Cấp bách cải thiện môi trường biển ở Sơn Trà

.

Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà là một trong những dự án trọng điểm và cấp bách được lãnh đạo thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường biển từ phía bắc Công viên Biển Đông đến bán đảo Sơn Trà.

Do hoạt động xây dựng tăng nhanh dẫn đến lượng nước phát sinh từ công trình và nước thải tăng mạnh gây quá tải cho hệ thống cống.         				Ảnh: HOÀNG HIỆP
Do hoạt động xây dựng tăng nhanh dẫn đến lượng nước phát sinh từ công trình và nước thải tăng mạnh gây quá tải cho hệ thống cống. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nhiều năm qua, đoạn bờ biển từ phía bắc Công viên Biển Đông đến bán đảo Sơn Trà dài khoảng 3,5km (thuộc các phường Phước Mỹ, Mân Thái và Thọ Quang, quận Sơn Trà) diễn ra tình trạng nước thải chảy tràn ra biển do chưa được đầu tư hệ thống cống bao, trạm bơm thu gom nước thải.

Đoạn bờ biển này có 7 cửa xả nước mưa ra biển nhưng chỉ có cửa xả ở phía bắc dự án Khu du lịch thể thao và giải trí biển Temple được lắp đặt các cửa van tự lật để lưu giữ nước thải và nước mưa đối với các trận mưa nhỏ.

6 cửa xả còn lại (cửa xả đối diện đường Hồ Thấu, Hồ Ngọc Lãm và Thành Vinh, cửa xả phía bắc bến xe buýt Thọ Quang, cửa xả của tuyến cống Thọ Quang - Biển Đông và tuyến mương nước dọc đường Trần Nguyên Hãn - Lương Hữu Khánh) hầu hết đều chưa được đầu tư cửa van để ngăn nước thải, nước mưa. Trước tình hình đó, nhằm ngăn bớt nước thải ra biển, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (XLNT) Đà Nẵng đã thực hiện giải pháp tình thế là đắp bờ tại các cửa xả.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã đắp bờ, nâng cao thành cửa xả lên để lưu giữ một lượng nước mưa, nước thải trong cống nhằm bơm về các trạm XLNT  để xử lý. Tuy nhiên, chỉ đắp được ở cao trình thấp mà không dám đắp bờ cao thêm vì sẽ làm ngập úng một số khu vực thấp trũng khi trời mưa to nên nước thải, nước mưa vẫn thường xuyên chảy ra bãi biển”.

Đặc biệt, những năm gần đây, tốc độ xây dựng nhà ở, khách sạn, nhà hàng tăng nhanh ở lưu vực các cửa xả nên nước thải chảy ra bãi biển nhiều hơn. Người dân nơi đây rất bức xúc về các lạch nước thải đen ngòm chảy ra biển gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan các bãi biển.

“Nước thải gây ô nhiễm biển và ảnh hưởng đến việc tắm biển của người dân và du khách. Chúng tôi mong thành phố sớm cải tạo các cửa xả dọc bờ biển Mân Thái và đầu tư hệ thống trạm bơm đưa nước thải về các trạm XLNT”, ông Lê Văn Khiêm (trú tổ 15C, phường Mân Thái) nói.

Còn ông Trần Quang Sơn (trú đường Nguyễn Đăng Tuyển, phường Thọ Quang) cho hay: “Đoạn bờ biển từ trạm xe buýt Thọ Quang đến đường chân bán đảo Sơn Trà chỉ dài chưa đầy 1km mà có đến 3 cửa xả quanh năm xả nước thải ra biển.

Đây là đoạn bờ biển có nhiều khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Mong rằng thành phố sớm triển khai ngăn chặn triệt để nước thải tràn ra biển để bảo đảm môi trường du lịch”.

Thành phố bố trí 1.171 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để xây dựng tuyến cống bao và trạm xử lý nước thải mới nhằm thu gom, không cho nước thải chảy ra bãi biển từ phía bắc dự án Temple đến bán đảo Sơn Trà.
Thành phố bố trí 1.171 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để xây dựng tuyến cống bao và trạm xử lý nước thải mới nhằm thu gom, không cho nước thải chảy ra bãi biển từ phía bắc dự án Temple đến bán đảo Sơn Trà.

Trước tình hình đó, ngày 7-9-2018, Thường trực HĐND thành phố đã có Quyết định số 631/HĐND-ĐT phê duyệt chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà.

Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống cống bao thoát nước và trạm bơm nước mưa lẫn nước thải bảo đảm thu gom được toàn bộ nước thải và nước mưa trên toàn bộ lưu vực ứng với lượng mưa có cường độ dưới 10mm/giờ, hạn chế nước mưa chảy tràn ra các bãi tắm nhằm bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Trong tháng 9 và 10-2018, HĐND và UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư 1.448 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến 2020 và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng (Ban QLDA) là chủ đầu tư và điều hành dự án.

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban QLDA cho biết, sau khi được Thường trực HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, trong tháng 9-2018, UBND đã có văn bản chỉ đạo triển khai dự án. Đến ngày 5-10-2018, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với Trạm XLNT Sơn Trà và tuyến cống bao thu gom.

“Để rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chúng tôi đang đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường để trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định vào đầu tháng 11-2018 đồng thời lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo đúng quy định.

Cùng với đó, là việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công... nhằm sớm triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp và khởi công công trình”, ông Lê Văn Lâm nói.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.
.