Phân cấp quản lý cơ sở lưu trú: Cần giải quyết nhiều vướng mắc

.

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phát triển cơ sở lưu trú hàng đầu của cả nước với 747 cơ sở lưu trú, tương đương 33.665 phòng; dự đoán giai đoạn 2018-2020, trung bình mỗi năm sẽ tăng từ 4.000-5.000 phòng. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thực hiện phân cấp về cho các quận, huyện trực tiếp quản lý các cơ sở lưu trú từ mức 1 sao trở xuống là giải pháp căn cơ mà thành phố bắt đầu triển khai từ ngày 1-6-2018.  

Việc phân cấp lưu trú là giải pháp để quản lý hiệu quả hơn hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.  Ảnh: HOÀNG LINH
Việc phân cấp lưu trú là giải pháp để quản lý hiệu quả hơn hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Ảnh: HOÀNG LINH

Theo Sở Du lịch, trong Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (theo Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11-6-2018), thống nhất giao cho UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm và chủ trì thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước đối với các loại hình khách sạn có quy mô dưới 20 phòng (bao gồm khách sạn đã xếp hạng 1 sao và khách sạn chưa xếp hạng có quy mô tương đương 1 sao); nhà nghỉ du lịch; nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); nhà trọ giường tầng - hostel. Trong đó, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, thí điểm ủy quyền cho UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; sau khi rút kinh nghiệm sẽ tiếp tục nhân rộng chủ trương này tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Lý giải về việc cần thiết phân cấp quản lý cơ sở lưu trú cho các quận, huyện, bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch thành phố) cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh các cơ sở lưu trú như hiện nay, nếu công tác quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, giảm sút chất lượng dịch vụ, nhất là với các loại hình lưu trú mới xuất hiện, chưa nằm trong đối tượng xếp hạng như: hostel, homestay hoặc căn hộ du lịch mini, khách sạn dạng boutique…

Bên cạnh đó, bà Diệp giải thích: “Trước đây, Luật Du lịch 2005 quy định mọi cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện việc đăng ký để được xếp hạng trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Song hiện nay, Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.

Lợi dụng quy định thông thoáng này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch tự mạo nhận hạng sao và tự quảng cáo sai với thứ hạng so với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch và nguy cơ mất uy tín cho điểm đến; đồng thời không bảo đảm được sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở lưu trú du lịch có đăng ký xếp hạng và các cơ sở lưu trú không đăng ký xếp hạng”.

Theo Sở Du lịch, với tốc độ phát triển nhanh các loại hình lưu trú mới, trong khi nguồn lực của sở có hạn thì chính các quận, huyện với lợi thế về việc nắm địa bàn sẽ làm tốt hơn việc nắm bắt tình hình, triển khai kịp thời công tác kiểm tra, giám sát và công nhận các tiêu chí nhằm tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ này đi vào hoạt động.

Là một trong 3 địa phương đầu tiên triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao quận Sơn Trà cho biết, qua 2 tháng triển khai, quận Sơn Trà đã phối hợp với Sở Du lịch tiến hành rà soát, kiểm tra lại hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn, về chất lượng dịch vụ, phân hạng, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh nguồn nước…

Theo thống kê, trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có 426 cơ sở lưu trú từ hạng 5 sao trở xuống với 13.631 phòng, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2015. Trong đó, theo phân cấp, quận Sơn Trà quản lý 133 khách sạn 1 sao với 2.161 phòng; 21 homestay, 9 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ du lịch và 2 cơ sở chưa xếp hạng.

 “Theo tôi, ưu điểm của việc phân cấp này là tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát của các địa phương trong xu thế phát triển nhanh chóng của các cơ sở lưu trú. Từ thực tiễn, quận sẽ tham mưu những giải pháp cụ thể lên lãnh đạo thành phố. Bên cạnh đó, với lượng khách du lịch đến đông sẽ không tránh khỏi những sự cố, khi khách du lịch phản ánh lên, với thẩm quyền trong tay, cấp quận, huyện sẽ tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, kịp thời hơn nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ”, bà Võ Thị Phương cho biết thêm.

Nhiều cơ sở lưu trú mọc lên trên địa bàn Đà Nẵng.
Nhiều cơ sở lưu trú mọc lên trên địa bàn Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo Sở Du lịch, qua gần 2 tháng triển khai, việc phân cấp đã bộc lộ một số vướng mắc cần giải quyết kịp thời, đó là: chưa có sự thống nhất về đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ ủy quyền liên quan đến quản lý Nhà nước về du lịch tại các quận, huyện.

Một số quận giao Phòng Văn hóa-Thông tin chủ trì, quận khác lại giao Phòng Kinh tế; do đó không có sự đồng nhất, dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai; các quận, huyện thiếu nhân sự chuyên trách, có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về quản lý ngành du lịch.

“Để việc triển khai phân cấp này đạt hiệu quả như mong muốn, Sở Du lịch sẽ có văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện các nhiệm vụ ủy quyền, tổ chức đi thực tế, tổ chức tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch cho phòng, ban chuyên môn thuộc các quận, huyện.

Đồng thời, Sở Du lịch mời đại diện UBND quận, huyện tham gia đoàn kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của các loại hình cơ sở lưu trú du lịch thuộc thẩm quyền của Sở Du lịch, tham gia thẩm định cơ sở lưu trú hạng 1 sao”, bà Lê Thị Ái Diệp cho hay.

Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng tính đến tháng 8-2018 là 747 cơ sở với 33.665 phòng. Trong đó, cơ sở lưu trú thuộc diện phân cấp về cho các quận, huyện gồm: khách sạn 1 sao và tương đương là 370 khách sạn với 6.184 phòng, chiếm 18% số phòng; căn hộ, biệt thự du lịch cao cấp và đạt chuẩn: 10 căn hộ, biệt thự với 323 phòng, chiếm 1% số phòng; nhà nghỉ du lịch, homestay: 45 đơn vị với 486 phòng, chiếm 1,4% số phòng.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH
 

;
.
.
.
.
.
.