Doanh nghiệp chủ động trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

.

Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì những ảnh hưởng của nó khiến cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng buộc phải thích nghi và tìm hướng đi mới, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường cố định. Các chuyên gia cũng cảnh báo, đây chính là bài học kinh nghiệm quý cho DN Việt Nam nhằm chủ động trong phương án kinh doanh.

Dù chưa chịu tác động nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng các doanh nghiệp Đà Nẵng cũng đã có những phương án chủ động đối phó. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế.
Dù chưa chịu tác động nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng các doanh nghiệp Đà Nẵng cũng đã có những phương án chủ động đối phó. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế.

Là một trong những DN có hoạt động xuất khẩu chiếm đến gần 90% tỷ trọng nguồn hàng, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế nhìn nhận, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không gây tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh do thị trường xuất khẩu của công ty ông khá đa dạng.

Theo đó, 60% tỷ trọng hàng xuất khẩu qua thị trường châu Âu, 30% qua các nước Nam Mỹ và chỉ từ 6-7% xuất qua Mỹ và không có mối liên hệ làm ăn với các đối tác từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài thì không dám bảo đảm chắc chắn 100% DN của mình sẽ không chịu tác động vì hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ các bạn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những đơn vị cung cấp này lại có quan hệ kinh doanh với DN Trung Quốc nên từ giữa năm 2018 đến nay, một số mặt hàng nguyên liệu đơn vị nhập về có tăng giá.

“Tôi cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài dù không gây ảnh hưởng trực tiếp, nhưng sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền, nhất là giá cả nguyên vật liệu chắc chắn sẽ tăng. Do đó, chúng tôi cũng có phương án để chủ động đối phó với dự báo này với việc giữ vững chất lượng sản phẩm và quan hệ với những đối tác truyền thống, sử dụng hoàn toàn nguyên liệu trong nước…”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho hay.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng Đông Nguyên (hội viên CLB 20-30) cho hay, hiện tại công ty không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc chiến này dù thị trường xuất khẩu là Mỹ và Đài Loan.

“Chúng tôi xuất khẩu qua Mỹ, nhưng 100% nguyên liệu có nguồn gốc từ Việt Nam nên không bị áp thuế. Đối với các hội viên trong CLB 20-30, do quy mô kinh doanh nhỏ và phần lớn không làm việc với đối tác Trung Quốc nên không chịu nhiều tác động”, bà Vân nói.

Trong phương án đưa ra, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết, Công ty Đông Nguyên cũng như một số DN khác sẵn sàng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín để giữ chân bạn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường; đặc biệt là không phụ thuộc nguồn nguyên liệu ở thị trường Trung Quốc; đồng thời, ưu tiên sử dụng và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. 

Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thép Tấn Quốc khẳng định, đến thời điểm này, đơn vị chưa chịu tác động nào từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung do thị trường chủ yếu trong nước và khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, DN không chủ quan vì những biến động khó lường trong thời gian tới.

Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng phân tích, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại thế giới nói chung và DN Việt Nam nói riêng.

Hiện Đà Nẵng có hơn 600 dự án FDI với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Do vậy, những thay đổi của thương mại thế giới ngoài việc tác động đến nền kinh tế chung của thành phố còn tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thu hút đầu tư, các dự án FDI tại Đà Nẵng.

Thành phố có hơn 22.000 DN, nhưng chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ nên sự nhạy cảm, khả năng dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thương mại toàn cầu, thay đổi về kinh tế vĩ mô là không nhỏ. Những tác động đến DN Đà Nẵng có thể thấy qua chi phí đầu vào có xu hướng tăng, khi biến động về tỷ giá sẽ làm giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, làm gia tăng chi phí nguyên liệu, đặc biệt là các DN chế biến hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu…

Việc ổn định lạm phát, ổn định lãi suất cho vay ở mức hợp lý khó khăn hơn làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn, chi phí sử dụng vốn của DN sẽ tăng. Vấn đề cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc sẽ gia tăng khi hàng từ Trung Quốc tăng cường vào Việt Nam để tránh thuế của Hoa Kỳ. Mặt khác, hàng hóa của Trung Quốc sẽ gia tăng lợi thế ở thị trường Việt Nam khi đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng USD.

Mặt khác, PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng đem lại cơ hội để thúc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và nền kinh tế.

Theo đó, DN tìm kiếm cơ hội “lấp chỗ trống” khi xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ giảm sút. Có thể tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ những mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế như: dệt may, da giày, thủy sản… và gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế như: thịt, thực phẩm, nông sản…

Việc cần làm tiếp theo của DN là cần tìm đối tác thích hợp để thâm nhập thị trường xuất khẩu trong tình hình thị trường biến động; đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do (FTA)…

“Tái cấu trúc, minh bạch hoạt động của DN, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh luôn được xem là những ưu tiên hàng đầu của DN, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động khó lường. DN cũng cần theo dõi sát sao những biến động của thị trường, cần có giải pháp dự phòng rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu (biến động tỷ giá, thị trường thay thế...) để có những phản ứng kịp thời nhằm giảm rủi ro, tác động tiêu cực của thị trường”, PGS.TS Bùi Quang Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cấp cao, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau khi Mỹ quyết định áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc và nhận sự trả đũa tương tự từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thêm thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này và có hiệu lực từ tháng 8.

Với một lượng hàng hóa khổng lồ bị áp thuế cao, rất khó để duy trì xuất khẩu như cũ vào Mỹ, do đó Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường khác để tiêu thụ.

Đây là lý do khiến các nhà sản xuất Việt Nam thực sự lo ngại về sự đổ bộ của hàng Trung Quốc vào thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội trong tình hình thương mại thế giới nhiều biến động, nhất là khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên sẽ có tác động nhiều mặt đến nền kinh tế.

Theo TS Lê Đăng Doanh, một điều khác nữa kéo theo bởi cuộc chiến thương mại là tỷ giá biến động, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, giá dầu thô tăng, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu cũng chịu tác động. 

Doanh nghiệp sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ như việc hàng hóa Trung Quốc đã và sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam theo các hình thức khác nhau (lập biên mậu, lập doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam để tránh thuế…).

Thị trường biến động, nhu cầu cũng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động, linh hoạt hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH-NGỌC TÚ

;
.
.
.
.
.
.
.