Sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời

.

Thay vì phơi nông sản trên bạt ni-lông hay mái tôn, nhiều nông dân ở thành phố có thể tự chế tạo hệ thống sấy khô bằng năng lượng mặt trời bảo đảm vệ sinh và có hiệu suất cao.

Trong căn xưởng của Hợp tác xã (HTX) Nấm An Hải Đông (quận Sơn Trà), gần 20 nông dân đang tìm hiểu về chiếc máy sấy năng lượng mặt trời. Chiếc máy cao chưa đến nửa mét, rộng 1,2m2 với 3 sàn sấy… là một sản phẩm của dự án An Tiêm thuộc Công ty TNHH tư vấn Mãi Mãi Xanh Labs (Evergreen Labs).

Nông dân sấy nấm bằng giàn sấy năng lượng mặt trời tại HTX Nấm An Hải Đông, quận Sơn Trà.  (Ảnh: Dự án An Tiêm cung cấp)
Nông dân sấy nấm bằng giàn sấy năng lượng mặt trời tại HTX Nấm An Hải Đông, quận Sơn Trà. (Ảnh: Dự án An Tiêm cung cấp)

HTX Nấm An Hải Đông là một trong những nơi đầu tiên ở Đà Nẵng sử dụng hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời. Bà Vũ Thị Mùi, Chủ tịch HĐQT HTX Nấm An Hải Đông cho biết: “Trước đây, HTX sử dụng một máy sấy chạy điện, song hiệu quả mang lại không cao.

Với máy chạy điện, nông sản dễ rơi vào tình trạng bên ngoài thì khô, bên trong vẫn còn ướt. Nếu tăng nhiệt độ lại rất dễ bị cháy. Do đó, chúng tôi chỉ dùng máy sấy điện cho nấm sò vì loại nấm này có thể xé mỏng, còn những loại nấm dày hơn như nấm mèo thì rất khó”. Sau một thời gian, HTX Nấm An Hải Đông chuyển sang phơi nắng các loại nấm.

Tuy nhiên, nấm phơi trên bạt trải dưới đất không bảo đảm vệ sinh, còn phơi trên mái tôn rất tốn công... leo lên, leo xuống mỗi lần cần xoay trở nấm. Thông thường, một mẻ nấm phải phơi 2-3 ngày nắng mới khô như mong muốn. Trước thực tế đó, dự án An Tiêm hỗ trợ HTX Nấm An Hải Đông một hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời.

Bà Mùi chia sẻ: “Chiếc máy đã giúp chúng tôi giải quyết được nhiều vấn đề. Máy sấy được đặt dưới đất, phủ kín nên bảo đảm vệ sinh. Với 12 kilogam nấm mỗi mẻ, chỉ cần 1-1,5 ngày sấy là nấm đã khô hoàn toàn”.

Chị Alison Kwan (người Anh) - người sáng lập dự án An Tiêm cho biết, thông qua các mô hình máy mẫu và các buổi hội thảo, dự án muốn hướng dẫn nông dân Đà Nẵng tự làm và sử dụng hệ thống sấy năng lượng mặt trời của riêng mình.

Chị bộc bạch: “Thời sinh viên, tôi từng làm tình nguyện trong các nông trại hữu cơ ở Ecuador. Lúc đó, tôi thấy nông dân Ecuador dùng các máy sấy năng lượng mặt trời để sấy nông sản rất hiệu quả. Sau khi tốt nghiệp, tôi đến Việt Nam để vừa dạy tiếng Anh, vừa tìm hiểu nền nông nghiệp ở đây.

Khi thấy nông dân gặp khó với việc sấy khô nông sản, tôi quyết định làm dự án giúp họ giải quyết bài toán này dựa trên những gì tôi đã học được”. Với sự hỗ trợ của một người bạn là kỹ sư nông nghiệp, cuối năm 2017, chị Kwan khởi động dự án.

Bên cạnh việc tổ chức các buổi hội thảo tại chính nhà của những nông dân ở quận Sơn Trà, huyện Hòa Vang…, dự án An Tiêm cung cấp tài liệu về cách lắp đặt, sử dụng giàn sấy năng lượng mặt trời trên trang web của mình. Dựa theo đó, các HTX có thể tự cải tiến giàn sấy như: lắp đặt thêm quạt thông gió, thay vật liệu kim loại bằng gỗ... phù hợp với đặc thù của từng sản phẩm.  

Theo chị Kwan, giàn sấy có thể giúp giảm độ ẩm trong nông sản từ 70-80%, tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm lên đến 1 năm; đồng thời bảo đảm vệ sinh trong chế biến sản phẩm. Ngoài ra, việc sấy bằng năng lượng mặt trời giúp giảm độ ẩm thực phẩm xuống còn 5-15%, tiết chế hoạt tính và phản ứng của vi sinh vật.

Chính vì vậy, giàn sấy có thể được sử dụng như một công cụ để giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng tuổi thọ của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với những loại cây trồng chỉ thu hoạch một lần trong năm. Hiện nay, dự án An Tiêm đã triển khai mô hình giàn sấy đến HTX Nấm An Hải Đông, một số hộ sản xuất nấm ở huyện Hòa Vang và một HTX chuyên sản xuất trà thảo mộc ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Chị Kwan bày tỏ mong muốn của dự án là giúp những người nông dân cải thiện đời sống bằng cách tăng thêm giá trị cho hoạt động sản xuất hiện tại. Sau đó, chính các nông dân sẽ là những người tổ chức các buổi chia sẻ về phương pháp sấy bằng năng lượng mặt trời, nâng cao chất lượng sản phẩm khô, kinh doanh bền vững.

                                                             KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.