Quản lý đô thị trên nền tảng công nghệ thông tin

.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố có hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông phủ khắp địa bàn. Các “kho” dữ liệu ngành phải được hoàn thiện và liên thông, phục vụ sự phát triển của xã hội.

Người dân, doanh nghiệp được khuyến khích cung cấp các dữ liệu mở miễn phí cho cộng đồng. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất - Công viên Phần mềm Đà Nẵng.            Ảnh: KHANG NINHNgười dân, doanh nghiệp được khuyến khích cung cấp các dữ liệu mở miễn phí cho cộng đồng. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất - Công viên Phần mềm Đà Nẵng.            Ảnh: KHANG NINH
Người dân, doanh nghiệp được khuyến khích cung cấp các dữ liệu mở miễn phí cho cộng đồng. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất - Công viên Phần mềm Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Đây là một trong những mục tiêu mà Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” đề ra. Đề án này sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm nay.

Theo đó, việc xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng phải đáp ứng được 5 tiêu chí, gồm: quản trị thông minh (tức CNTT - truyền thông phải là công cụ hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước trong việc quy hoạch chính sách, ra quyết định; quản lý đô thị tinh gọn (các hệ thống thông tin quản lý được số hóa và liên thông giữa các ngành, người dân để nâng cao năng lực dự báo và hiệu quả quản lý của chính quyền); dịch vụ công thông minh (dịch vụ công trực tuyến thay cho giao dịch giấy tờ); dữ liệu mở (dữ liệu của cơ quan quản lý Nhà nước được công khai, minh bạch) và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Để thực hiện 5 tiêu chí này, Đà Nẵng phân ra các giai đoạn với từng mục tiêu cụ thể. Đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng mạng MAN (mạng dữ liệu băng rộng cho đô thị), nâng cao năng lực của trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, thành phố hình thành trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung để kết nối và phân tích các dữ liệu liên ngành.

Trong 2 năm tới, Đà Nẵng chú trọng hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền cùng cơ sở dữ liệu của 2 ngành y tế và giáo dục. Đây được xem là giai đoạn thành phố sẵn sàng về hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh.

Sau giai đoạn nền tảng, đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ hoàn thiện và thông minh hóa các ứng dụng để phục vụ doanh nghiệp, người dân và du khách; đồng thời chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Điểm nhấn trong giai đoạn này là sẽ hoàn thiện hầu hết cơ sở dữ liệu chuyên ngành - vốn được xem là “trái tim” của một thành phố thông minh.

Các dữ liệu được công khai, minh bạch, liên thông, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khai thác để phục vụ đời sống kinh tế-xã hội.

Dự kiến Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai hoàn thành mô hình thành phố thông minh ở khu vực quận Liên Chiểu, mô hình cụm đô thị thông minh tại khu Công nghệ cao, khu CNTT tập trung và khu Công viên Phần mềm số 2; từ đó, đánh giá nhân rộng mô hình sang các quận, huyện và khu vực khác.

Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thông minh hóa ứng dụng cộng đồng. Với hạ tầng CNTT - truyền thông đa dạng, rộng khắp cùng những “kho” dữ liệu thu được trong các giai đoạn phát triển trước đây, Đà Nẵng ứng dụng sâu các công nghệ như máy học, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo... để hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp và người dân nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh gọn bộ máy, tăng sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.

Anh Hồ Phú Hiển, kiến trúc sư thuộc Công ty TNHH Phần mềm FPT (FSoft) nhìn nhận, sau khi xây dựng chính quyền điện tử, Đà Nẵng có những thuận lợi cơ bản để tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.

Anh Hiển nói: “Thành phố có những thuận lợi là có khung kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Cái quan trọng hiện nay là nâng cao mức độ tích hợp các ứng dụng để làm phong phú hệ cơ sở dữ liệu; đồng thời, khảo sát và giải quyết những nhu cầu thực tế, đơn giản hóa việc tiếp cận dịch vụ thông minh cho người dân”. Theo anh Hiển, FSoft sẵn sàng hợp tác triển khai một số ứng dụng thông minh như phối hợp xây dựng chatbot cho Tổng đài dịch vụ công 1022, phát triển xây dựng thẻ du lịch thông minh trên nền chatbot Danang FantastiCity.

Trong khi đó, ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng CMC Telecom cho biết đơn vị sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng sử dụng nền tảng và hạ tầng kỹ thuật để triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo thử nghiệm. Như vậy, thành phố có thể giảm bớt gánh nặng tài chính, cũng không cần đầu tư quá nhiều nguồn lực vào việc vận hành hệ thống.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Đà Nẵng luôn lấy công dân, doanh nghiệp và du khách làm trung tâm; đồng thời, hỗ trợ họ tham gia trực tiếp vào việc xây dựng thành phố thông minh.

Doanh nghiệp, người dân sẽ được khuyến khích cung cấp các dữ liệu mở (phi thương mại, không nhạy cảm) miễn phí cho cộng đồng. Thành phố còn xây dựng và duy trì tốt các kênh truyền thông, tương tác giữa người dân với cơ quan chức năng để người dân trực tiếp tham gia hiến kế, góp ý xây dựng thành phố thông minh.

Ông Thanh cũng cho rằng, yếu tố quyết định cho những thành công trong việc xây dựng và triển khai chính quyền điện tử của Đà Nẵng chính là tầm nhìn và cam kết của lãnh đạo thành phố, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành.

“Việc xây dựng thành phố thông minh là quá trình lâu dài. Chúng ta có khung kiến trúc tổng thể để định hướng, có lộ trình để cam kết, thể hiện các bước đi cụ thể của thành phố. Phương châm của Đà Nẵng là phải có nhiều đối tác cùng sự đồng hành của cả cộng đồng”, ông Thanh nói.

Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đánh giá đo lường về thành phố thông minh mà Đà Nẵng lựa chọn.

Tổng kinh phí thực hiện đề án này dự kiến đến năm 2025 là khoảng 2.130 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn đến năm 2020 là 939 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 1.191 tỷ đồng.

Để có nguồn vốn này, Đà Nẵng dự kiến bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn 2016-2020 của thành phố; đồng thời tranh thủ các chương trình, dự án, nguồn vốn của Trung ương trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng CNTT.

Ngoài ra, thành phố cũng huy động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) trong xây dựng thành phố thông minh, triển khai hình thức hợp tác công - tư (PPP), phát triển và áp dụng các ứng dụng thông minh có thu phí với hình thức phù hợp nhằm tạo thêm nguồn kinh phí tái đầu tư cho các dự án, ứng dụng thông minh khác.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.
.