Giá xăng liên tục tăng, doanh nghiệp gặp khó

.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng, kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Giá xăng liên tục tăng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.  Ảnh: KHANG NINH
Giá xăng liên tục tăng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: KHANG NINH

Sau phiên điều chỉnh giá bán gần đây nhất (6-10), giá xăng, dầu đã tăng lên mức kỷ lục kể từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 675 đồng/lít, lên mức 20.906 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 577 đồng, lên mức 22.347 đồng/lít; giá dầu Diesel 0.05S tăng 485 đồng/lít; lên mức 18.611 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 403 đồng/lít, lên mức 17.086 đồng/lít và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 752 đồng/kg, lên mức 15.964 đồng/kg.

Ghi nhận chung cho thấy, giá xăng tăng ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là những DN vận tải. Các nhà xe thường ký kết hợp đồng vận chuyển với DN lữ hành ngay từ đầu năm.

Do đó, việc giá xăng tăng giữa chừng trong năm và tăng nhiều lần như vừa qua khiến DN gặp khó vì chịu ảnh hưởng không nhỏ do chi phí xăng chạy hằng ngày sẽ tăng lên, trong khi lại không thể thông báo tăng giá dịch vụ theo mỗi lần xăng, dầu lên giá được.

Ông Nguyễn Huỳnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH TM&DL tổng hợp Cường Huỳnh chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng, đội xe hơn 30 chiếc của chúng tôi tốn khoảng 500-700 triệu tiền xăng, dầu. Khi giá tăng lên, dù chỉ một ít thôi thì số tiền tăng theo không hề nhỏ, đấy là chưa kể các chi phí khác cũng tăng theo giá xăng.

Chỉ đến cuối năm, khi thanh lý hợp đồng thì DN mới dám làm phụ lục hợp đồng để phía đối tác hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải đối tác nào cũng đồng ý hỗ trợ nên DN vận tải vẫn là đơn vị chịu thiệt nhiều nhất. Nếu nhà xe không chấp nhận thì đối tác lại đi hợp tác với đơn vị khác”.

Đồng quan điểm, đại diện nhà xe H.H.T (quận Hải Châu) bày tỏ: “Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng đến mấy lần, nhưng giá vận chuyển thì không thể tăng được do hợp đồng đã ký; nhà xe thì quá nhiều. Nếu chúng tôi cũng cứ tăng giá theo giá xăng, khách hàng sẽ tìm nhà xe khác để hợp tác nên đành phải chấp nhận lợi nhuận ít để giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, giá xăng tăng, một số hàng hóa, dịch vụ liên quan đến vận tải cũng tăng. Trung bình mỗi tháng, các khoản phí đội lên từ 10-15% khiến DN đau đầu trong việc cân đối thu chi. Giá xăng, dầu như hiện nay đã chạm ngưỡng quá cao nên Nhà nước có thể trích quỹ bình ổn ra để hỗ trợ”.

Ở góc độ sản xuất, tuy không phải là đơn vị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng cũng có những tác động không hề nhỏ. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng phân tích, việc giá xăng, dầu liên tục tăng từ đầu năm đến nay khiến cho thu nhập của người lao động trên các tàu cá giảm sút.

Xăng và đặc biệt là dầu chiếm đến 60% chi phí của các tàu cá nên thông thường, sau mỗi chuyến đánh bắt hải sản, chủ thuyền sẽ trừ đi các chi phí, khấu hao tài sản rồi chia lợi nhuận cho người lao động. Những tháng gần đây, chi phí xăng, dầu ngày càng đội lên, một phần do khu vực ven bờ ngày càng ít cá khiến tàu thuyền phải ra khơi xa, một phần vì giá xăng tăng liên tục.

Ông Lĩnh nhận định, ngư dân là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các biến động giá xăng dầu. “Mọi năm giá xăng có tăng, có giảm nhưng năm nay gần như tăng liên tục nên khó khăn hơn cả. Thực tế là do thu nhập thấp nên ngày càng ít người theo nghề đi biển”, ông Lĩnh nói.

Trong lĩnh vực chế biến - sản xuất, ông Trần Quốc Vương, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Chế biến nông - lâm - ngư nghiệp Sơn Trà cũng bày tỏ, giá xăng, dầu tăng khiến cho giá dịch vụ vận chuyển đầu ra, đầu vào cũng tăng theo.

HTX của ông thuê một DN ngoài chuyên phụ trách vận chuyển trong và ngoài thành phố. Chi phí thuê mỗi năm đều tăng hoặc giảm theo giá xăng, dầu, riêng năm nay đã tăng lên khoảng 10%. 

Ông Vương cho hay, trên thực tế việc tăng giá này vẫn chưa gây ra biến động lớn và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của DN. Dù chi phí tăng nhưng DN không thể tăng giá thành sản phẩm được nên phải chấp nhận giảm đi một phần doanh thu.

Trong các mặt hàng của HTX thì hải sản sấy khô là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất do tốn củi và chất đốt cho công đoạn sấy. Tuy nhiên, giá của sản phẩm này cũng chỉ tăng khoảng vài nghìn đồng, tức khoảng 1%.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Ông Trần Đoan, Chủ tịch HTX Dịch vụ Hỗ trợ ô-tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng đánh giá, việc tăng giá xăng có ảnh hưởng đến các DN vận tải nhưng do mức tăng chậm qua từng tháng nên không gây ra tác động quá lớn. Do sự cạnh tranh giữa các DN nên không thể vì giá xăng tăng mà lập tức đẩy giá cước vận chuyển hành khách lên được.

“Theo tôi, nếu giá xăng tăng như thế cộng thêm việc thuế bảo vệ môi trường chuẩn bị tăng kịch khung đối với mặt hàng xăng vào đầu năm 2019 buộc các DN vận tải đồng loạt tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng”, ông Đoan nhận định.

Về việc xăng, dầu liên tục tăng giá trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Công thương, Nguyễn Hà Bắc cho rằng: “Hiện nay, chúng ta vẫn đang phải nhập hơn nửa lượng xăng, dầu sử dụng nên giá xăng, dầu tăng theo thị trường quốc tế.

Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến các DN, nhất là các DN vận tải. Tuy nhiên, Chính phủ đã có những tính toán kỹ lưỡng, căn cứ vào nhiều yếu tố tác động và tăng giá trong mức độ cho phép. Còn riêng đối với những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm sẽ chưa có ảnh hưởng hay biến đổi lớn. Từ nay đến cuối năm, có thể chỉ số tiêu dùng sẽ tăng trong một giai đoạn nhỏ nhưng mặt bằng chung cả năm sẽ là khoảng 4% trở lại”.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công thương chiều 17-10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, quỹ bình ổn xăng dầu đã chi hơn 5.500 tỷ đồng, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã có 19 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó chỉ có 2 lần giảm, 6 lần tăng giá xăng, với tổng mức tăng trên 2.500 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến ngày 25-9, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phải chi 5.500 tỷ đồng cho các lần giữ bình ổn giá xăng dầu. Đến ngày 31-8-2018, quỹ còn 3.100 tỷ đồng.

THU HÀ - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.
.