Mô hình mới của nông dân Hòa Phong

.

Vận dụng tiến bộ kỹ thuật, nông dân xã trung du Hòa Phong (huyện Hòa Vang) đã đầu tư làm những mô hình sản xuất - kinh doanh mới, đem lại hiệu quả cao.

Anh Phan Văn Hùng ở thôn Cẩm Toại Đông làm thí điểm mô hình sản xuất nấm linh chi trên thân cây keo lá tràm từ giữa tháng 4-2018. Mô hình này do Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong Nguyễn Tiến Lực làm đề án và được lãnh đạo huyện Hòa Vang hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm. Còn vợ chồng anh Phan Văn Hùng đều là nông dân giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nấm và đã hàng chục năm hành nghề sản xuất nấm bào ngư.

Anh Phan Văn Hùng (áo ngắn tay) thí điểm trồng nấm linh chi trên thân cây keo lá tràm.
Anh Phan Văn Hùng (áo ngắn tay) thí điểm trồng nấm linh chi trên thân cây keo lá tràm.

Thân cây keo lá tràm được cắt thành từng đoạn dài khoảng 30cm, ủ với mùn cưa và bỏ trong bao ni-lông, đặt lên những chiếc kệ 3 tầng trong trại nấm. Trại nấm có gắn nhiệt kế để đo nhiệt độ và độ ẩm, hễ nhiệt độ quá 300C là hệ thống tự phun nước làm mát. Theo anh Hùng, nấm linh chi phát triển khi nhiệt độ trong trại không quá 300C và độ ẩm không quá 85%. “Thân cây keo lá tràm có mùn cưa xung quanh, giữ nhiệt độ và độ ẩm tốt, rất phù hợp cho nấm linh chi phát triển”, anh Hùng chia sẻ. Trong trại nấm của anh Hùng, nhiều đoạn keo đã nảy ra nấm linh chi và đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Hùng bộc bạch: Thời gian thu hoạch nấm linh chi từ 2-3 tháng, đây là loại nấm dược liệu quý, giá mỗi kg hơn 1 triệu đồng, thương lái đến mua tận nơi và có bao nhiêu cũng bán hết.

Trong khi đó, kết hợp sản xuất với trải nghiệm du lịch là cách làm mới của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong). Hợp tác xã canh tác gần 8 hecta tại thôn Túy Loan Tây và thực hiện theo quy trình sản xuất rau sạch. Trong vùng rau có các đường giao thông nội bộ bằng bê-tông, hệ thống tưới nước bằng máy bơm, nhà sơ chế sản phẩm... Tại đây, quanh năm xanh mướt các loại rau, đậu ngắn ngày như: rau muống, rau dền, rau cải, tần ô, mồng tơi, khổ qua, bí đao, dưa leo... Cán bộ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật cho xã viên. Mỗi ngày, HTX bán được gần 1 tấn rau các loại, sản phẩm được vào bao, dán nhãn trước khi nhập cho các nơi tiêu thụ. Theo Phó Giám đốc HTX Trần Lượng thì nhiều đơn vị, trường học, bếp ăn tập thể như Siêu thị VinMart, Siêu thị Hòa Thọ, Trường quốc tế Sky-Line hợp đồng tiêu thụ thường xuyên sản phẩm của HTX.

Đặc biệt, từ đầu năm 2018, Ban Giám đốc HTX đã liên kết với các công ty lữ hành, tổ chức đưa học sinh tiểu học, THCS đến du lịch trải nghiệm tại vùng rau này. Giá hợp đồng một chuyến du lịch trải nghiệm chỉ có 5.000 đồng/học sinh (do các công ty lữ hành thanh toán) và đã có hơn 6.000 học sinh trên địa bàn thành phố đến du lịch trải nghiệm tại đây. Các em thích thú khi lần đầu tiên nhìn thấy một vùng rau xanh tốt, sản xuất theo hướng hữu cơ và áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, nhất là quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. “HTX đang xúc tiến xây dựng vườn cây ăn quả và trồng hoa, cây xanh hai bên các tuyến đường nội bộ để tăng thêm sự hấp dẫn trong du lịch trải nghiệm”, ông Trần Lượng chia sẻ. Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Kim Dũng khẳng định, đây là một cách làm mới của nông dân, đạt hiệu quả cao và cần được tuyên truyền nhân rộng.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.