Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, thời gian qua công tác vận chuyển hành khách công cộng (HKCC) bằng xe buýt trên địa bàn thành phố được người dân ủng hộ, đánh giá cao. Hai năm trở lại đây, Đà Nẵng đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực vận tải HKCC.
Hoạt động của tuyến xe buýt trợ giá thành phố. |
Ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Datramac) thành phố cho biết, hiện nay, hệ thống xe buýt của Đà Nẵng có 14 tuyến, trong đó có 6 tuyến buýt liền kề, 5 tuyến buýt trợ giá, 1 tuyến xe buýt TMF (cung cấp dịch vụ trung chuyển với lộ trình dài 19km) và 2 tuyến buýt du lịch với gần 190 đầu xe.
Dịch vụ xe buýt đã tiếp cận phần lớn các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn thành phố…
Tuy vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, song xe buýt của Đà Nẵng đã góp phần xây dựng hệ thống vận tải hành khách chất lượng cho người dân, góp phần kết nối các khu vực của thành phố, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông và vấn nạn kẹt xe.
Theo Datramac, lượng khách đi trên xe buýt đạt 5 triệu lượt trong năm 2017; riêng lượng khách 5 tuyến xe buýt trợ giá đạt 2,13 triệu lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước…; qua đó, cho thấy bước đầu đã hình thành thói quen sử dụng xe buýt cho người dân thành phố.
Riêng xe buýt trợ giá cho thấy, số lượng hành khách bình quân mỗi lượt xe thể hiện mức tăng đều đặn hằng tháng, từ 3,6 hành khách (HK)/lượt lên 14,9 HK/lượt trong năm 2017 và hiện tại đã đạt 15,5 HK/lượt. Mật độ hành khách sẽ còn tăng cao hơn nữa vào cuối năm 2018 khi các tuyến buýt trợ giá được mở mới, hoàn thiện hơn hệ thống công cộng trong nội thành Đà Nẵng.
Việc người dân sử dụng xe buýt góp phần giải quyết vấn nạn môi trường, tăng cường kết nối các khu vực, tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ vận tải công cộng để đáp ứng nhu cầu di chuyển giữa các khu vực trong và ngoài thành phố, đồng thời tiết kiệm chi phí đi lại.
Trước hết, nhờ chính sách trợ giá của UBND thành phố cho hệ thống xe buýt trợ giá, người dân được sử dụng dịch vụ này với mức giá “mềm” nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ đi kèm.
Anh Lê Tự Trình, làm việc ở Trung tâm Hành chính thành phố bày tỏ, đi xe buýt sẽ giảm được chi phí so với các phương tiện cá nhân khác như xe máy, ô-tô. Hiện nay, các tuyến buýt trợ giá của thành phố chỉ tốn 5.000 đồng/lượt và 90.000đồng/tháng dành cho đối tượng bình thường và 45.000 đồng/tháng cho các đối tượng ưu tiên.
Chị Trần Thị Thanh, một hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ xe buýt chia sẻ, xe buýt được coi là một trong những phương tiện giao thông an toàn hơn các loại phương tiện cá nhân khác. “Đi xe buýt đỡ bụi và tiếng ồn, đặc biệt là giảm tiếng còi xe inh ỏi của những chiếc xe lưu thông cùng chiều, chị Thanh nói.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, tới đây, thành phố sẽ mở thêm 6 tuyến buýt trợ giá để tăng độ bao phủ hệ thống xe buýt. Đây là chủ trương cần thiết nhằm hoàn thiện hơn nữa mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt cũng như tạo thuận lợi di chuyển của người dân thành phố, du khách đến làm việc và du lịch.
Đơn vị cũng xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch mở mới các tuyến buýt còn lại trong năm nay; đồng thời, đề xuất UBND thành phố phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội thành.
Để thực hiện được chủ trương phát triển bền vững thành phố và giải quyết các vấn đề giao thông đô thị như: ùn tắc giao thông, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đô thị, chính quyền thành phố đã chủ trương triển khai một chiến lược quản lý giao thông đô thị đồng bộ gồm: phát triển hệ thống vận tải HKCC có mật độ hợp lý, mức độ bao phủ rộng và tính kết nối tốt, bảo đảm cung cấp dịch vụ vận tải HKCC có chất lượng tốt với giá vé phù hợp để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và quản lý sử dụng hợp lý phương tiện cơ giới cá nhân.
Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai phương án quy hoạch phát triển vận tải HKCC, bước đầu bằng việc thiết lập mạng lưới vận tải HKCC được phân cấp thành các tuyến nội thành gồm: xe buýt nhanh (BRT), xe buýt thông thường, xe buýt du lịch và tương lai là hệ thống đường sắt đô thị.
Theo ông Lê Văn Trung, để người dân tiếp cận và sử dụng xe buýt, công tác tuyên truyền là hết sức cần thiết. Chỉ khi người dân hiểu và sử dụng loại hình vận tải này thì phương tiện cá nhân mới dần được hạn chế, ùn tắc giao thông mới có
thể giảm…
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN