Những ngày này, anh Nguyễn Thắng (Giám đốc HTX Rau, hoa, củ, quả Hòa Vang) cùng 10 nhân công của mình đang tất bật thu hoạch dưa trong các nhà trồng dưa lưới Hà Lan - giống trái cây mới được thử nghiệm từ đầu năm 2018 nhưng đã nhận được tín hiệu tốt từ thị trường.
Trồng dưa lưới Hà Lan dự báo hiệu quả cao. |
Được sự giới thiệu của bạn bè làm cùng ngành nông nghiệp, tháng 2-2018, anh Nguyễn Thắng nhập thử giống dưa lưới có nguồn gốc Hà Lan về trồng. Ban đầu, anh gieo thử 500 gốc. Sau 65 ngày thu hoạch, dưa cho trái vỏ vàng ruộm, ruột xanh, thanh ngọt, trái trung bình nặng 1,6kg. Tuy chỉ là trồng thử nghiệm, lứa dưa đầu tiên đạt chất lượng đến 88%.
Thời điểm đó, giá dưa bán được tại vườn là 55.000 đồng/kg. “Thổ nhưỡng địa phương rất thích hợp để trồng dưa lưới công nghệ cao, mỗi năm có thể trồng 4 vụ dưa. Với năng suất trung bình 65-75 ngày/vụ, sau khi trừ đi vốn đầu tư cây giống, gieo trồng, nhân công, sản lượng dưa lưới thu hoạch ước đạt 10 tấn/năm, như giá bán tại vườn hiện nay từ 40.000-45.000 đồng/kg, trừ chi phí, khấu hao thiết bị thì có thể thu lãi 600 triệu đồng/năm”, anh Thắng tính toán.
Hiện, HTX Rau, hoa, củ, quả Hòa Vang đầu tư 3 nhà kính với diện tích 2ha chỉ để trồng riêng dưa lưới Hà Lan. Theo anh Thắng, chi phí đầu tư nhà lưới, giống, hệ thống tưới... khá cao, nhưng bù lại “tuổi thọ” của nhà lưới có thể sử dụng đến 10 năm.
Việc áp dụng trồng dưa trong nhà lưới vừa giúp che chắn mưa nắng, vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại). Sau lứa đầu tiên trồng đất, 2 lứa dưa tiếp theo được áp dụng trồng trong nhà kính trên giá thể.
Việc trồng trên giá thể giúp cây không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm của đất nên độ an toàn cao. Bên cạnh đó, giá thể có thể được tái sử dụng trồng lại quanh năm giúp tiết kiệm chi phí. Quy trình chăm sóc dưa được anh Thắng tính toán, lập trình biểu đồ dinh dưỡng hợp lý, nhất là giai đoạn thụ phấn thủ công, công thức bón phân bảo đảm dinh dưỡng cho cây, giúp giảm được chi phí đầu tư tối đa.
“Hiện tại, dưa lưới được trồng đại trà ở Đà Nẵng nhưng để ra lứa dưa ngọt thanh, giòn thì không phải ai cũng trồng được. Mỗi nhà kính đều có kỹ thuật riêng. Tôi đang áp dụng kỹ thuật 4:3:3 (tỷ lệ trộn lẫn xơ dừa, tro trấu, trùn quế). Đồng thời, tôi cũng thường xuyên kiểm tra cây để bổ sung kịp thời hàm lượng kali cho cây. Muốn quả ngọt thì cây phải nhận đủ độ mặn”, anh Thắng chia sẻ.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhà trồng dưa thứ 4 vừa được gieo cách đây vài ngày, anh Thắng tính khoảng 15 tháng Chạp sẽ thu hoạch. Theo người nông dân này, dịp Tết bà con rất chuộng thức quả có màu vàng ruộm, do đó, dưa lưới Hà Lan sẽ có “đất dụng võ”. Đặc biệt, dưa lưới càng để chín lâu thì càng ngọt sẽ rất phù hợp để bà con mua về chưng cúng.
Trồng rau, quả áp dụng công nghệ cao là mô hình mới được áp dụng tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang); dần khẳng định đây là mô hình phù hợp trong chiến lược phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở Đà Nẵng.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới của anh Thắng là mô hình đầu tiên trồng theo công nghệ cao ở xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên địa phương đang khuyến khích để các hộ dân có điều kiện học tập nhân rộng, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp ở địa phương”.
Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang đang hỗ trợ tích cực cho HTX Rau, hoa, củ, quả Hòa Vang trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hiện đã làm việc với BigC, Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Đà Nẵng để tiêu thụ sản phẩm cho HTX này. Mục tiêu của huyện trong những năm tiếp theo là mở rộng từ 2 - 3ha sản xuất rau, hoa, củ, quả công nghệ cao/năm, nhằm cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường Đà Nẵng.
Bài và ảnh: QUỲNH TRANG