Sẵn sàng mùa hoa Tết

.

Những vườn hoa của huyện Hòa Vang đã sẵn sàng cho mùa Tết Nguyên đán đang tới gần. Nhiều loại hoa phục vụ Tết được người trồng hoa nơi đây xuống giống cách đây chừng 3 tháng, chăm chút kỹ lưỡng.

Anh Hồ Ngọc Giao dành nhiều tâm huyết cho vườn lan cắt cành Mokara hơn 2 năm nay.
Anh Hồ Ngọc Giao dành nhiều tâm huyết cho vườn lan cắt cành Mokara hơn 2 năm nay.

Tất bật lo vụ Tết

Giữa vườn lan cắt cành mokara bạt ngàn, anh Hồ Ngọc Giao, chủ vườn lan Mokara thôn Nhơn Thọ 1 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) đang cùng một nhân công khác tưới nước, tranh thủ kích bông cho loài hoa đang được nhiều người chọn chưng trong dịp Tết Nguyên đán. Anh Giao đầu tư hai vườn lan có tổng diện tích 3.000m2 được hơn hai năm nay, với hơn 12.000 gốc lan Mokara lớn nhỏ, Tết này dự kiến khai thác được chừng 5.000 gốc.

Theo anh Giao, hiện nay là thời điểm kích bông quan trọng để lan nở đúng dịp Tết. Tuy nhiên, việc chăm lan Mokara trước và sau khi kích bông rất quan trọng để bảo đảm năng suất lâu dài. Công đoạn kích bông sẽ kéo dài chừng một vài tháng tùy theo chủng Mokara cao hay thấp, có siêng bông hay không, cho bông nhanh hay chậm, theo đó thời gian kích bông sẽ ngắn, dài phù hợp.

“Muốn lan ra hoa nhiều và đẹp thì cây trước đó phải được chăm chút sao cho thật khỏe, không bệnh tật, nếu không rất khó cho hoa đẹp, hoặc có ra hoa cũng chỉ ra được một mùa đầu tiên, sau sẽ nhanh suy kiệt.

Cần lưu ý là kích bông không nên quá đà, kích bông mạnh, cây có thể ra nhiều cành hoa, nhưng cành hoa ngắn lại, số lượng bông giảm trên mỗi cành, như vậy giá trị kinh tế sẽ giảm, nhất là năng suất của vụ sau sẽ thấp, hoặc thất thu”, anh Giao chia sẻ.

Cũng tại vùng trồng hoa thôn Nhơn Thọ 1, chủ vườn lan rừng Phạm Trần Lê tự hào khoe hơn 5.000 gốc lan đang chờ xuân đến. Tại đây, ấn tượng nhất có lẽ là những giò lan đủ kích cỡ được ghép gốc vú sữa. Theo anh Lê, việc ghép lan vào gốc cây là “cả một nghệ thuật”, đòi hỏi lắm công phu của người trồng.

Các gốc cây ghép phải bảo đảm các yếu tố như lâu mục để rễ lan không bị hư hại, không phải thay gốc giữa chừng. Cây được ghép có bề mặt thô ráp nhưng không dễ bong tróc vỏ... Hơn 20 năm trồng lan, trong nhà vườn của anh Lê hầu hết lan được ghép với gốc vú sữa, tạo nên những “tác phẩm” chưng Tết có giá trị kinh tế cao, giá hàng trăm triệu đồng hoặc “vô giá”, anh Lê tự hào khoe.

Bên cạnh những vườn lan đầy hứa hẹn của anh Giao, anh Lê, phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, nhiều hộ trồng hoa tại thôn Nhơn Thọ 1 chọn cúc đất, vạn thọ, hướng dương, đồng tiền, thược dược, ly ly... để gieo trồng. Phần lớn các loài hoa này đều được bà con xuống giống cách đây hơn 3 tháng, cây lá phát triển xanh tốt, đợi ngày trổ hoa.

Trong khi đó, hoa cúc chậu lại là lựa chọn phổ biến của tổ hợp tác hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu). Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn cho biết, trong 24 hộ trồng hoa của tổ thì có đến gần 20 hộ trồng cúc chậu, với khoảng 19.500 gốc.

Bản thân ông Dạng năm nay cũng trồng 1.100 gốc cúc chậu (bằng năm 2017), bởi đây là loài hoa có nhu cầu tiêu thụ khá ổn định trong dịp Tết Nguyên đán và khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.

Vùng hoa thôn Vân Dương, xã Hòa Liên nức tiếng rộng 5,9ha, với 87 hộ tham gia sản xuất hoa cũng đang tất bật chăm chút cho mùa hoa Tết sắp tới. Tại huyện Hòa Vang, đây là vùng hoa luôn được đánh giá có chất lượng hoa đồng đều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường hoa Tết.

Phát huy lợi thế, tiềm năng

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang, hiện nay trên địa bàn huyện Hòa Vang có 4 vùng sản xuất hoa với quy mô tương đối lớn và có hiệu quả gồm: vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, rộng 4,5ha), vùng hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước, rộng 5ha), vùng hoa Gò Giảng (xã Hòa Phong, rộng 3ha), vùng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, rộng gần 6ha).

Những vùng hoa này chủ yếu sản xuất các loại hoa phục vụ dịp lễ, Tết. Ngoài ra hoa cũng được trồng rải rác tại các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Tiến, Hòa Khương...

Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho rằng, những năm qua, sản xuất hoa trên địa bàn có sự chuyển biến theo hướng đa dạng đối tượng, phát triển các mô hình trồng hoa có giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị, du lịch như mô hình hoa lan cắt cành, lan ghép gốc cây, hoa treo, hoa thảm...

Từ năm 2016, Phòng NN&PTNT đưa vào khảo nghiệm giống hoa mới như hoa đồng tiền, hoa hướng dương lùn thay thế dần các loài hoa cho giá trị kinh tế thấp, khả năng chống chịu thời tiết kém; hỗ trợ sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất tại một số vùng hoa.

Trong năm 2018, huyện mở rộng sản xuất thêm 1,5ha tại vùng hoa Dương Sơn, tăng diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao lên 2,5ha (trong tổng số 22ha trồng hoa toàn huyện, chiếm tỷ lệ 11%). Các mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao được đầu tư năm 2013 đến nay vẫn duy trì sản xuất tốt.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lý, bên cạnh những hết quả đáng ghi nhận, tại huyện Hòa Vang, một số vùng hoa, mô hình hoa vẫn còn sản xuất cầm chừng, chủ yếu phục vụ lễ, Tết, không có sản phẩm thường xuyên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao; đầu ra tiêu thụ hoa còn khó khăn, một số vùng hoa phát triển chưa tương xứng tiềm năng cũng như hạ tầng hiện có (Gò Giảng (Hòa Phong); Nhơn Thọ (Hòa Phước)...

Trong khi đó, theo chia sẻ của nhiều hộ trồng hoa, họ sẽ yên tâm sản xuất hoa, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nữa, nếu được hỗ trợ tốt hơn nữa nguồn vốn vay cũng như chủ động được nguồn cây con giống hoa, thay vì lệ thuộc vào các nơi cung cấp như hiện nay.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.