Hoạt động của hai nhà máy thép Dana-Úc và Dana-Ý: Chờ chủ trương của thành phố

.

Đến thời điểm hiện tại, kết quả quan trắc về môi trường, thanh tra về sử dụng đất và hoạt động của hai nhà máy thép Dana-Úc và Dana-Ý như thế nào, liệu hai đơn vị này có được tiếp tục hoạt động hay không là điều dư luận đang quan tâm.

Trong 6 tháng qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều thời gian thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của 2 nhà máy thép. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong 6 tháng qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều thời gian thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của 2 nhà máy thép. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 27-9 tại khu vực thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên), một số hộ dân đã bắt đầu tiến hành trồng cúc chậu ở sát tường rào Công ty CP Thép Dana-Ý để kịp phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Rút kinh nghiệm từ một số hộ trồng hoa cúc bị thiệt hại vào dịp Tết Mậu Tuất, người dân đã có sự cẩn trọng trong sử dụng đất trồng và nước tưới.

Tình hình vệ sinh môi trường tại khu vực cũng được cải thiện so với trước đây. Bà Ngô Thị Vân (45 tuổi, trú tổ 2, thôn Vân Dương 2) nói: “Trong 6 tháng vừa qua, tro bụi bay ra từ nhà máy ít hơn do khối lượng nguyên liệu nấu ít đi.

Mỗi khi người dân điện thoại báo khói bụi bay ra nhiều thì công ty xử lý kịp thời và làm giảm khói bụi ngay. Nếu so với thời điểm Công ty CP Thép Dana-Ý bắt đầu hoạt động, thì lượng khói bụi bay ra khu dân cư đã giảm rất nhiều do chuyển đổi công nghệ nấu luyện thép”.

Còn bà Phạm Thị Cương (72 tuổi, trú tổ 1, thôn Vân Dương 2) cho hay: “Do ở quá sát Công ty CP Thép Dana-Úc nên khói bụi từ nhà máy ảnh hưởng đến sức khỏe của người già. Các cơ quan chức năng có đến lấy mẫu nước đem đi kiểm tra đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả cho người dân biết”.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo hai công ty thép cho biết, trong 6 tháng qua đã cố gắng giảm thiểu lượng khói bụi phát sinh cũng như giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh của người dân trong quá trình hoạt động. Do công nghệ đã được đầu tư, cải thiện nên khối lượng khói bụi phát thải trong 6 tháng qua rất ít.

Đối với xỉ lò luyện, đây không phải là chất thải rắn nguy hại mà là chất thải rắn thông thường và được sử dụng làm vật liệu xây dựng. Ông Hồ Nghĩa Tín, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý cho biết thêm: “Trong 6 tháng qua, các cơ quan chức năng thành phố thường xuyên đến giám sát hoạt động và các đoàn thanh tra đến kiểm tra, quan trắc...

Qua những lần quan trắc, các chỉ tiêu về môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, công ty không vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Công ty mong muốn các cơ quan chức năng và UBND thành phố sớm công bố kết quả quan trắc môi trường và thanh tra các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty được thực hiện trong thời gian qua và có quyết định cuối cùng để có hướng sản xuất, kinh doanh trong thời gian đến”.

Đặc biệt, lãnh đạo hai công ty thép khẳng định, tại Thông báo số 30/TB-UBND ngày 23-3-2018 của UBND thành phố, không có nội dung nào thể hiện thời hạn hoạt động nấu luyện của hai công ty, mà đây chính là thời gian chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố. Điều này đã được UBND thành phố xác nhận tại Công văn số 5402/UBND-STP ban hành ngày 13-7-2018.

Công ty CP Thép Dana-Úc đang tiến hành xử lý bãi tập kết xỉ lò luyện để tránh gây tác động đến khu dân cư.
Công ty CP Thép Dana-Úc đang tiến hành xử lý bãi tập kết xỉ lò luyện để tránh gây tác động đến khu dân cư.

Theo đó, UBND thành phố giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu phương án dừng hoạt động sản xuất thép của Công ty CP Thép Dana-Ý và Công ty CP Thép Dana-Úc theo quy định của pháp luật.

Việc đặt ra thời hạn thực hiện trong vòng 6 tháng đối với các sở, ngành có liên quan thuộc phạm vi chỉ đạo hành chính và nhằm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

UBND thành phố thống nhất để hai công ty hoạt động sản xuất thép trở lại kể từ ngày 26-3-2018 và không có nội dung nào thể hiện việc giới hạn thời gian hoạt động của hai công ty.

Còn ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, địa phương đang tiến hành vận động người dân chờ đợi chủ trương của UBND thành phố liên quan đến hai nhà máy thép.

Theo thông tin từ Văn phòng HĐND thành phố, trên cơ sở giám sát và thực tế tình hình triển khai chủ trương liên quan đến hai nhà máy thép Dana-Úc và Dana-Ý, Đảng Đoàn HĐND thành phố đã có Báo cáo số 58-CV/ĐĐ ngày 26-9-2018 gửi Thường trực Thành ủy kiến nghị sớm công bố kết quả thanh tra công tác bảo đảm môi trường của hai nhà máy thép (theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường) và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời các đơn vị này phải thực hiện đúng nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu khác trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với những vi phạm (nếu có).

Chờ kết quả quan trắc độc lập về môi trường

Chiều 28-9, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3-2018 do UBND thành phố tổ chức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Nam thông tin, trong 6 tháng qua, sở đã cử cán bộ và chuyên viên giám sát hoạt động của 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc mỗi ngày 2 ca vào ban ngày cũng như ban đêm.

Bên cạnh đó, sở đã tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc độc lập để xác định việc gây ảnh hưởng về môi trường của nhà máy đối với khu vực xung quanh; đồng thời, mời đơn vị Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng (Quatest) 2 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành đánh giá độc lập quá trình giám sát môi trường.

Tổng cục Môi trường và Quatest 2 đã tiến hành quan trắc trong 2 đợt vào đầu tháng 7 và cuối tháng 8-2018 về môi trường không khí, đất, nước ngầm. Dự kiến ngày 2-10 sẽ công bố kết quả quan trắc này để báo cáo UBND thành phố.

Căn cứ theo kết quả quan trắc, UBND thành phố sẽ xem xét, quyết định về hoạt động của 2 nhà máy thép phù hợp với các quy định của pháp luật. Song song đó, UBND thành phố cũng đã giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn điện đối với 2 nhà máy thép. Nếu xác định gây ô nhiễm vượt mức cho phép đối với công đoạn, phân xưởng, bộ phận nào thì dừng hoạt động để khắc phục; không khắc phục được thì phải di dời.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.