Thời gian gần đây, Đà Nẵng có nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, trong đó phải kể đến việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) của cơ quan chức năng quản lý các đầu xe buýt.
Nhân viên bán vé cho khách đi xe buýt. |
Tính đến nay, hệ thống xe buýt của thành phố bao gồm 14 tuyến, trong đó có 6 tuyến buýt liền kề, 5 tuyến buýt trợ giá, 1 tuyến buýt TMF và 2 tuyến buýt du lịch hoạt động tốt, góp phần xây dựng hệ thống vận tải hành khách chất lượng cao cho người dân.
Theo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac), thời điểm này, 100% đầu xe buýt trên địa bàn Đà Nẵng đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bảo đảm kỹ thuật. Đây là công việc được ngành giao thông thành phố giao cho Datramac thực hiện theo chủ trương của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Datramac cho biết, hiện 114 xe buýt không trợ giá và 54 xe buýt trợ giá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Việc hoàn thành lắp đặt GPS giúp đơn vị giám sát được toàn bộ các hoạt động của xe buýt, trong đó có các hành vi vi phạm của lái xe như: chạy ẩu, vượt đèn đỏ, bỏ bến, dừng đón khách không đúng quy định, không đóng mở cửa tại điểm dừng... để từ đó có hình thức xử lý vi phạm. Thực tế, hiệu quả của việc lắp đặt GPS là đã giảm thiểu được sai phạm của lái xe cũng như các vụ tai nạn, va chạm giao thông...
Anh Nguyễn Tấn Phong, tài xế tuyến xe buýt 05 thừa nhận, việc lắp đặt GPS không chỉ nhắc nhở lái xe phải cẩn thận hơn khi làm việc mà nếu không may xảy ra rủi ro tai nạn trong quá trình lưu thông thì đây sẽ là căn cứ đặc biệt quan trọng để cơ quan chức năng, chủ xe và các công ty bảo hiểm xác định và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.
Đồng quan điểm đó, lái xe Lê Bình bày tỏ: “Sự cố xảy ra trên đường là điều không một ai mong muốn, nhưng trong trường hợp bất khả kháng, thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp tài xế và các đơn vị liên quan tìm ra nguyên nhân của tai nạn, có hướng xử lý và rút kinh nghiệm kịp thời.
Bởi vì, thiết bị giám sát hành trình luôn ghi lại thông tin về thời gian làm việc của lái xe, về số lần và thời gian dừng, đỗ xe, các thông tin về thời gian, tốc độ, quãng đường chạy, tọa độ của xe từng phút một trong suốt hành trình chạy của xe, số lần thời gian đóng, mở cửa xe, thời gian làm việc của lái xe...”.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ luôn là ưu tiên số một trong quá trình hoạt động của Datramac. Việc lắp đặt GPS được triển khai từ năm 2013 và đến nay đã hoàn thành.
Ông Hồ Trường Vinh, phụ trách Phòng Điều độ và Giám sát dịch vụ của Datramac cho biết: “Từ khi các xe buýt được lắp công nghệ GPS, số vụ vi phạm nội quy của lái xe như: chạy ẩu, phóng nhanh, lấn làn, vượt đèn đỏ, bỏ bến… giảm rõ rệt. Nếu lái xe trên các tuyến buýt có hành vi vi phạm, lập tức thông tin được báo về trung tâm, kíp trực có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển cho lực lượng giám sát kiểm tra, xử lý”.
Theo đánh giá của nhiều hành khách, hoạt động của xe buýt gần đây đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Bà Lê Thị Trình, một hành khách đi xe nhận xét: “Ban đầu tôi rất ngạc nghiên, khi không hiểu vì sao cứ tới điểm dừng, mặc dù không có khách lên xuống, nhưng tài xế vẫn tấp xe vào rồi mở cửa. Sau đó, hỏi ra mới biết là do quy định và có GPS theo dõi nên tài xế phải thực hiện, dù chậm hơn một tí, nhưng có vẻ an toàn, văn minh hơn…”.
Về phương án phát triển công nghệ GPS, lãnh đạo Datramac cho hay, ngoài những ứng dụng đã triển khai, Datramac đang hoàn thiện các tích hợp giữa hệ thống GPS với hệ thống vé xe buýt thông minh, bảng điện tử, sơ đồ website hỗ trợ thông tin; cùng với đó là hệ thống camera quan sát trên xe nhằm giám sát thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, phụ xe.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Lê Văn Trung khẳng định, việc gắn GPS cho các đầu xe buýt góp phần xây dựng hệ thống vận tải hành khách chất lượng cao cho người dân, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
Trước tháng 12-2016, hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố chỉ gồm 6 tuyến buýt hoạt động theo hình thức xã hội hóa, bao gồm: tuyến 01 (Đà Nẵng - Hội An), tuyến 02 (Kim Liên - Chợ Hàn), tuyến 03 (Đà Nẵng - Ái Nghĩa), tuyến 04 (Đà Nẵng - Tam Kỳ), tuyến 06 (Đà Nẵng - Phú Đa) và tuyến 09 (Thọ Quang - Quế Sơn). Đến nay, số lượng tuyến tăng từ 6 lên 14 cùng với 2 bến xe buýt được xây dựng tại Xuân Diệu và Phạm Hùng, 150 nhà chờ mới được lắp đặt trên toàn thành phố. Các tuyến buýt đã tiếp cận các khu vực đông dân cư dàn trải trên các cung đường chính của thành phố như: Trần Cao Vân, Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Duy Tân, Núi Thành, Cách mạng Tháng Tám... |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN