Bảo đảm cung ứng hàng hóa mùa mưa bão

.

Hiện nay, Sở Công thương thành phố đã chủ động triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức để tránh tình trạng khan hàng, ghim giá trong mùa mưa bão sắp đến.

Ngành Công thương khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong mùa mưa bão năm nay.  							Ảnh: KHẢ THỊNH
Ngành Công thương khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong mùa mưa bão năm nay. Ảnh: KHẢ THỊNH

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mưa bão năm 2018 đã cơ bản hoàn tất. Ngành đã chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục thiên tai, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực; đồng thời, phối hợp các quận, huyện điều động hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm cung ứng kịp thời cho các địa phương bị thiên tai, vùng bị chia cắt do bão, lũ.

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, trong tình huống cứu trợ khẩn cấp sẽ huy động nguồn gạo dự trữ từ các doanh nghiệp trên địa bàn với tổng số lượng là 160 tấn. Khối lượng gạo trên đủ cung cấp cho khoảng 120.000 người dân ở khu vực xảy ra thiên tai, chia cắt trong thời gian 3-5 ngày. Trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp, chia cắt kéo dài hơn so với thời gian dự kiến, Công ty CP Lương thực Đà Nẵng sẽ làm đầu mối thu mua thêm gạo để cứu trợ và huy động thêm nguồn gạo từ các vựa lúa ở miền Nam để kịp thời bổ sung khi cần. Ngoài ra, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, xăng, dầu diezen, dầu hỏa cũng được dự trữ với tổng giá trị là 828,5 tỷ đồng. Hiện nay, tổng giá trị dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2018 tại Đà Nẵng là hơn 870 tỷ đồng.

Về nguồn hàng tại các chợ, theo ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ - triển lãm và các chợ Đà Nẵng, hiện nay chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, Đống Đa, chợ Hàn đều bảo đảm nguồn hàng để cung ứng ra thị trường ngay cả khi xảy ra mưa lũ. “Đà Nẵng là điểm thu mua và phân phối hàng hóa, không phải cơ sở sản xuất lớn các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nên không lo việc khan hiếm.

Thành phố cần bảo đảm nguồn hàng dự trữ để cung ứng cho người dân khi xảy ra sự cố về thiên tai, bão lũ. (Ảnh minh họa, chụp tại chợ Cồn).           Ảnh: KHÁNH HÒA
Thành phố cần bảo đảm nguồn hàng dự trữ để cung ứng cho người dân khi xảy ra sự cố về thiên tai, bão lũ. (Ảnh minh họa, chụp tại chợ Cồn). Ảnh: KHÁNH HÒA

Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú. Mỗi tiểu thương đều có nhiều bạn hàng nên nếu xảy ra tình trạng thiếu hàng sẽ được điều tiết ngay trong thời gian sớm nhất để phục vụ người dân”, ông Mai Phước Ba nói. Đơn cử như tại chợ Cồn, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Cồn cho hay, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân về lương thực thực phẩm, chăn màn, chiếu, áo quần… luôn dồi dào và bảo đảm cung ứng cho nhu cầu của người dân ngày cả khi có thiên tai. Hiện toàn chợ có gần 2.000 hộ kinh doanh tất cả các mặt hàng, cung ứng trên 100kg rau củ/ngày; trên 4 tấn thịt/ngày...

Cùng với lượng hàng dự trữ của thành phố, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung ứng và chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng để điều tiết nguồn cung trên thị trường khi xảy ra thiên tai như: Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty CP TNHH MM Mega Market (Việt Nam) tại Đà Nẵng, Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng...

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, ngoài các đơn vị trên, Sở Công thương đã làm việc và triển khai chủ trương của thành phố đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thương mại có kế hoạch tập kết, dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn với giá cả bình ổn; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa do thiên tai để tăng giá quá mức. “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng, dầu xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và sẵn sàng bảo đảm cung ứng khi thiên tai, bão lũ xảy ra.

Đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an toàn, phòng chống ngập các công trình, cửa hàng xăng dầu”, ông Nguyễn Hà Bắc nói. Hiện nay, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong mùa mưa lũ về giá cả, chất lượng hàng hóa (lưu ý kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết); kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng khan hàng do thiên tai, bão lũ để tăng giá bất hợp lý gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.