Sản phẩm lưu niệm phục vụ APEC 2017: Chật vật ra thị trường

.

Hàng loạt các sản phẩm lưu niệm phục vụ APEC 2017 được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhưng sau hơn một năm, những sản phẩm này vẫn chưa được nhiều du khách đón nhận.

Những sản phẩm của doanh nghiệp địa phương cần được hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển.  Ảnh: Thu Hà
Những sản phẩm của doanh nghiệp địa phương cần được hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Thu Hà

Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng:

Cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch

Khi làm sản phẩm tham gia cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm phục vụ APEC”, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, lựa chọn tác phẩm phù hợp. Theo đó, tác phẩm tranh sơn mài “Gia đình nhà voọc” đoạt giải khuyến khích của cuộc thi.

Sau đó, đơn vị cũng làm thêm tranh này ở kích thước nhỏ hơn (30x40cm) đáp ứng việc trưng bày ở bàn, tủ… để bán cho khách du lịch. Chúng tôi cũng kỳ vọng và mong muốn các sản phẩm của mình sau khi đoạt giải có thể ra được thị trường, đến được với du khách gần xa.

Thế nhưng, du khách lại ít quan tâm đến sản phẩm nên sau một thời gian, chúng tôi ngừng sản xuất. Có lẽ phải là những người am hiểu về Đà Nẵng và rất yêu thích thiên nhiên thì mới mua những sản phẩm lưu niệm có hình voọc chà vá chân nâu này.

Tôi nghĩ, với những sản phẩm đã đoạt giải, thành phố có thể phát triển thành sản phẩm du lịch chung, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch riêng của thành phố, do các doanh nghiệp tại thành phố sản xuất.

Anh Trần Thu, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc:

Sản phẩm chưa phù hợp với thị hiếu của du khách

Thực tế, cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm phục vụ APEC 2017” là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất quà tặng có cơ hội thể hiện các sản phẩm của đơn vị mình. Tuy nhiên, cuộc thi có những tiêu chí nhất định như khi phát động có đưa hình ảnh voọc chà vá chân nâu vào làm biểu tượng của Đà Nẵng và hình ảnh này hầu như có mặt tại đa số các tác phẩm dự thi.

Dù bộ sản phẩm làm từ gỗ với tên gọi “Giai điệu lương tri” của chúng tôi đoạt giải nhì nhưng sau đó lại không sản xuất sản phẩm này được vì khách du lịch không thích. Có thể một phần do thị hiếu của khách du lịch khác nhau, cũng có thể do hình ảnh voọc chà vá chân nâu trên các sản phẩm được thiết kế mang biểu tượng của địa phương, chuyển tải ý nghĩa văn hóa sâu sắc, chưa được nhiều người hiểu và ưa thích nên khó đưa ra thị trường.

Chị Đỗ Lê Kim Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Môi trường Vành Đai Xanh (Arya Tara):

Đưa những sản phẩm lưu niệm vào tour du lịch

Tôi thấy các cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch vẫn còn mang tính hình thức, mới chỉ dừng ở mức trao giải cho các cá nhân, đơn vị mà chưa có sự hỗ trợ, tương tác để doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến tay khách hàng.

Đơn cử như sản phẩm của chúng tôi đang hướng đến là bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên được sản xuất hoàn toàn thủ công, đều có sự kiểm định chất lượng, kiểm định sản phẩm chặt chẽ từ các đơn vị chức năng và nhất là tiện lợi, dễ dùng, dễ vận chuyển, nhưng vẫn đang tự tìm thị trường để phát triển.

Tôi nghĩ, khi đã tổ chức những cuộc thi lớn, tìm ra được những sản phẩm có chất lượng, thành phố nên có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp. Ví dụ đưa các sản phẩm của doanh nghiệp thành phố trong hành trình tour du lịch đến Đà Nẵng. Như vậy, khách hàng mới biết đến những sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu thành phố, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

HÀ KHUÊ ghi

;
.
.
.
.
.
.
.