Phân luồng ô-tô khách trên 30 chỗ: Cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ

.

Sau hơn 7 tháng triển khai việc phân luồng ô-tô khách trên 30 chỗ ở khu vực trung tâm thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ đã được khắc phục, đặc biệt là trên các trục đường chính như Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn…

Việc phân luồng ô-tô khách trên 30 chỗ đã góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông. (Ảnh chụp tại đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn ngày 28-10).  		                       Ảnh: THÀNH LÂN
Việc phân luồng ô-tô khách trên 30 chỗ đã góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông. (Ảnh chụp tại đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn ngày 28-10).

Ông Hồ Quang Vinh, Phó phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho biết, từ cuối tháng 2-2018, Sở GTVT đã hoàn thành việc triển khai lắp đặt các biển báo cấm, biển báo chỉ dẫn phân luồng từ xa xe khách trên 30 chỗ đi vào thành phố trong thời gian từ 17 giờ đến hết 18 giờ 30 trên các tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Lý Thái Tông - Hoàng Thị Loan - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân - 2 Tháng 9 - Bạch Đằng - 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành.

Các lực lượng chức năng của thành phố như: Công an, Thanh tra giao thông cũng đã tổ chức ra quân hướng dẫn, tuyên truyền, xử phạt.

Đến nay, tình hình tại khu vực trung tâm thành phố đã có những thay đổi tích cực, tình trạng ùn tắc cục bộ đã được khắc phục, giao thông đã thông thoáng hơn. Lái xe Phạm Quang Cự (Công ty CP Du lịch Bến Thành Travel) cho hay: “Tôi thấy sau khi triển khai việc cấm xe khách trên 30 chỗ lưu thông trong giờ cao điểm đã giảm tải được tình trạng ùn tắc cục bộ. Nhờ đó, hoạt động chở khách cũng dễ dàng hơn”.

Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 8.300 nút giao thông. Đây chính là nguyên nhân làm chậm tốc độ lưu thông và tiềm ẩn ùn tắc giao thông cục bộ. Cùng với đó, Đà Nẵng hiện đang có khoảng 965.000 phương tiện các loại, trong đó xe máy trên 888.000 chiếc, ô-tô gần 77.000 chiếc.

Trong lúc chiều dài mạng lưới đường bộ toàn thành phố mới trên 1.200km với đường đô thị khoảng 900km. Như vậy, số lượng ô-tô, xe máy như ở thời điểm hiện tại với hơn 1.000 phương tiện/1km đường đô thị là áp lực lớn lên mạng lưới giao thông trên địa bàn.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố cho biết, ngoài thời gian cấm từ 17 giờ đến 18 giờ 30, đề xuất sẽ bổ sung thêm các khung giờ cấm 6 giờ 30 đến 8 giờ, 10 giờ 30 đến 12 giờ; đồng thời, bổ sung thêm các tuyến đường cấm gồm: Duy Tân, 2 Tháng 9, Trưng Nữ Vương. 

Bên cạnh đó, mở rộng tuyến đường bao cho phép ô-tô 30 chỗ lưu thông về phía nam theo lộ trình từ Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân - 2 Tháng 9, thay đổi thành Nguyễn Hữu Thọ - Phan Đăng Lưu - 2 Tháng 9 để giảm ùn tắc cục bộ trên đường Duy Tân.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT, đề xuất trước mắt nên mở rộng phạm vi phân luồng xe 30 chỗ về phía nam đến đường 30 Tháng 4, cấm các loại ô-tô khách trên 30 chỗ (trừ các loại xe buýt) lưu thông trên các đoạn, tuyến đường nằm trong khu vực các tuyến đường bao, gồm: Nguyễn Tất Thành - Lý Thái Tông - Hoàng Thị Loan - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - 30 Tháng 4 - đường bao quanh Quảng trường 29 Tháng 3 - đường 2 Tháng 9 - Bạch Đằng - 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành. Trong đó, thời gian cấm được giữ nguyên như hiện nay là 17 giờ đến 18 giờ 30.

Trong giờ cấm vẫn còn nhiều ô-tô trên 30 chỗ đi vào khu vực nút giao phía tây đầu cầu Rồng (Ảnh chụp lúc 17 giờ  05 ngày 30-10).
Trong giờ cấm vẫn còn nhiều ô-tô trên 30 chỗ đi vào khu vực nút giao phía tây đầu cầu Rồng (Ảnh chụp lúc 17 giờ 05 ngày 30-10).

Đáng chú ý, hiện nay việc xử phạt vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do các biển báo không được lắp đặt tại tất cả các nút giao thông nằm trong khu vực cấm nên nhiều lái xe không biết, nhất là các lái xe ở địa phương khác lần đầu đến thành phố. 

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, đơn vị đã có văn bản và tổ chức hướng dẫn, yêu cầu Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành, Hội Khách sạn, các đơn vị lữ hành, đơn vị vận tải khách du lịch, các hướng dẫn viên du lịch thực hiện nghiêm việc lưu thông xe khách trên 30 chỗ trong khu vực trung tâm đúng quy định.

Song, hoạt động này đã ảnh hưởng phần nào đến các tour du lịch của các đơn vị lữ hành; đồng thời cũng gây khó trong công tác vận chuyển hành khách đến nhà ga xe lửa, sân bay quốc tế…

“Với các tuyến đường ra, vào nhà ga xe lửa thì không nên cấm xe khách trên 30 chỗ lưu thông (chiều vào: Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám - nhà ga xe lửa; chiều ra: nhà ga xe lửa - Hải Phòng - Điện Biên Phủ) để các đơn vị lữ hành có thể thuận lợi hơn trong việc đưa đón khách”, ông Bình nói.

Tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay cùng với việc gia tăng dân số, phương tiện giao thông, Đà Nẵng không tránh khỏi áp lực về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn…

Theo dự kiến, đến năm 2030, dân số của Đà Nẵng sẽ có khoảng 2,5 triệu người, tăng gần gấp đôi hiện nay. Ông Bình cho rằng cần có một giải pháp căn cơ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tắc nghẽn giao thông của thành phố, chẳng hạn như hạn chế số lượng ô-tô, các phương tiện cá nhân giữa lúc thành phố thiếu các bến, bãi đậu ở khu vực trung tâm; đồng thời cũng cần phát triển hệ thống vận tải công cộng (xe buýt), tăng cường thêm các tuyến và điểm dừng đón khách.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.