Công việc vất vả, song đối với các thành viên của biệt đội dịch vụ vệ sinh “Sạch và Gọn”, đó là niềm vui.

“Sạch và Gọn”

Đó là tên gọi và cũng là tiêu chí hoạt động của đội dịch vụ vệ sinh đặc biệt tại phường Nại Hiên Đông này. Đội được tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ hoạt động từ cuối năm 2017, song phải đến tháng 2-2018 này mới chính thức hoạt động. Lúc đầu đội có 12 thành viên, nay là 15 thành viên và vẫn tiếp tục kết nạp thành viên mới đối với những trường hợp chị em khó khăn thực sự.

Để mục sở thị hoạt động của đội, chúng tôi có mặt tại một công trình nhà mới hoàn thành trên đường Chu Huy Mân, quận Sơn Trà buổi sáng đầu tháng 8 vừa qua, do đội nhận dọn vệ sinh. Bà Đỗ Thị Một, người sáng lập, cũng là đội trưởng hồ hởi khoe, ngôi nhà mới 4 tầng này là “công trình” lớn nhất nhóm nhận được từ khi đi vào hoạt động đến nay, trị giá hợp đồng lên đến 6 triệu đồng, phải huy động lực lượng của nửa đội đi làm mới kịp.

Sau khi được đội trưởng Một phân chia công việc cụ thể, các thành viên nhanh chóng tản đi các phòng, tầng lầu ngóc ngách để dọn vệ sinh. Tầng cao nhất được đội ưu tiên làm trước, ở đây, người leo thang cạo vôi vữa còn bám chặt trên các ô cửa kính, người dọn khu vệ sinh, sân phơi, người dọn phòng, người quét và dọn rác vương vãi trên sàn nhà. Vì nhà mới vừa xây dựng xong, có nhiều bụi và rác nên các chị hì hụi làm việc liên tục. Mặt, quần áo người nào cũng lấm lem. Tiếng là giờ nghỉ trưa nhưng các chị chỉ tranh thủ lót dạ với hộp cơm mua vội rồi tiếp tục công việc. “Công trình này đội đã thống nhất với gia chủ là hoàn thành trong hai ngày, theo tính toán phải làm cật lực mới xong. Không chỉ sạch và gọn, để hoạt động lâu dài, không gì ngoài chữ tín phải bảo đảm”, bà Một nói. Cũng theo bà Một, dù đội bắt đầu làm hoạt động chưa lâu, song, như nhiều ngành nghề dịch vụ khác, dọn vệ sinh cũng là việc “làm dâu trăm họ”. “Được cái chị em không nản, vì ngay từ đầu, các quy tắc hoạt động của đội, trong đó có việc phải đạt điểm hài lòng tối đa với mọi đối tượng người thuê dịch vụ. Ai cảm giác chưa sạch, chưa gọn, đội sẵn sàng làm lại đến khi họ nở nụ cười mãn nguyện mới thôi”.

Không chỉ là sinh kế

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Đỗ Thị Hồng (42 tuổi, trú tổ 88, chung cư 3B, phường Nại Hiên Đông) một người mẹ đơn thân nghèo khó, một trong những thành viên đầu tiên của đội, quệt mồ hôi bộc bạch: trước khi vào đội dịch vụ vệ sinh này, chị làm thuê mướn khắp nơi, “ai kêu chi làm đó”, vất vả lắm mà thu nhập bấp bênh. Mấy tháng nay có thêm khoản thu nhập từ việc dọn vệ sinh cùng đội, những bữa cơm của mẹ con chị bớt âu lo phần nào.

Cùng là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thành viên khác của đội, chị Lê Thị Mai (46 tuổi, cùng trú khu chung cư 3B, phường Nại Hiên Đông) cũng một mình vật lộn nuôi chồng (vừa bị tại nạn cách đây mấy tháng, nằm nhà, không đi làm lưới được) cùng 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Sau khi những đứa trẻ chị Mai nhận chăm giúp người trong xóm lớn lên, không ai cần gửi chị nữa, chị Mai lâm vào cảnh thất nghiệp, may mà gặp được bà Một, được đi làm cùng đội mấy tháng nay.

Theo chia sẻ của các thành viên trong đội dịch vụ vệ sinh “Sạch và Gọn”, do đội mới thành lập chưa lâu, chưa có nhiều khách hàng nên công việc họ nhận được cũng chưa được đều đặn. Thu nhập tháng cao nhất của các thành viên cũng chỉ chừng non 2 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, niềm vui của các chị không chỉ là một việc làm, thêm một nguồn thu nhập khá ổn định mà họ có cơ hội được làm việc, sinh hoạt, chia sẻ trong một đội, nhóm bài bản, thay vì ở nhà chăm con, đợi chồng đi biển biền biệt, hay đi làm thuê rày đây mai đó, thui thủi một mình...

Đội trưởng Đỗ Thị Một kể, mỗi lần chị đến nhà gọi các thành viên khi có “công trình”, các chị vui lắm. Niềm vui của các chị còn “lây” sang mấy ông chồng, có ông thật thà chia sẻ rằng thấy vợ cầm 300-400.000 nghìn đồng về đôi khi mấy ông còn thấy vui hơn cầm 3 - 4 triệu đồng sau những chuyến đi biển.

Mới thấy, đôi khi niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống này bắt đầu từ những điều thật đơn giản. Cũng như nguồn sinh lực của biệt đội vệ sinh “Sạch và Gọn” mang lại cho các thành viên, cho cộng đồng. Có điều, có những thứ rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Đó là cả tấm lòng, sự đau đáu của những người tâm huyết như bà Một!

Người vác tù và... của phụ nữ và trẻ em

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề chài lưới ven sông, sinh kế lâu năm với nghề, bà Đỗ Thị Một thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, bấp bênh của những người lấy sông nước làm bạn.

Vì vậy, từ khi bắt đầu với công tác cộng đồng của Chi hội Phụ nữ tại khu dân cư, cộng tác viên tổ chức Tầm nhìn Thế giới, bà Một luôn đau đáu nghĩ cách thay đổi sinh kế cho những phụ nữ trực tiếp hoặc có chồng làm nghề biển, còn nhiều khó khăn trên địa bàn.

Trước khi sáng kiến thành lập đội dịch vụ dọn vệ sinh “Sạch và Gọn” này, bà Một từng đứng ra kêu gọi chị em tập hợp các đội dịch vụ nấu ăn tiệc đám (2015), đội làm ngư lưới cụ kiếm thêm thu nhập tại nhà (2016)...

Ngoài vai trò Chi hội trưởng chi hội khu dân cư Nại Hưng 2A, bà Một còn làm cộng tác viên công tác dân số, bảo vệ trẻ em, thành viên đội bảo vệ khu dân cư...

Đối với trẻ em, mỗi khi nghe đâu có hỗ trợ dụng cụ học tập, sách vở, xe đạp đến trường cho trẻ em khó khăn, bà Một luôn là người đầu tiên có mặt để xin bằng được; nghe tin nhà nào có con em nghỉ học vì khó khăn, bà Một hết lặn lội đi xin tài trợ, lại lặn lội đêm hôm đến nhà vận động con em trở lại đi học...

Để yên tâm các hợp đồng của đội diễn ra suôn sẻ, bà Một luôn trực tiếp dọn vệ sinh cùng các thành viên trong nhóm. Có thành viên không đi được xe máy, bà Một sẵn sàng đến nhà đưa đón các thành viên đi làm tới nơi, về tới chốn.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.