Học từ trong gian khó

.

Một nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng đang tìm cách tạo lập nền tảng kết nối những người có nhu cầu học và những người có khả năng dạy. Việc dạy và học ấy có thể thuộc bất kỳ lĩnh vực nào từ ngoại ngữ, luyện thi đại học cho đến nấu ăn, sửa xe, cắm hoa… Chặng đường dù nhiều gian nan, song chính từ trong khó khăn ấy đã mang lại những bài học quý cho những người trẻ muốn khởi nghiệp.

Nhóm dự án “Tới đây học” giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp SURF 2018 tại Đà Nẵng. 							             (Ảnh: NVCC)
Nhóm dự án “Tới đây học” giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp SURF 2018 tại Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Hữu Nhân (SN 1994) tốt nghiệp ngành Thống kê Tin học, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vào năm 2016. Vì nhiều lý do, sau khi ra trường, Nhân không chọn một nghề phù hợp với chuyên ngành mà thử sức mình với nhiều công việc kinh doanh khác nhau.

Là con trai, nhưng Nhân rất mê hoa và luôn mơ ước có một tiệm hoa của riêng mình. Anh đăng ký theo học một khóa dạy cắm hoa với mong muốn sẽ có tay nghề vững để làm thợ trước khi làm chủ.

Nhân kể, gõ “dạy cắm hoa ở Đà Nẵng” vào trang tìm kiếm Google là ra một loạt kết quả. Song, cũng chính vì vậy mà người tìm không biết nên chọn học chỗ nào. Tên của các cơ sở dạy cắm hoa thì nhiều nhưng thông tin về danh tính của người dạy, nhận xét của học viên cũ lại ít. “Thật ra mình đã rơi vào tình huống này không ít lần. Nhiều bạn bè, người quen của mình cũng thế. Lúc ấy, mình bắt đầu ấp ủ 1 dự án giúp người học và người dạy tìm đến nhau thông qua những thông tin cụ thể, đáp ứng đúng nhu cầu”, Nhân nói.

“Tới đây học” ra đời vào cuối năm 2017 dưới hình thức một trang web (http://toidayhoc.com). Trong giai đoạn thử nghiệm, mỗi ngày Nhân tự tìm và đăng tải 5-7 khóa học trên cả nước để dò xét thị trường. Sau khoảng 6 tháng, nhận thấy có một lượng người dùng nhất định tìm được lớp học như ý, Nhân quyết định đi tiếp trên con đường khởi nghiệp đã chọn.

Giữa năm 2018, Nhân tham gia chương trình ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố (DNES) và gặp 3 bạn cùng chí hướng là Trần Viết Dũng, Phan Đăng Khoa (phụ trách công nghệ) và Hà Văn Ngọc (phụ trách bán hàng). Trong vòng 1 tháng, nhóm tập trung xây dựng sản phẩm để đưa ra thị trường và lấy phản hồi của khách hàng để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.

Đến nay, “Tới đây học” đã đăng tải thông tin của khoảng 1.500 khóa học thuộc mọi lĩnh vực trên cả nước, trong đó, tại Đà Nẵng là gần 300 khóa. Truy cập vào trang web này, người dùng có thể tìm kiếm thông tin về khóa học, người dạy, mức học phí, điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở đào tạo... Mỗi ngày, trang web có khoảng 100-200 lượt truy cập. Nhân bảo, những con số này còn rất khiêm tốn và trên thực tế vẫn chưa thể tạo ra nguồn doanh thu bền vững cho dự án.

Dự án “Tới đây học” có sản phẩm chính là nền tảng (tức platform), vốn không hề dễ ngay cả đối với những người khởi nghiệp kỳ cựu. Nhân chia sẻ, đã rất nhiều lần muốn từ bỏ, song mỗi lúc như vậy, anh lại tự nhủ làm mới khó, còn bỏ thì dễ.

Nhân nói: “Lúc nào mình cũng nghĩ có còn cách nào khác nữa không. Mình cũng chưa muốn kêu gọi vốn đầu tư vì nghĩ phải tự làm cho dự án của mình đứng vững, chứng minh được là nó có ích cho xã hội thì lúc đó mới thuyết phục được người khác rót vốn cho dự án”.

Những bước đi đầu trên con đường khởi nghiệp đã dạy cho Nhân và nhóm dự án “Tới đây học” những bài học quý. Đó là, để tiết kiệm chi phí cho một dự án chưa dồi dào doanh thu, cần nhanh chóng tạo ra các sản phẩm MVP (tức sản phẩm khả dụng tối thiểu, có những chức năng tối thiểu, đáp ứng được nhu cầu của người dùng và khiến họ muốn mua các phiên bản tiếp theo).

Nhân cho rằng không nên đầu tư hoàn thiện sản phẩm ngay từ đầu, bởi sẽ tốn kém tiền bạc, thời gian mà vẫn chưa chắc thị trường chấp nhận hay không. Các MVP được tung ra thị trường sớm sẽ giúp nhóm dự án lấy được phản hồi của khách hàng, từ đó tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

Theo Nhân, muốn khách hàng sử dụng nền tảng “Tới đây học”, trước hết cần phải có một cộng đồng. “Phải làm sao cho người ta thật sự biết đến mình, chứ không phải chỉ là đi lướt qua, biết cái tên rồi sau đó quên đi mất. Sắp đến, “Tới đây học” sẽ tổ chức một số khóa học miễn phí trên địa bàn Đà Nẵng mở cửa cho tất cả các đối tượng muốn theo học. Đây là một cách vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng, vừa quảng bá được dự án”, Nhân nói.

PHONG LAN

;
.
.
.
.
.
.