"Đòn bẩy" từ chương trình khuyến công

.

Những năm qua, nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương đã góp phần tích cực nhằm tạo “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhất là các doanh nghiệp (DN) ở nông thôn phát triển.

Nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công đã hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị máy móc. (Ảnh chụp tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).
Nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công đã hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị máy móc. (Ảnh chụp tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Là một trong số ít DN được thụ hưởng chính sách khuyến công trong 2 năm liên tiếp (2017, 2018) với số tiền lên tới gần 600 triệu đồng để đầu tư mua sắm mới máy đột và cắt kim loại tấm, ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho rằng, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công rất kịp thời và thiết thực, giúp DN giải quyết được khó khăn về nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Nguồn vốn từ khuyến công đã giúp chúng tôi thêm điều kiện đầu tư mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, các dự án trên đều đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Trung nói.

Tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), từ khi được đầu tư hệ thống máy bào 4 mặt cao tốc và máy làm mỏng âm CNC 3 đầu, năng suất tăng lên gấp 2-3 lần. Nhờ đó, hoạt động của đơn vị từng bước tự động hóa để tăng tính chính xác, thẩm mỹ và chất lượng cho sản phẩm. Trong tổng nguồn vốn hơn 700 triệu đồng mà công ty đã đầu tư thì nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến công khoảng 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Vân, giám đốc xí nghiệp phấn khởi nói: “Điều tích cực nhất từ chương trình này là không chỉ hỗ trợ kịp thời đối tượng DNNVV về nguồn vốn mà còn tạo lòng tin, khích lệ chúng tôi mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc trang thiết bị”.

Nguồn kinh phí khuyến công đã thực sự “tiếp sức” cho DN thành phố, nhất là các DN nhỏ, siêu nhỏ, DN công nghiệp nông thôn để có thể nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo động lực và niềm tin lớn cho DN vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế chia sẻ, nhờ nguồn kinh phí 300 triệu đồng từ chương trình khuyến công, đơn vị đã mua sắm mới máy cắt ép thủy lực và máy cắt định hình chi tiết dép.

Nhờ đó, năng suất đạt cao hơn, chất lượng sản phẩm tăng lên. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu, phát triển thêm sản phẩm để khai thác hiệu quả máy móc thiết bị đã đầu tư từ chương trình.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm), trong giai đoạn 2013-2018, tổng kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt cho thành phố Đà Nẵng hơn 5,5 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 23 dự án.

Nguồn kinh phí khuyến công do địa phương phân bổ trong giai đoạn này đạt trên 3,4 tỷ đồng, dành cho các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản lý của DN, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất… Chỉ tính riêng trong 2 năm (2017, 2018), Trung tâm đã triển khai 41 đề án; trong đó, 12 đề án được hỗ trợ 2,45 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia; 29 đề án được hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, nguồn kinh phí đối ứng của DN là trên 24,7 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, hàng trăm DNNVV, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở nông thôn đã thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị vào sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đánh giá, đào tạo; tổ chức đoàn tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm...

Hàng loạt DN đã được thụ hưởng và phát huy hiệu quả từ sự hỗ trợ này như: Cơ sở sản xuất và kinh doanh nhựa Bình Minh; Công ty CP Tập đoàn Chăm Chăm; Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn; Công ty TNHH Sức Trẻ; Công ty TNHH mắm Hồng Hương; Công ty CP Công nghệ Đức Huy...

Theo ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm, cùng với các chính sách khuyến công quốc gia, các chính sách về khuyến công địa phương đã hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho DN phát triển. Trung tâm cũng yêu cầu các DN được thụ hưởng tiếp tục nghiên cứu, khai thác hiệu quả và trách nhiệm đối với các thiết bị được đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.