Đầu tư cho ngành nước: Không thể chậm trễ

.

Vừa qua, nguồn cung nước thô bị cạn kiệt, tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ có tần suất kéo dài, mức độ nhiễm mặn vượt gấp 8 lần theo tiêu chuẩn cho phép ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở thành phố. Vì vậy, vấn đề đầu tư cho ngành nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và cần có giải pháp khả thi.

Bài 1: Đầu tư phân tán, nhỏ lẻ

Hai Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay chiếm trên 95% công suất cấp nước cho thành phố nhưng liên tiếp nhiều năm qua đã phải vận hành vượt tải trên 25%. Mặc dù đã có sự đầu tư nhưng vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay phải vận hành vượt tải trên 25% trong thời gian dài.  Trong ảnh: Bể thu nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ
Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay phải vận hành vượt tải trên 25% trong thời gian dài. Trong ảnh: Bể thu nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ

Hoạt động cấp nước hiện nay chủ yếu dựa vào năng lực sản xuất của Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và NMN Sân bay với công suất 210.000m3/ngày đêm. Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, hiện nay, tổng công suất các NMN chỉ có khả năng cung cấp nước thực tế cao nhất đạt 310.000m3/ngày đêm trong điều kiện vận hành vượt công suất 25%. Sau một thời gian dài chuẩn bị đến quý 2 năm nay, ngành cấp nước mới được đầu tư nâng công suất NMN Cầu Đỏ phân kỳ 1 thêm 60.000m3/ngày đêm và đầu tư xây dựng mới NMN Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày đêm.

Với việc duy trì hoạt động của các NMN và đầu tư mới hiện tại thì khả năng đáp ứng về công suất thiết kế chỉ đạt 300.000m3/ngày đêm vào năm 2020, trong khi quy hoạch cấp nước đô thị cho Đà Nẵng cần công suất 401.824m3/ngày đêm. Sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho thành phố dự kiến tiếp tục diễn ra gay gắt trong năm 2019 vì tổng công suất các nhà máy cung cấp cho thành phố cũng chỉ ở mức 285.500m3/ngày đêm.

Để bảo đảm nhu cầu cấp nước cho đô thị, Dawaco vẫn phải tiếp tục vận hành vượt tải ở NMN Cầu Đỏ và Sân bay để đạt công suất cấp nước 364.500m3/ngày đêm. Đây là giải pháp tình thế và luôn đặt hoạt động cấp nước trong tình trạng bất ổn nếu xảy ra sự cố về máy móc, thiết bị.

Theo kế hoạch đầu tư phát triển ngành nước đến năm 2020, thành phố tập trung nâng công suất NMN Hòa Trung từ 10.000m3/ngày đêm lên 20.000m3/ngày đêm; NMN Phú Sơn từ 1.500m3/ngày đêm lên 5.000m3/ngày đêm và NMN Hải Vân từ 3.000m3/ngày đêm lên 4.000m3/ngày đêm; góp phần nâng tổng công suất cấp nước cho thành phố vào năm 2020 là 300.000m3/ngày đêm.

Quy hoạch phát triển cấp nước đô thị trong các đồ án quy hoạch chung đều xác định đầu tư phát triển 2 nhà máy cấp nước chính gồm: nâng công suất NMN Cầu Đỏ thêm 120.000m3/ngày đêm; đầu tư mới NMN Hòa Liên giai đoạn 1 phía thượng nguồn sông Cu Đê công suất 120.000m3/ngày đêm, giai đoạn 2 bổ sung thêm công suất 120.000m3/ngày đêm nâng tổng công suất lên 240.000m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đầu tư NMN Hòa Liên còn nhiều vướng mắc do chưa có sự thống nhất về phương thức đầu tư. Đó là kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư  (PPP) kết hợp sử dụng vốn ODA hoặc đầu tư bằng nguồn vốn của DN (Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng). Trong bối cảnh này, việc đầu tư phát triển cấp nước chỉ tập trung vào NMN Cầu Đỏ với việc nâng công suất phân kỳ 1 với công suất bổ sung 60.000m3/ngày đêm.

Thực trạng đầu tư phát triển ngành nước hiện tại ở thành phố có dấu hiệu nhỏ lẻ, chưa tương xứng với quy mô đầu tư phát triển cấp nước của đô thị loại 1 cấp quốc gia. Đó là hàng loạt các NMN công suất chỉ từ  1.000m3 - 10.000m3/ngày đêm như Phú Sơn, Khe Lạnh, Sơn Trà, Hải Vân... trải ra các hướng của thành phố làm phân tán nguồn lực đầu tư, phát sinh nhân công, bộ máy quản lý cồng kềnh và cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Ngoài áp lực không bảo đảm công suất cấp nước đô thị thì nguồn nước thô cũng luôn trong tình trạng thiếu hụt trong mùa khô và nhiễm mặn ở khu vực NMN Cầu Đỏ. Sự mất an toàn về nguồn nước thô cung cấp cho hoạt động sản xuất nước sạch đối với thành phố luôn trong tình trạng căng thẳng qua từng năm. Các NMN sử dụng nước ao hồ phụ thuộc vào thời tiết. NMN Cầu Đỏ và trạm bơm An Trạch phụ thuộc vào sự vận hành của các nhà máy thủy điện.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho rằng, thực tế hiện nay, hoạt động điều phối nguồn nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chưa phát huy hiệu quả, thiếu chuyển biến trong cơ chế phối hợp lẫn hành động thực tế. Một số quy hoạch phát triển ngành, địa phương còn xung đột, trong đó có sự xung đột giữa cấp nước sinh hoạt đô thị với sản xuất nông nghiệp, phân chia nguồn nước... Ví dụ cho sự xung đột này là việc đóng cửa đập Tứ Câu (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cắt dòng nước chuyển lưu từ sông Thu Bồn qua sông Vĩnh Điện, gián tiếp làm cho nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn.

Dự báo khả năng ngày cấp nước lớn nhất trong năm 2020

 

Ngày 24-7-2018, Sở Xây dựng có Công văn số 6849/SXD-HTKT gửi UBND thành phố nêu “Quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 9018/QĐ-UBND ngày 28-12-2016 xác định nguồn nước thô cần khai thác trên sông Cầu Đỏ phục vụ cho NMN Cầu Đỏ và Sân bay ở năm 2020 là 350.000m3/ngày đêm; năm 2030 cần 616.000m3/ngày đêm. Trong tình huống nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn thì vận hành trạm bơm An Trạch có công suất 240.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước thô về NMN Cầu Đỏ”.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác nguồn nước thô ở An Trạch cũng bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào nguồn nước chuyển dòng từ các nhà máy thủy điện. Ông Hồ Hương cho biết, trạm bơm An Trạch chỉ hoạt động được khi mực nước tại đập An Trạch tối thiểu +2m, nếu mực nước thấp hơn 2m, khả năng cấp nước sẽ giảm xuống, mực nước thấp đến cao trình +1,4m  thì trạm bơn An Trạch ngưng hoạt động, dẫn đến NMN Cầu Đỏ, NMN Sân bay ngưng hoạt động, đe dọa an toàn cấp nước đô thị.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.
.