Chăm lo phát triển thủy sản

.

Với ngư dân quận Thanh Khê, đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu ông Phạm Tiến Đức (ảnh) thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và vùng đánh bắt chung trên vịnh Bắc Bộ.
Tàu ông Phạm Tiến Đức (ảnh) thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và vùng đánh bắt chung trên vịnh Bắc Bộ.

Thuyền trưởng Lê Văn Hoàng, 45 tuổi (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cùng 12 thuyền viên vừa về bến sau một chuyến ra khơi khai thác tại ngư trường Hoàng Sa. Ai cũng rạng rỡ vì chỉ 13 ngày ra khơi, tàu đã khai thác được 21 tấn cá, bán ra gần 450 triệu đồng; trừ phí tổn, mỗi thuyền viên được chia 12 triệu đồng.

Trú cùng địa bàn với anh Hoàng, ông Hồ Văn Đời từ nhỏ đã theo cha đi câu cá nhám, câu mực xà, làm giã cào, lưới cản, lưới vây... tại nhiều ngư trường. 19 tuổi, ông đã làm thuyền trưởng, thay cha điều khiển tàu đánh bắt trên các vùng biển xa bờ và trở về bến với những khoang đầy ắp cá. Chuyến biển mới đây, tàu ông khai thác được hơn 20 tấn hải sản. Vừa trao đổi với chúng tôi, ông vừa tranh thủ gọi điện cho các chủ hàng chở lương thực, thực phẩm lên tàu chuẩn bị cho một chuyến biển mới.

Toàn quận Thanh Khê hiện có 191 tàu cá công suất từ 20CV trở lên, trong đó có 79 tàu công suất từ 90CV trở lên với tổng số 972 lao động. Bình quân sản lượng khai thác đạt gần 7.000 tấn/năm với doanh thu mỗi năm hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, có những gia đình nhiều đời làm nghề biển, họ gắn bó với con trăng, con nước trên từng chuyến ra khơi.

Ngoài mức hỗ trợ của thành phố cho ngư dân đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, UBND quận Thanh Khê hỗ trợ thêm mỗi trường hợp 20 triệu đồng cùng 10 áo phao cứu sinh, 15 phao tròn và một số vật tư, ngư lưới cụ. Lãnh đạo quận còn xét chọn, đề nghị Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố hỗ trợ các trang, thiết bị tiên tiến như: máy dò ngang, máy nhận dạng tích hợp và định vị hải đồ, thiết bị tạo nước ngọt từ nước biển… Ông Nguyễn Văn Đầm ở phường Thanh Khê Đông đã đầu tư đóng tàu mới công suất lớn trong năm 2017, hồ hởi chia sẻ, nhờ được hỗ trợ máy nhận dạng tích hợp và định vị hải đồ, tàu đánh bắt xa bờ của ông thuận lợi hơn trong quá trình hành nghề và liên tục khai thác tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Đến nay, quận Thanh Khê đã thành lập 13 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (mỗi tổ có 3-5 tàu cá) và đang tiếp tục vận động thành lập mô hình này. Trong từng tổ, các tàu thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình ngư trường, thời tiết, sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn lao động nhằm kịp thời trợ giúp nhau và những hành động phá hoại của tàu lạ để phòng tránh. “Bình quân, mỗi tàu nhận được 5-7 thông tin trong một chuyến biển”, ông Võ Văn Long, một thuyền trưởng tại phường Thanh Khê Tây nói.        

Trên địa bàn quận Thanh Khê còn có nhiều “lão ngư” làm thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ, nêu gương sáng về nghị lực, hiệu quả khai thác cùng ý thức bảo vệ Tổ quốc. Ông Phạm Tiến Đức, một thuyền trưởng cao tuổi ở phường Thanh Khê Đông khẳng định: “Đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.