Sau gần 3 năm xây dựng và phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng bước vào thời điểm tìm kiếm một chiến lược cụ thể nhằm đưa hoạt động khởi nghiệp đi vào chiều sâu, phù hợp với quy hoạch tổng thể về kinh tế-xã hội của thành phố.
Du lịch hiện là một lĩnh vực tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp Đà Nẵng. Trong ảnh: Hẻm bích họa Fresco - một dự án khởi nghiệp du lịch của thành phố. |
Từ con số 0 tròn trĩnh cách đây gần 3 năm, đến nay Đà Nẵng xây dựng được văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với những chương trình gây tiếng vang trong cả nước. Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp quốc tế được tổ chức trong 3 năm liên tục tại Đà Nẵng được đánh giá là chương trình khởi nghiệp có quy mô lớn và chuyên nghiệp nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Nhiều dự án khởi nghiệp được ươm tạo, trong đó một số dự án đã vươn ra toàn quốc và nước ngoài như AntBuddy, Zody, Hekate…
Dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp (DSC) với sự tham gia của cả chính quyền và doanh nghiệp. Vườn ươm Doanh nghiệp (DNES) với mô hình hợp tác công – tư được Bộ Khoa học và Công nghệ bình chọn là 1 trong 5 vườn ươm tiêu biểu nhất cả nước năm 2017. Những thành quả đó đã tạo nên nền móng khá vững chắc cho sự phát triển của khởi nghiệp Đà Nẵng.
Song đến thời điểm này, thành phố vẫn thực sự chưa tìm ra hướng đi phù hợp cho lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này. Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VinaCapital, thành viên DSC cho rằng, thành phố vẫn đang “đào xới” mảnh đất khởi nghiệp theo chiều rộng, thay vì tập trung vào chiều sâu. “Hoạt động khởi nghiệp trên thế giới có rất nhiều hướng đi chuyên sâu như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao… Đà Nẵng cần phải tìm ra hướng đi phù hợp nhất để phát triển khởi nghiệp”, ông Phúc nói.
Để giải quyết bài toán này, ông Lê Minh Phúc đề xuất thành phố có thể nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền văn hoá khởi nghiệp phát triển và đậm bản sắc như Israel, Phần Lan...; ngoài ra, tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từ đó xây dựng chiến lược về đổi mới sáng tạo trung và dài hạn. Theo ông Phúc, chỉ khi có một chiến lược cụ thể, Đà Nẵng mới có thể tiếp tục thu hút các nguồn lực liên quan đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, việc lựa chọn định hướng, chiến lược cho khởi nghiệp cần dựa vào nhu cầu và thế mạnh trong phát triển của thành phố. Ông Quân nhận định, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
“Đà Nẵng đẹp, có nhiều tài nguyên du lịch, thành phố cũng đã lựa chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chắc chắn, để phát triển du lịch, đòi hỏi phải có những cách làm mới, cách tiếp cận mới, tư duy ý tưởng sáng tạo thì mới phục vụ được nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ. Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, Đà Nẵng và miền Trung đang rất cần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thích ứng thị trường và phục vụ được khách hàng. Đây có thể coi là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp”, ông Quân nói.
Bên cạnh du lịch, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng được xem là một thị trường tiềm năng cho khởi nghiệp Đà Nẵng. Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc DNES bày tỏ: “Tôi luôn tin rằng công nghệ sẽ là thứ làm thay đổi cách mà chúng ta sinh sống, làm việc. Vậy nên khởi nghiệp công nghệ thông tin là một xu hướng rõ ràng”.
Song theo ông Nguyên, để hiểu cho đúng về những xu hướng này, biết được vị trí của mình trong “bản đồ khởi nghiệp” không phải là việc đơn giản. Ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng đã và đang được tạo điều kiện phát triển. So với các ngành khác, không quá khó để một người trẻ tìm kiếm cơ hội thử sức khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, chính việc này cũng tạo ra sức ép cạnh tranh trong tìm kiếm thị trường, gọi vốn đầu tư…
Ông Võ Duy Khương, Cố vấn DSC kiêm Chủ tịch DNES nhìn nhận, khởi nghiệp là một trong số ít các cơ hội giúp Đà Nẵng phát triển nhanh chóng. “Mấy năm nay, chúng ta mới chỉ có những chính sách đại trà, chưa có chính sách hỗ trợ chuyên sâu cho hoạt động khởi nghiệp. Đây là một trong những lý do dẫn đến chất lượng các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng chưa cao như mong đợi”, ông Võ Duy Khương nhìn nhận.
Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh, bổ sung đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó chú trọng đến việc xây dựng một định hướng hợp lý cho khởi nghiệp thành phố. Theo ông Võ Duy Khương, không nên xem khởi nghiệp là một phong trào nhất thời hay đơn thuần chỉ là một sân chơi của tuổi trẻ. Ngược lại, khởi nghiệp tuy là con đường gian nan nhưng nếu đi đúng hướng, sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp. Do đó, cần có sự chung sức của chính quyền, doanh nghiệp, các chuyên gia và chính những người đang dấn thân trên con đường này.
Bài và ảnh: KHANG NINH