“Mong muốn của tôi là làm sao để những chiếc nón cói, túi cói theo chân khách du lịch mang hình ảnh Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đi ra thế giới…”, anh Văn Hồng Hải, chủ cơ sở Ngôi Nhà Biển chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp bằng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình.
Tạo ra các sản phẩm làm từ cói cũng là một quá trình sáng tạo không ngừng. TRONG ẢNH: Anh Văn Hồng Hải (trái) đang hướng dẫn, góp ý cho lao động hoàn thiện sản phẩm túi làm từ cói. |
Sau nhiều năm gắn bó với công việc liên quan đến ngành Du lịch, được đi nhiều nơi và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, đến đâu anh Văn Hồng Hải cũng đặc biệt lưu ý về những sản phẩm của người dân địa phương, nhất là sản phẩm lưu niệm.
Với nhiều trăn trở, anh đã quyết định chọn nguyên liệu là cói để làm ra các sản phẩm mũ, túi, dép để phục vụ khách du lịch tại Đà Nẵng, đặc biệt là du lịch biển. Anh Hải cho rằng, hàng thủ công mỹ nghệ phải được làm ra dựa trên nhu cầu của thị trường, thân thiện với môi trường nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa địa phương.
Chọn khởi nghiệp với những sản phẩm làm từ cói, bản thân anh Hải và các cộng sự ý thức được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Đó không chỉ là tìm tòi, phát triển mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với nguyên liệu mà còn làm sao để có chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh được với các sản phẩm của Trung Quốc.
Ngoài ra, một khó khăn khác không hề nhỏ với anh là nguyên liệu cói hiện nay ở Đà Nẵng không có sẵn. Vậy là anh và đồng nghiệp đã rong ruổi khắp nơi trong cả nước từ tỉnh Quảng Nam, Bình Định đến các địa phương phía nam để chọn được loại cói phù hợp, sau đó phơi, đan theo mẫu…
Điều khiến anh trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất khi bắt đầu khởi nghiệp là những sản phẩm tạo ra phải thân thiện với môi trường và có thể hỗ trợ phát triển cộng đồng, sử dụng nguồn nhân lực sẵn có của địa phương.
Có lẽ vì sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong từng sản phẩm nên dù phân khúc thị trường chưa lớn nhưng nhiều khách hàng kỹ tính và muốn có các sản phẩm mang đậm phong cách văn hóa Việt đã chọn sản phẩm của cơ sở Ngôi Nhà Biển.
Anh Hải bày tỏ: “Chọn con đường khởi nghiệp kinh doanh đã khó và chọn mặt hàng thủ công mỹ nghệ lại càng khó hơn. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn nhất định thì người đứng đầu phải có định hướng và giữ lập trường riêng cho sản phẩm cũng như cách thức kinh doanh của riêng mình”.
Là đơn vị thường xuyên sử dụng các sản phẩm mũ, túi cói trong các hội nghị, hội thảo cho khách hàng, anh Lê Phi, Giám đốc Công ty Huyền Thoại Việt (VietLegend) cho hay: “Ngôi Nhà Biển đã giúp hình ảnh nón cói, du lịch biển Đà Nẵng trở nên thân thuộc và đẹp hơn trong mắt khách hàng trong nước và quốc tế”.
Thông qua những đơn vị lữ hành, những hoạt động M.I.C.E tại Đà Nẵng, những chiếc mũ cói, túi cói mang logo “Tôi yêu Đà Nẵng” dễ dàng được du khách bắt gặp tại biển Đà Nẵng hay các khu, điểm du lịch của thành phố. Các sản phẩm “made in Đà Nẵng” gắn liền với biển của anh Văn Hồng Hải đang từng bước khẳng định được thương hiệu và để lại dấu ấn.
Qua mỗi khách hàng, sản phẩm của Ngôi Nhà Biển đang theo chân khách đi khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. “Ngoài việc sản xuất theo đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, các sản phẩm mũ, túi, dép, hàng mỹ nghệ… làm từ cói của chúng tôi đang được phân phối ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.
Sản phẩm của Ngôi Nhà Biển đã có mặt tại các sự kiện quốc tế như: sự kiện quốc tế Asia pacific Games 2017, Đại hội DTA 2017… “Thời gian tới, Ngôi Nhà Biển sẽ tập trung dần dần vào các kênh bán lẻ với các cửa hàng, sản phẩm theo nhu cầu thị trường riêng”, anh Văn Hồng Hải chia sẻ.
Bài và ảnh: NHẬT HẠ