Thiếu nước sinh hoạt giữa mùa mưa

.

Hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thiếu nước nghiêm trọng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt giữa mùa mưa là điều chưa từng có ở thành phố, tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Mấy ngày nay, nhiều nơi trên địa bàn thành phố thiếu nước sạch. 					          					                   Ảnh: phương minh
Mấy ngày nay, nhiều nơi trên địa bàn thành phố thiếu nước sạch. Ảnh: Phương Minh

Thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng

Anh Lâm Quang Lợi (nhà số 21, đường Mỹ Đa Tây 6, khu đô thị nam cầu Tiên Sơn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, sáng ngày 6-11, nguồn nước sinh hoạt của gia đình anh mất hẳn. Quá trưa 7-11, gia đình anh Lợi vẫn chưa hứng được giọt nước nào và phải mua nước đóng chai về sử dụng. Ở gian bếp, hàng đống chén bát không rửa nhiều ngày chất chồng.

Chị Hồng, vợ anh Lợi than thở: “Hai ngày nay chúng tôi cũng không tắm rửa gì được. Mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn”. Miệng nói, tay làm, chị Hồng lôi ra mấy thùng nhựa và lấy khăn lau vội rồi giục chồng ra quán mua thêm nước đóng bình loại 20 lít về sử dụng.

Chị Đỗ Thị Khánh (nhà số 36 đường Hồ Huấn Nghiệp, phường Mỹ An) cho biết nguồn nước sinh hoạt ở đây rất yếu.

“Nước chảy nhỏ giọt nên hứng cả buổi sáng chỉ đủ dùng cho việc vệ sinh cá nhân, rửa rau… Nguồn nước này nếu phục vụ ăn uống thì phải thêm công đoạn lắng lọc vì quá đục”, chị Khánh bày tỏ.

Còn anh T.C.Sương (trú tổ 22, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) cho biết, mấy ngày nay gia đình anh không hứng được giọt nước nào từ hệ thống cấp nước của thành phố. Khuya 6-11, anh Sương chủ động thức đêm để chờ hứng lấy nước dùng cho sinh hoạt nhưng trắng đêm vẫn không được giọt nào. Do đó, sáng 7-11, gia đình phải dùng nước uống đóng chai để vệ sinh cá nhân. Không có nước nấu ăn nên cả gia đình phải ăn tiệm rất tốn kém.

Ở khu vực quận Liên Chiểu, anh Nguyễn Tiến Thành (tổ 27, phường Hòa Khánh Bắc) cho biết, ở khu vực này trong 3 ngày qua, gia đình nào cũng bị mất nước sinh hoạt.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng ở tất cả các quận trên địa bàn thành phố. Các khu vực trung tâm thành phố như: Hải Châu, Thanh Khê luôn trong tình trạng nước sinh hoạt được cung cấp chảy rất yếu.

Anh Quốc Tùng (ở quận Hải Châu) cho biết, sáng 6-11, anh sử dụng nước trà của quán cà-phê trên đường Trần Quý Cáp thì nước uống khác lạ, có vị mặn. Nhiều khách hàng cũng bất ngờ và sau khi chủ quán kiểm tra thì xác định, vị mặn của nước uống từ nguồn nước sinh hoạt.

Cắt nước luân phiên

Dù tình hình thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ trước đó nhưng chiều và tối 6-11, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) mới phát đi công văn thông tin về hiện trạng áp lực và lưu lượng nước yếu. Thông tin rất hạn chế trên vài phương tiện thông tin đại chúng nên phần đông khách hàng đều chưa biết để có thể tích trữ trong gia đình.

Chị Trần Hồng Nga (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) phản ánh: “Tôi không nhận được thông báo ngưng cấp nước sinh hoạt từ cơ quan chức năng. Do thiếu nước nên mấy ngày qua gia đình không thể tắm giặt bình thường, buộc phải mua nước bình, nước đóng chai với giá cao”.

Còn anh M. (ở đường Mỹ Đa Đông) bức xúc nói: “Công ty cấp nước khuyến khích khách hàng trên toàn thành phố sử dụng nước tiết kiệm nước nhưng trên hệ thống có giọt nào đâu mà tiết kiệm. Vào giữa mùa mưa mà thiếu nước thì không thể chấp nhận được”.

Theo Dawaco, khác với mọi năm, năm nay nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ đã bị nhiễm mặn sang cả tháng 10 và tháng 11. Cùng với việc nguồn nước thô tại Cầu Đỏ nhiễm mặn thì ở đập dâng An Trạch, mực nước cũng giảm xuống dưới 1,4m nên hoạt động của trạm bơm An Trạch không đủ nguồn nước thô cung cấp về Nhà máy nước Cầu Đỏ để xử lý.

Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương cho biết: “Mực nước trung bình tại Trạm quan trắc Ái Nghĩa (Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là 2,6 - 2,7m, nhưng mấy ngày nay nhiều lúc chỉ còn 1,8m - 1,9m. Tình hình nguồn cung cấp nước thô khai thác trên sông Vu Gia dẫn về An Trạch đang cực kỳ căng thẳng; đây lại là nguyên liệu chính để sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở thành phố. Nếu thời tiết không mưa thì ngay dịp Tết Nguyên đán 2019 sẽ thiếu nước sinh hoạt cung cấp cho thành phố”.

Để giải quyết tình trạng  thiếu nước sinh hoạt, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các chủ hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành xả nước để bảo đảm chiều cao mực nước tại đập dâng An Trạch tối thiểu đạt +1,4m để có thể vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch cung cấp nước thô, sản xuất nước sinh hoạt cho người dân. Hiện, các hồ đập thủy điện đang cạn nguồn nước và đã không xả nước về hạ lưu.

Ông Hồ Hương cho biết thêm, trong ngày 7-11 nước sông Cầu Đỏ đã nhiễm mặn đạt mức 2.000mg/lít. Tình hình cấp nước sinh hoạt cho thành phố vẫn không thể cải thiện để nâng công suất, nâng áp lực lẫn lưu lượng.

Theo đó, phương án giải quyết nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong thời điểm cấp bách hiện nay là cắt nước luân phiên theo địa bàn các quận để làm công tác điều độ, tăng áp lực nước vào từng khung giờ để khách hàng tích trữ sử dụng; đồng thời cũng bảo đảm cung cấp nước cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Sở Xây dựng thông tin giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt

Tối 7-11, Sở Xây dựng có thông cáo báo chí nêu nguyên nhân tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố trong những ngày qua; đồng thời đề ra giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài.

Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai các biện pháp cấp nước an toàn.

Từ nay đến tháng 4-2019, DAWACO đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ giai đoạn 1 với 60.000m3/ngày đêm và đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày đêm; đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để cung cấp đến các khu vực có áp lực nước yếu.

Ngoài ra, DAWACO còn thực hiện các giải pháp như cung cấp nước sạch sinh hoạt đến người dân bằng xe bồn; khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm; đầu tư thêm các trạm bơm tăng áp…

Về lâu dài, để bảo đảm cấp nước đến năm 2020, thành phố sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 có công suất 120.000m3/ngày đêm; dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 công suất 120.000m3/ngày đêm theo quy hoạch.                            

CẨM KIM

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.
.
.