Vốn, tài chính được xem là yếu tố “sống còn” của các dự án khởi nghiệp. Dù có một đội ngũ sáng lập giỏi hay tiềm năng thị trường rộng mở, nhưng muốn được các quỹ đầu tư “rót tiền” thì rất cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản từ phía dự án khởi nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn trong một buổi giao lưu cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng. |
Công ty TNHH Zody là một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực thuộc lứa đầu tiên của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Sau gần 3 năm hoạt động, Zody đã vươn ra khỏi thị trường Đà Nẵng, tiến vào Thành phố Hồ Chí Minh và đang mở rộng ra toàn quốc.
Dự án này từng gọi vốn thành công từ nhiều nguồn, trong đó có các nhà đầu tư thiên thần (mạo hiểm), quỹ đầu tư và nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).
Chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn, anh Thống Lê Anh Tuấn, người sáng lập Zody cho biết, có 3 câu hỏi mà một dự án khởi nghiệp cần tự trả lời trước khi đến gặp nhà đầu tư, đó là: mình là ai, mình đang ở đâu và mình muốn đi đến đâu trong thị trường. Trả lời được 3 câu hỏi này sẽ xác định được tầm nhìn, sứ mệnh của dự án.
“Có thể lúc mới bắt đầu sẽ khó nhìn được xa, nhưng nếu chia ra thành các giai đoạn 2 năm, 3 năm, 5 năm thì sẽ dễ hơn cho các nhà sáng lập”, anh Tuấn nói. Trong quá trình đi tìm nhà đầu tư, một sai lầm mà những người chưa có kinh nghiệm kinh doanh thường mắc phải là đánh giá tiềm năng của sản phẩm dựa trên chính nhu cầu của bản thân mà không tính đến nhu cầu của thị trường.
Anh Tuấn chia sẻ: “Đó cũng là lý do mà nhiều dự án chỉ tồn tại được trên giấy, không đến được với khách hàng. Đối với một sản phẩm, có thể bạn có nhu cầu, nhưng không chắc người khác cũng nghĩ như vậy”.
Trong những năm tháng đầu tiên mới hoạt động, Zody gọi vốn vì mục tiêu cơ bản nhất - trả lương cho nhân viên. Sau khi bắt đầu có khách hàng, việc gọi vốn lại nhằm phát triển thị trường, cải thiện sản phẩm.
Theo anh Tuấn, ở mỗi giai đoạn gọi vốn, phải xác định rõ mục đích và minh bạch điều này với nhà đầu tư. Ngoài ra, người sáng lập cũng phải biết mình cần bao nhiêu tiền để gọi đúng số vốn đó, không nên gọi nhiều hơn để tránh những áp lực quản lý tài chính về sau. Số tiền ấy sẽ được dùng trong bao lâu, nhằm đạt được những mục tiêu gì… cũng là những câu hỏi mà nhà đầu tư sẽ đặt ra, buộc những người gọi vốn phải chuẩn bị kỹ từ trước.
Một yếu tố quan trọng khác khi gọi vốn là phải định giá dự án hợp lý. Dựa trên mức định giá này, nhà đầu tư và người sáng lập dự án sẽ thỏa thuận được số vốn “rót vào” là bao nhiêu, ứng với bao nhiêu cổ phần mà nhà đầu tư nhận được.
Anh Tuấn chia sẻ: “Nhiều dự án khởi nghiệp có một kinh nghiệm xương máu là khi tìm được nhà đầu tư đồng ý rót vốn ở vòng đầu, vì tâm lý vui mừng nên… “lỡ” trao đổi quá nhiều cổ phần (định giá dự án thấp). Điều này ảnh hưởng lớn đến việc gọi vốn ở những vòng tiếp theo, thậm chí có trường hợp, nhà đầu tư vòng đầu gần như không đóng góp gì đáng kể, song vẫn được hưởng khoản lợi lớn”.
Một dự án khởi nghiệp không chỉ “biết ta” mà còn phải “biết người”. Trước khi tiếp cận một quỹ đầu tư, người khởi nghiệp cần tìm hiểu xem quỹ đó chuyên đầu tư cho lĩnh vực nào (có phải lĩnh vực mà mình đang hoạt động không), lớn hay nhỏ (có phù hợp với số vốn mà mình đang kêu gọi hay không), đang trong giai đoạn bước vào vòng đầu tư mới hay đang chờ thoái vốn (có sẵn sàng chi tiền cho mình vào lúc này không).
Bên cạnh đó, những người đi gọi vốn phải chuẩn bị kỹ những yếu tố mà các nhà đầu tư sẽ xem xét như: tiềm năng của dự án, năng lực cạnh tranh, chất lượng của đội ngũ sáng lập, đặc biệt là khả năng thoái vốn sau 1 chu kỳ đầu tư.
Thực tế, Zody đã đi tìm 12 nhà đầu tư, trên dưới 10 lần bị từ chối. Hành trình gọi vốn là một thử thách cho tính kiên trì, chuyên nghiệp của những nhà khởi nghiệp.
“Qua nhiều lần thất bại, mình sẽ dần rút ra được các bài học mới, vì vậy đừng nản lòng. Ngay cả những công ty khởi nghiệp lớn như Facebook, Starbuck… cũng từng bị hàng chục, hàng trăm nhà đầu tư từ chối khi mới bắt đầu đó thôi. Còn bây giờ, hãy nhìn xem họ đã lớn mạnh đến mức nào rồi”, anh Tuấn nói.
Bài và ảnh: PHONG LAN