Khẩn trương khắc phục tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ

.

Nước ở sông Cầu Đỏ đang bị nhiễm mặn gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại Đà Nẵng. Hiện nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã khẩn trương thực hiện các giải pháp để khắc phục.

Nguồn nước thô tại đập An Trạch đang xuống thấp nên cần nguồn bổ sung từ thủy điện để vận hành khai thác nước thô chuyển về Nhà máy nước Cầu Đỏ.  			Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nguồn nước thô tại đập An Trạch đang xuống thấp nên cần nguồn bổ sung từ thủy điện để vận hành khai thác nước thô chuyển về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kiểm tra vận hành của các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được ban hành kèm theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Quy trình vận hành liên hồ), một số nhà máy thủy điện đã không xả nước theo quy trình và ngừng vận hành.

Cụ thể, từ ngày 1-9  đến nay, mực nước của 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 ở xấp xỉ mực nước chết, theo đó, lượng nước xả về hạ du nhỏ. Đặc biệt, trong 3 ngày (từ ngày 1-9 đến ngày 3-9), Nhà máy Thủy điện A Vương và Sông Bung 4 không phát điện, không xả nước về hạ du.

Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 có xả nước về hạ du sông Vu Gia, nhưng với lưu lượng dòng chảy rất nhỏ, chỉ 3m3/s, dẫn đến tình trạng nước sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn.

Nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt hàng trăm lần mức cho phép sản xuất nước sinh hoạt. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế tại đập tạm ngăn mặn Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện thì đập ở trạng thái đóng kín nên dẫn đến việc nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ tăng thêm. Ông Hòa nhận định, tình hình nhiễm mặn đối với sông Cầu Đỏ là nghiêm trọng và có khả năng kéo dài.

Trong khi đó, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, đơn vị đang “gồng mình” tìm kiếm các nguồn nước thô để bù đắp lượng nước khai thác ở sông Cầu Đỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nắng nóng nên các NMN Sơn Trà (7.000m3/ngày), Hải Vân (3.000m3/ngày) cũng không có nguồn nước thô để hoạt động.

Điều này làm giảm công suất tổng thể cấp nước. Mặt khác, việc vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch cũng rất bấp bênh vì trạm bơm hoạt động được trong điều kiện chiều cao mực nước tại đập An Trạch tối thiểu +2m, nhưng hiện nay mực nước đang xuống thấp nên cần bổ sung nguồn nước từ thủy điện để duy trì hoạt động. Thiếu nguồn nước thô, NMN Cầu Đỏ, Sân bay ngưng hoạt động sẽ dẫn đến có thời điểm xảy ra thiếu nước cục bộ tại một số khu vực trong thành phố.

Để giải quyết tình trạng này, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tham mưu UBND thành phố có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam và các thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương tham gia xử lý, giải quyết tình trạng nước nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ để bảo đảm an toàn cho việc sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân. 

Theo ông Hòa, UBND thành phố Đà Nẵng cần đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chỉ đạo Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 phải tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia qua cống xả đáy từ 3m3/s như hiện nay lên 12m3/s.

Đồng thời, các thủy điện A Vương và Sông Bung 4 phải thường xuyên và tăng cường việc phát điện, xả nước về hạ du nhằm đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ, phục vụ cho việc cung cấp nước cho sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Do quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại, không phù hợp với thực tế nên UBND thành phố cần đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn theo hướng điều phối nguồn nước xả hợp lý trong mùa cạn và mùa lũ nhằm tăng cường đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ và tăng hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du”, ông Hòa nói.

Nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ nhiễm mặn 2.019mg/lít, vượt quá gấp 8 lần so với tiêu chuẩn sử dụng nước của Bộ Y tế là 250mg/lít.
Nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ nhiễm mặn 2.019mg/lít, vượt quá gấp 8 lần so với tiêu chuẩn sử dụng nước của Bộ Y tế là 250mg/lít.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, UBND thành phố cũng đang phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam lập kế hoạch, phương án tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất chỉ đạo các hồ thủy điện điều tiết xả nước cho khu vực hạ du sông Vu Gia.

Hai địa phương cũng chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để hình thành giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm tăng lượng nước về hạ du sông Vu Gia, khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam tháo dỡ một phần đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện để tăng cường đẩy mặn cho thành phố Đà Nẵng do hiện nay đã dừng hoạt động cấp nước cho sản xuất
nông nghiệp.

Ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt

Điều 54 của Luật Tài nguyên nước ban hành năm 2017 quy định: “Trong trường hợp thiếu nước, việc điều hòa, phân phối phải ưu tiên cho mục đích sinh hoạt; các mục đích sử dụng khác phải được điều hòa, phân phối theo quy định trong quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và bảo đảm nguyên tắc công bằng hợp lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông liên tỉnh. UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong phạm vi địa phương” .

Điều 11 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 nêu: “Khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đắk Mi 4 phải xả nước liên tục về hạ lưu sông Vu Gia không nhỏ hơn 3m3/s, trường hợp có yêu cầu xả lớn hơn của UBND thành phố Đà Nẵng thì hồ Đắk Mi 4 phải xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo yêu cầu nhưng không vượt quá 12,5m3/s”.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.
.